Trang

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

TU NGHE

 Hòa thượng Thích Thanh Từ
        Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta giao tiếp với rất nhiều người, không phải ai cũng có cùng suy nghĩ, quan điểm với mình. Nếu không học cách lắng nghe và chia sẻ, chúng ta sẽ tự làm tổn thương mình và người khác, từ đó dẫn đến sự đổ vỡ trong các mối quan hệ.
         Biết nói năng lễ độ, tôn trọng người đối thoại với mình, biết kiểm soát cơn nóng giận để không làm tổn thương người khác, biết khen kịp thời để khích lệ, biết chỉ ra cái sai đúng lúc, đúng chỗ, để giúp người khác nhận ra; đồng thời biết lắng nghe và thấu hiểu người khác muốn nói gì, biết cách kiềm chế bản thân khi nghe những lời nói khó nghe, rồi chọn thời điểm thích hợp khi họ đã bình tâm để chia sẻ cho họ nhận ra phải trái là rất quan trọng. Tu nói đã khó, tu nghe còn khó hơn nhiều. Khi tu nói, chúng ta chỉ cần kiểm soát cái miệng của mình, còn khi tu nghe chúng ta không thể kiểm soát cái miệng của người khác. Bởi vậy chúng ta cần phải biết cái gì nên nghe, cái gì không, cái gì nên nói và đáng nói.

          Có tới 80% sự đổ vỡ trong các mối quan hệ xã hội bắt nguồn từ lời nói. Bởi thế, tu nói - tu nghe là một phương pháp đơn giản để tránh sự đổ vỡ, và là nền tảng để xây dựng các mối quan hệ bền vững, tốt đẹp. Bài đăng dưới đây trích trong bài giảng "Tu nói - Tu nghe" của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Cảm ơn Tu Là Chuyển Nghiệp đã đánh máy bài giảng này. 

TU NGHE

Học cách nói cho dễ thương đôi khi lại dễ hơn là học nghe!
         Biết lắng nghe cũng là một pháp bố thí. Vì người kia không có khả năng kham nhẫn nên họ mới nói những lời độc địa, đay nghiến như vậy. Cái nghiệp nó hành hạ người ta, và sức chịu đựng của họ chỉ được 50 - 70% thôi còn số còn lại họ phải xả vào ai đó, và đôi khi chúng ta là nạn nhân của sự xả giận đó. Chúng ta có lỗi hay không có lỗi họ cũng giận hờn và trách móc chúng ta vô cớ.
         Có những người có thói quen và tập khí không tốt, họ luôn theo dõi xem chúng ta có phạm chút lỗi lầm nhỏ nào không để nhân cơ hội đó thổi phồng câu chuyện lên cho nghiêm trọng và đi rêu rao với những người khác và hậu quả không lường trước được. Trong trường hợp chúng ta nghe những lời thị phi chỉ trích hay lời nói như dao đâm vào tim ta phải trang bị cho mình một khí cụ để tự vệ để đón nhận một cách bình thản không để cho nó tác quai tác quái hành hạ mình.

Phải làm sao bây giờ?
         Cứ nghe rồi để đó thôi đừng nghĩ thêm gì nữa, đừng hành động gì cả thì nó sẽ không làm gì được mình, dù nghe thì dễ như vậy nhưng chúng ta làm cả đời cả kiếp cũng chưa xong và đôi khi những lời thị phi đó làm cho chúng ta điêu đứng. Một người khôn ngoan sẽ biết cách điều phục tâm mình trước những lời thị phi nghiệt ngã, nếu chúng ta chưa thể là một người bất động trước khen chê thì hãy cố gắng biến những thứ thị phi đó thành những thứ phân bón, rác rưởi để nuôi dưỡng đức tánh nhẫn nhục và kiên định của mình.
         Khi gặp những sự việc không như ý, chúng ta hãy tập dừng lại và quán chiếu cho thật sâu sắc để có thể lắng nghe và buông xả. Kẻ đang gây sự, xả rác vào chúng ta kia là một người vô cùng đáng thương, vô cùng tội nghiệp. Họ không đủ nhẫn nhục để chịu đựng sự dẫn dắt tra tấn của nghiệp lực, họ không đủ sức gánh vác trên vai họ sức nặng của nghiệp chướng bởi vậy cho nên họ vùng vẫy làm tung tóe sự bất an và phiền não của họ lên chúng ta. Những con người tội nghiệp đó họ đang rất đau khổ và không biết rằng con đường dẫn đến địa ngục đang mở cửa với họ, họ vô minh đi vào ngõ tối của khổ đau mà không thể tự mình thoát ra được.

Còn chúng ta thì sao?
         Nếu chúng ta không đủ tỉnh giác để quán chiếu và dừng lại, không đủ sức nhẫn nhục để chịu đựng thì chúng ta cũng sẽ giống như họ, lại cũng sẽ đổ cái đống nghiệp đó, thùng rác đó lên một người khác và cứ như vậy cộng nghiệp với nhau cùng dẫn nhau đi vào địa ngục.
         Vậy với tu lắng nghe tức là tu cái tai, người ta nói gì là việc của họ, nghe hay không là việc của mình. Chúng ta tu là biết kiểm soát thái độ của mình khi nghe bất kì một thông tin nào đó. Nghe mà bình thản và giải quyết việc một cách thông minh sáng suốt nhất có thể.
         Chúng ta muốn lắng nghe thì trước hết phải học cách im lặng. Im lặng cả thân và cả tâm nữa.
(Trích từ bài giảng "Tu nói - tu nghe" của Hòa thượng Thích Thanh Từ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.