Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Thiền ở Trung tâm Nghỉ dưỡng Người có công số 1 Hà Nội.


Xem lại bộ ảnh TẠI ĐÂY.
          Ngày 28 tháng 5 lớp DSNL 13 và một số học viên các lớp khác (tổng số 74 học viên, giáo viên) đi thiền dã ngoại tại Trung tâm Nghỉ dưỡng Người có công số 1 tại Thanh Thủy, Phú Thọ, Hà Nội.
          Mới hơn 5 giờ sáng mọi người đã tập trung đầy đủ, đúng 6 giờ xe xuất phát. Mới là buổi sáng mà trời đã khá oi bức, theo thông báo thì nhiệt độ hôm nay lên tới 39 độ. Khi còn ở trong thành phố không khí thật ngột ngạt, nhưng khi xe chạy ra đến ngoại ô, hai bên đường là những hàng cây và cánh đồng xanh mướt, mọi người đều cảm thấy dễ chịu. Xe chạy 2 tiếng là đến nơi. Chuyến đi thiền này cũng là đợt thử nghiệm chuẩn bị địa điểm thiền mới cho Câu lạc bộ. Trước đây CLB thường tổ chức đi thiền dã ngoại ở Côn Sơn, Suối Hai, Ba Vì hay Tam Đảo…mỗi nơi đều có những cái hay riêng. Cách đây mấy tháng được chị Châu (học viên lớp DSNL6) hướng dẫn, câu lạc bộ đã tổ chức một số giáo viên đến khảo sát trước. Đây là khu nghỉ dưỡng cho người có công của Hà Nội.
          Khu nghỉ dưỡng tọa lạc giữa cánh đồng lúa bát ngát. Nhiều dãy nhà cao 2, 3 tầng… đủ sức tiếp nhận hàng trăm người một lúc. Các phòng nghỉ đều có nóng lạnh, điều hòa, phòng vệ sinh… Các khối nhà ẩn mình trong các hàng cây ăn quả (xoài, mít..) đang mùa ra quả. Gió từ cánh đồng ùa vào các phòng nghỉ mang theo hương lúa thơm nồng. Khu nghỉ có hồ bơi nước lạnh, có nhiều phòng tắm sục nước khoáng, có phòng phục hồi chức năng. Khu nhà ăn rộng rãi, thoáng mát, có hệ thống điều hòa phòng khi trời nóng bức. Bữa ăn sạch sẽ, đủ dinh dưỡng và hợp khẩu vị các “thiền sinh”, ăn xong ai cũng khen là ngon.
         Chúng tôi chỉ đi 1 ngày mà vẫn tổ chức được hai buổi thiền và hai lần tắm nước khoáng và bơi ở bể bơi. Buổi trưa ai cũng có một giấc ngủ ngon trong phòng điều hòa mát rượi. Một ngày thiền dã ngoại trôi đi thật nhanh. Đã đến lúc phải lên xe về nhà; ai cũng mong sớm có dịp trở lại thiền và tắm nước khoáng ở đây. 
Thanh Thủy, tháng 5 năm 2015

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Buổi học đầu tiên của lớp DSNL 18

Theo như kế hoạch đã định của BCN CLB, chiều thứ 7 ngày 23/5, các thành viên của lớp DSNL 18 háo hức tới buổi học đầu tiên tại địa điểm mới - lớp học mới với các bạn học mới và cô giáo mới. Vâng, tôi gọi là mới vì chỉ có tổ chức và địa điểm là mới thôi, còn ai cũng quen vì đã cùng nhau gặp gỡ, chia sẽ rất nhiều từ những buổi sinh hoạt chung của CLB, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm "mới" Nguyễn Hoàng Vân và cô Lưu Mai Phương - phó chủ nhiệm

Buổi đầu tiên, Lớp đã được các thầy cô trong ban Chủ nhiệm CLB đến dự và chia sẻ.

