Trang

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Hiểu thêm về NGHIỆP

Chúng ta thường nghe nói đến chữ "nghiệp" trong cuộc sống hằng ngày, cũng như trong đạo Phật, như là: nghề nghiệp, tội nghiệp, nghiệp báo, nghiệp chướng, nghiệp nhân, nghiệp quả.
Vậy chúng ta thử tìm hiểu: "Nghiệp" là gì?   
Nghiệp là thói quen hành động, nói năng hay suy nghĩ hằng ngày của chúng ta trong cuộc sống, trong khi làm việc, trong khi giao tiếp, ở tại nhà, ở tại sở làm hay bất cứ nơi đâu. 
Nghĩa là: nghiệp do thân hành động, khẩu nói năng và ý suy nghĩ, nên thường được gọi là tam nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.   

Theo nguyên tắc, có hai loại nghiệp: thiện và bất thiện.  Tuy nhiên, khi nói đến chữ "nghiệp", người ta thường nghĩ đến những nghiệp ác hay nghiệp bất thiện.

1) "Thân nghiệp" là những thói quen hành động, do thân tạo tác hằng ngày.  Có người luôn luôn thích giúp đỡ kẻ khác, làm việc phước thiện, làm việc xã hội.  Có người luôn luôn thích đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, đi nhà thờ xem lễ, cầu nguyện.  Cũng có người luôn luôn thích đánh nhau, đánh đập súc vật, giết hại sinh mạng chúng sanh, chơi đấu bò, đi câu cá, đi săn bắn, như thú vui tiêu khiển.  Có người luôn luôn thích hút thuốc, uống rượu, bài bạc.  Có người luôn luôn thích việc trộm vặt dù họ không túng thiếu.  Có người luôn luôn thích kiện tụng, thích xúi người khác thưa kiện để thủ lợi.  Có người luôn luôn thích hăm dọa người khác, theo thói chưa đậu ông nghè đã đe làng tổng, họ gửi bài đăng báo, tòa báo không đăng nguyên văn, sửa bản thảo, họ bảo xin lỗi, viết thư dọa làm con kiến đi kiện củ khoai!

2) "Khẩu nghiệp" là những điều mình thường nói ra hằng ngày, có khi ngọt ngào dễ nghe, có khi chanh chua chát khế, kinh khủng khiếp luôn!  Cổ nhơn có dạy:
Lời nói chẳng mất tiền mua. 
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.   
Có người luôn luôn thích nói chuyện đạo lý, chuyện ích lợi cho người. Có người luôn luôn thích thuyết pháp, tụng kinh, niệm Phật. Có người luôn luôn thích an ủi, khuyên lơn, đem sự an ổn tâm thần đến cho người khác. Có người luôn luôn nói lời hòa nhã, êm ái, dịu dàng, ai ai cũng thích nghe, thích gặp mặt, thích trò chuyện. 
Ðó là những người lựa lời mà nói cho người an vui, và đang tu theo hạnh Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, hay tu theo hạnh Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát. Cũng có người luôn luôn thích nói suốt ngày, không biết mệt, không ngừng nghỉ. Có người luôn luôn thích nói chuyện thị phi, chuyện thiên hạ, chuyện phải quấy, chuyện hơn thua, chuyện tranh chấp, chuyện kiện tụng, chuyện thưa gửi, chuyện phiền não, chuyện khổ đau. Có người luôn luôn thích văng tục, chửi thề, bới móc người khác, kê tủ đứng vào miệng người khác, móc họng cho người ói ra, mỗi khi khai khẩu, mỗi khi mở miệng. Có người thốt xong một lời, người nghe phải đi xức dầu cù là, hoặc uống thuốc nhức đầu, thậm chí ngất xỉu, hay giã từ luôn cõi đời. Có người thốt xong một lời, người khác phải đi tù, gia đình xào xáo, vợ chồng chia ly, lục đục, cãi vã, nghi ngờ lẫn nhau, tiêu tan hạnh phúc. 
Bởi vậy, chúng ta mới biết khẩu nghiệp nặng nề biết bao, lời nói độc hại đến chừng nào, lời nói có khả năng hại người còn hơn vũ khí. Ðó là lời nói của những kẻ "lựa lời mà nói cho người giết nhau", hoặc là những kẻ "lựa lời mà nói cho người tiêu luôn"!
Những người biết tu tâm dưỡng tánh rất dè dặt với khẩu nghiệp, không dám phát ngôn bừa bãi, luôn luôn nhớ lời cổ nhơn dạy: "Lời nói là bạc, im lặng là vàng".  Có người bèn áp dụng tu pháp môn "tịnh khẩu", suốt ngày không muốn nói bất cứ chuyện gì, với bất cứ ai.  Tuy nhiên, bên ngoài phẳng lặng, mà trong lòng dậy sóng, thì cũng như không!  Có khi nói năng để truyền bá Chánh Pháp, lời nói đầy pháp vị, nói lời chuyên chở đạo lý.  Có khi sự im lặng cũng đúng Chánh Pháp, cũng đượm nhuần đạo lý.  
Cổ nhơn có dạy: "Ngữ ngôn đạo đoạn". 
Nghĩa là còn phải dùng lời nói, thì không thể diễn tả được đạo lý một cách tột cùng, khi lên tiếng thì đạo mất rồi. Người hiểu đạo là người có tâm cảm thông sâu sắc, không cần dùng lời nói, có thể thấu hiểu mọi sự mọi việc một cách dễ dàng, không có gì ngăn ngại. 
Trong kinh sách có câu: "Ðạo cảm ứng giao nan tư nghì" chính là nghĩa đó vậy. 
Cũng có câu: "Ðạo bổn vô ngôn". 
Nghĩa là gốc của đạo không thể dùng lời lẽ của thế gian mà diễn tả được.  Ðạo là chỗ cứu kính tuyệt đối bất khả tư nghì, đạo cảm thông không thể nghĩ bàn được.  Ðó chính là chỗ im lặng của Cư sĩ Duy Ma Cật thời Ðức Phật còn tại thế, đó chính là sự lặng thinh của Nhị Tổ Huệ Khả, khi trình kiến giải lên Sơ Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma vậy.

