Trang

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

TÂM - TƯỚNG

Chúng ta là con của Phật, hàng ngày tu tập và nhớ lấy một câu: “Một đời làm thiện vẫn còn thấy thiếu, một ngày làm ác lại quá dư” thì ngay lúc đó, chúng ta tự cảnh tỉnh mình và sợ liền. Mà thiện pháp là gì? Thiện pháp ở đây tức là mười thiện nghiệp, có nghĩa là hằng lìa sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, hai lưỡi, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân hận và tà kiến. Thiện pháp là thân của trời và người. Thanh Văn Bồ đề, Độc giác Bồ đề, Vô thượng Bồ đề đều y pháp này làm căn bản mà được thành tựu, do vậy gọi là thiện pháp. Cho nên tạo phước rất quan trọng vì phước trợ duyên cho quả cứu kính, nếu có ai nói không cần làm phước mà chỉ tập trung vào tu thôi thì coi như người đó chỉ chấp một bên. Thực hiện được như thế là chúng ta đã gieo được hạt giống thiện pháp và được giải thoát ngay trong giờ phút đó. Phật chỉ đề ra con đường và hướng dẫn ta đi thôi mà không thể giúp chúng ta giải thoát được, tất cả chủ yếu là do chúng ta phải tự nỗ lực tu tập.

Thân của Phật có ba thân là pháp thân, báo thân và hóa thân, còn thân của mình là thân tổng báo, có nghĩa là trong thời quá khứ, chúng ta đã từng có lúc làm thiện, có lúc làm ác. Làm thiện thì khi quả thiện chín muồi, chúng ta được hưởng, làm ăn tốt, gia đình hạnh phúc thuận hòa, còn ngược lại khi quả ác chín muồi thì làm ăn thua lỗ, bệnh tật hoành hành làm mình hoảng hốt, lúc đó lại đi coi bói mà không hiểu về luật nhân quả. Ví như có một người ăn xin đến ngân hàng vay một trăm triệu thì không ai giải quyết cho họ cả, vì họ không có nhà cửa, tài sản để thế chấp. Còn ngược lại, một ông tổng giám đốc đạo mạo đang làm ăn tốt, đến ngân hàng vay mười tỷ thì có thể được giải quyết vì ông này có nhà cửa, có công ty, có tài sản đảm bảo. Chúng ta phải thấy được rằng, tại sao có người xin được mà có người xin không được, nếu cứ ai đi xin cũng được thì đất nước mình đã giàu có rồi, không cần phải đi làm cho cực khổ. Cho nên trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
Người ngu tưởng là ngọt,
Khi ác chưa chín muồi.
Ác nghiệp chín muồi rồi,
Người ngu thấy khổ đau.
Người thiện tưởng là khổ,
Khi thiện chưa chín muồi.
Nghiệp thiện chín muồi rồi,
Người thiện thấy an vui.

Rồi trong Kinh Thập Thiện, Phật dạy tiếp: “Ngươi xem các vị Đại Bồ Tát đây, diệu sắc trang nghiêm, tất cả đều do tu tập phúc đức thiện nghiệp mà sanh ra”. Các vị Bồ Tát được thân tướng hảo trang nghiêm đều nhờ phúc đức thiện nghiệp mà sanh ra, đó gọi là tâm sinh ra tướng. Chúng ta biết, thuật tướng số là có chứ không phải không, nhưng trong luật ngũ hành thì nó lại biến dịch, không đứng một chỗ nên con người có thể tu tập để chuyển được nghiệp của mình.

Vào đời nhà Tống, có một người đến gặp thầy tướng số để xem thì ông thầy tướng số nói: “Số của ông là số khổ, số ăn mày nên dù bây giờ ông có làm gì đi chăng nữa cũng vậy thôi, sau này khi chết còn bị chết đói nữa”. Ông này hỏi tại sao, coi thấy gì mà nói như vậy thì ông thầy tướng nói rằng: “Ông có hai đường pháp lệnh chạy thẳng vào trong miệng, gọi là Lưỡng đao nhập khẩu, có nghĩa là hai con đao chui vào miệng nên số ông là như vậy”. Nghe xong ông rất buồn nên về bán hết tài sản rồi cho hết vợ con họ hàng, sau đó bỏ nhà ra đi. Một hôm qua một ngôi làng này, khi vào nhà vệ sinh chung của làng đó thì ông thấy một cái bọc đen, bên trong toàn là vàng thỏi, đếm đi đếm lại được 52 thỏi. Ông nghĩ dù sao đây cũng là tiền của người ta, dù mình có lấy thì mai đây cũng nghèo, cũng khổ rồi chết đói nên thôi bây giờ có ai đến nhận thì mình trả. Quả nhiên một lúc sau có một có gái hớt hơ hớt hải chạy đến nói rằng: “Bố tôi bị bắt oan trên huyện, chạy vạy bao nhiêu mới đủ tiền để đi minh oan cho bố. Thế mà tôi lại đãng trí làm mất. Bây giờ không có tiền thì bố tôi sẽ bị xử chết và tôi cũng sẽ chết theo ông luôn”. Ông hỏi cụ thể thì biết những thỏi vàng đó là của cô nên trả lại. Cô gái mừng quá biếu ông hai thỏi nhưng ông nhất định không lấy và nói: “Nếu tôi tham thì đã lấy hết chứ lấy hai thỏi của cô làm gì, thôi đi lo cho bố cô đi không lại hỏng việc. Còn số tôi là số ăn mày nên dù có nhặt được vàng cũng vậy mà thôi”. Sau đó cô gái cảm ơn ông rồi hai người mỗi người đi một ngả. Đi miết ông thấy mệt và đói nên ngồi nghỉ dưới gốc cây, tình cờ thấy một đàn chuột chạy vô hang. Ông tìm cây đào cái hang lên tính bắt chuột để ăn thì tình cờ đào thấy 18 hũ vàng của người xưa chôn. Sau đó ông dùng số vàng đó để mua lại ruộng vườn, nhà cửa, đất đai và trở thành một phú gia giàu có nhất trong vùng.
Và cũng bắt đầu từ đó, ông rất ghét hai hạng người là Sa môn và những ông thầy tướng số.
Một hôm trên đường đi du ngoạn thì ông gặp một vị thiền sư nổi tiếng là Tế Công Hòa thượng. Sau khi kể hết ngọn ngành câu chuyện từ trước đến giờ thì Tế Công Hòa thượng khai thị cho ông: “Đúng ra số ông là số ăn mày rồi chết đói, nhưng nhờ nhặt được túi vàng trả lại cho cô gái và cứu được mạng sống của hai bố con họ nên bây giờ pháp lệnh của ông lại trở thành “lưỡng long tranh châu”, nếu không tin thì về tự kiểm tra, trong lưỡi của ông có một nốt ruồi son tương đối lớn”. Đến lúc này thì ông mới tỉnh ngộ, vì nhặt được vàng mà không tham trả lại để cứu người nên sanh ra phúc đức thiện nghiệp như vậy.

Cho nên mặc dù người nào tướng xấu cách mấy mà sau một thời gian tu tập tốt thì tướng sẽ chuyển, và ngược lại người nào dù có tướng tốt nhưng tâm ác, tâm bất thiện thì sau một thời gian tướng tốt đó sẽ mất luôn. Cho nên muốn có được 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, bắt buộc chúng ta phải tu tập chứ không thể cầu xin mà được.

(Đại Đức Thích Đạt Ma Khế Định – chủ trì thiền viện Chánh Thiện thuyết giảng)
Hoàng Vân sưu tầm và trích đăng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.