Lớp đã bước đầu ổn định tổ chức với một tinh thần "mới": một ban cán sự lớp thoả mãn đầy đủ các tiêu chí như nhanh nhẹn, khoẻ, có thời gian, tâm sáng, nhiệt tình, có trình độ tin học và kinh nghiệm hoạt động cộng đồng. Lớp sẽ hoạt động theo tổ với các tổ trưởng cũng theo tiêu chí trên. Hy vọng lớp DSNL 18 sẽ duy trì được "phong độ" ổn định và cùng nhau tiến bộ.

Sau đây là một số hình ảnh trong buổi học đầu tiên của Lớp DSNL 18, do một "học sinh mới" ghi lại, xin chia sẻ với các bác, các cô, các chú và anh chị cùng xem.
Giới thiệu ban cán sự mới

Ban can sự trẻ và tâm huyết

Ca thiền đầu tiên

Ca thiền đầu tiên

Ca thiền đầu tiên

Ca thiền đầu tiên

Ca thiền đầu tiên



Cô chủ nhiệm lớp




Xả thiền

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Học tại địa điểm mới

Sáng nay lớp DSNL17 đã có buổi học tại địa điểm mới của CLB. Có gần 80 học viên từ các lớp DSNL1, 3, 8, và 1 số học viên lớp DSNL4. Dưới đây là 1 số hình ảnh do anh Nguyễn Văn Chuyền chụp.  

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

THÔNG BÁO

         Kể từ ngày 20/5/2015 các lớp thiền: DSNL1,3,4,8,16 và lớp Esperanto chuyển địa điểm học sang địa điểm mới: lô 20 B18 khu đô thị Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội. 
         Tại địa điểm mới học viên các lớp DSNL1,3,4,8,16 sẽ ghép lại thành hai lớp: 
a. Lớp học vào sáng thứ 6 hàng tuần 
- Tên lớp: DSNL17 gồm các lớp DSNL1, DSNL3, DSNL8 
- Giáo viên chủ nhiệm: cô Lê Thị Thanh Lệ 
b. Lớp học vào chiều thứ 7 hàng tuần 
- Tên lớp: DSNL 18 gồm các lớp DSNL 4, DSNL16 
- Giáo viên chủ nhiệm: cô Nguyễn Hoàng Vân 
- Phó CN: cô Lưu Mai Phương 
c. Lớp học vào sáng chủ nhật hàng tuần 
- Tên lớp: Esperanto 
- Giáo viên chủ nhiệm: cô Nguyễn Thị Hiền

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

MỪNG SINH NHẬT CHUNG

         Ngày 15/5 lớp DSNL14 được sự đồng ý của thầy Kim, sau ca thiền, lớp tổ chức sinh nhật và cùng chia sẻ kinh nghiệm luyện thiền giữa các học viên cũ và học viên mới. Nhiều ý kiến chia sẻ rất bổ ích. Các học viên đều tâm đắc tu thiền phải kiên trì và tin tưởng ắt sẽ thành công. Trong số các học viên mới có người đã theo thiền ở nơi khác nhưng không phù hợp và đã tìm đến lớp thiền của CLB DSNL. Sau ít ngày theo học đã rất hài lòng, đặc biệt tin tưởng sự hướng dẫn của thầy Kim, tận tình và có hiệu quả.
         Phần sinh nhật chung, mọi người cùng hát bài chúc mừng sinh nhật vui vẻ. Sau lời chúc mừng của bác Bình, lớp trưởng, thầy Kim đã trao thiếp mừng sinh nhật cho từng người trong không khí đầm ấm tình thân ái của cả lớp. Tiếp đó cả lớp nghe thơ mừng sinh nhật chung của bác Nguyễn Văn Ngọ. Liên hoan hoa quả nhẹ nhàng nhưng ấm tình đồng môn tu thiền. Sau đây là bài thơ mừng sinh nhật và ảnh chung của lớp DSNL14.