3) "Ý nghiệp" là quan trọng hơn cả. Chính ý nghiệp chủ động điều khiển thân nghiệp và khẩu nghiệp.  Tại sao vậy?  Bởi vì nếu như tư tưởng luôn luôn có ý nghĩ thế nào thì hành động và lời nói sẽ y theo đó mà ra, không sai khác chút nào. Chính tư tưởng phát xuất ra hành động và lời nói. Thí dụ nếu trong tâm ý chúng ta nghi ngờ người nào ăn cắp đồ, thì từ hành động cho đến lời nói của người đó đều có vẻ khả nghi, đáng ngờ, và hành động cũng như lời nói của chúng ta đều không bình thường đối với người đó.
Thí dụ nếu chúng ta luôn luôn có tư tưởng, có ý nghĩ là kẻ nào ác thì phải bị tiêu diệt, phải bị đọa địa ngục, phải bị trừng phạt nặng nề, cho nên khi có cơ hội, có phương tiện, có quyền hành, có thế lực, chúng ta sẽ dễ dàng mắng chửi, mạt sát, giết hại, trừ khử, thanh toán kẻ đó không chút xót thương, không chút bận tâm!  Nghĩ như vậy, nói như vậy, làm như vậy, tâm của chúng ta không từ bi, không bác ái chút nào, và như vậy chúng ta có khác gì kẻ ác kia đâu?  Giết người phải đền mạng, có luôn luôn hẳn là lẽ công bằng tuyệt đối chăng, có giúp nạn nhân sống lại chăng, có giúp xã hội an ninh, trật tự chăng, có giúp tình người thêm tốt đẹp chăng?  Con người thường nhân danh cái thiện, nhân danh thế thiên hành đạo, để thi hành, thực hiện việc ác, việc trả thù ngay sau đó. Chính vì vậy mà oan oan tương tục không biết đến bao giờ mới dứt được. Thiệt là "tội nghiệp" thay! 
Trên thế gian này, sân hận không bao giờ dập tắt sân hận. Duy có tình thương, tâm từ bi mới diệt được tâm sân hận. Ðó là định luật trường cửu. 
Cho nên, trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng. 
Lấy ân báo oán, oán nghiệp tiêu tan. 
Ðây là cách dừng nghiệp và chuyển nghiệp hữu hiệu nhất. Thí dụ vì nghiệp duyên đời trước, có người nào đó khi gặp chúng ta, liền không có cảm tình, không ưa thích, có thái độ thù nghịch, chống đối. Nếu như chúng ta không hiểu luật nhân quả, bèn có thái độ tương ứng đáp lại, thì càng ngày quan hệ giữa chúng ta và người đó càng tệ hại thêm mà thôi. Còn nếu như khi họ gặp hoàn cảnh không may nào đó mà mình có thể giúp được và thực tâm giúp đỡ họ, thì có phải "oán nghiệp" trước đây tiêu tan hay không?
Thí dụ trong gia đình, nếu người cha hay người mẹ, vì tức giận người con đối xử tệ bạc với mình, không như mình mong ước, nên cũng đối xử lạnh lùng, hằn học, bực dọc đáp lại, thì thử hỏi câu chuyện sẽ đi đến đâu, sẽ kết thúc ra sao?  Nếu cha mẹ có lòng từ bi, không chấp chặt những điều đó, vẫn thương yêu, chăm sóc người con, như lúc con còn nhỏ dại, thì ít ra còn hy vọng người con chuyển đổi tâm ý, gia đình hòa vui trở lại. 
Chuyện này "nói ra thì dễ, làm được mới khó".  Nhưng thử hỏi chuyện gì trên đời này mới là chuyện dễ làm đây? 
....
Trích từ bài Tội & Nghiệp của tỳ kheo Thích Chân Tuệ trên báo Đạo Phật ngày nay.
Hoàng Vân sưu tầm

3 nhận xét:

  1. Hoàng Vân ơi đã nghe tam nghiệp nhưng đọc bài của Hoàng Vân đăng vẫn thấy hay .Cám ơn và chúc Hoàng Vân luôn khoẻ vui tươi xinh đẹp và hạnh phúc nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cám ơn chị bachlien. Mỗi đợt đi đâu mà có chị thì nơi đó lại được có bài thơ hay. Thật hạnh phúc cho nơi có chị đặt chân đến, những người đi cùng chị được thơm lây. Tiếc là vừa rồi không đi cùng chị và đoàn. Hẹn lần khác. Chị nhớ phải khoẻ đấy nhé.

      Xóa
  2. chị à, chị đăng tiếp đi, bài viết hay quá. Cảm ơn chị đã chia sẻ.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.