MỪNG SINH NHẬT CHUNG 
(Kính tặng 12 học viên lớp DSNL14 có chung sinh nhật vào quí 2-2015)

Mỗi quí tổ chức một lần,
Chung vui sinh nhật thêm gần nhau hơn.
Quí này mười hai học viên,
Tôi làm thơ tặng có tên từng người.

Kính lão đã ngoài bảy mươi,
Ông Sơn, ông Ngọ đang cười rất tươi.
Lan cũng ngoài bảy mươi,
Sinh năm bốn bốn ngậm ngùi tuổi thân.

Tuổi thân thì mặc tuổi thân,
Đẻ vào giờ dần thơm ngát Hương Lan.
Mưu cầu hạnh phúc an khang,
Thu về mát mẻ lá vàng rơi rơi.

Phượng hoàng tung cánh muôn nơi,
Ngọ môn rộng mở, khách mời tứ Phương.
Hoa Hồng đỏ rực trong vườn,
Tay đeo Ngọc Bích, nhớ thương bồn chồn.

Ngọc Bảo sáu tám tuổi tròn,
Bà nội, bà ngoại vẫn còn rất duyên,
Cái duyên được đến với thiền,
Nâng cao sức khỏe cháu con vui mừng.

Hôm nay là sinh nhật chung,
Ta thêm một tuổi nhưng không thấy già.
Chúng ta lên ông, lên bà,
Sống vui, sống khỏe, đó là ước mong.

Chúc mừng buổi sinh nhật chung,
Mọi người vui vẻ mà không quên thiền.
Ngày 15-5-2015
Nguyễn Văn Ngọ
Lớp DSNL14

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

THIỀN TẠI CHÙA KHO BA VÌ

(Dựa theo ghi chép của Vũ Hoa, lớp DSNL 16)
Tọa lạc trên núi Ba Vì,
Ngôi chùa thờ Đức Tản Viên Thánh hiền (1).
Xa xưa truyền thuyết lưu truyền, (2)
Thủy, Sơn chiến đấu tranh nàng Mỵ Nương (3).

Hào hùng cảm nhận thiêng liêng,
Giao hòa trời đất thiên nhiên với người.
Chúng tôi đến ngày đẹp trời,
Nắng gió mát mẻ tuyệt vời dịu êm.

Vì thế dù phải trèo lên,
Đường dài khá dốc để lên đến chùa,
Thinh không tĩnh lặng như tờ,
Ai cũng thoải mái như là dạo chơi.

Trên đồi là một khoảng trời,
Tràn đầy năng lượng cho người thiền tu.
Mọi người lắng nghe thầy cô,
Lịch thiền phổ biến ba ca trong ngày.

Thiên nhiên sinh khí tràn đầy,
Véo von chim hót, lượn bầy bướm ong.
Chúng tôi thiền giữa thinh không,
Thiên nhiên hòa hợp như cùng sẻ chia.

Cảm ơn các thầy, các cô,
Truyền cho kinh nghiệm người tu luỵện thiền.
Cả đoàn lại rất có duyên,
Dự lễ sám hối cầu an cho mình.

Chúng tôi hết sức lòng thành,
Và đều cảm nhận phúc lành an nhiên.
Đặc biệt lớp có chị Ninh,
Chân đau nhưng vẫn đi cùng chúng tôi.

Chị nay tuổi đã cao rồi,
Đi phải chống gậy, đứng ngồi khó khăn,
Nhưng không một phút băn khoăn,
Cùng đoàn leo dốc lên thăm lễ chùa,

Ngồi thiền chăm chú hằng giờ,
Đó là bài học nói về đức tin
Và cả nghị lực vươn lên,
Vượt mọi gian khó tu thiền dưỡng sinh.

Bác Yến, học viên nhiệt tình, (4)
Ngoài bảy mươi tuổi thấy mình khỏe ra,
Ngồi thiền chăm chú ba ca,
Cùng lớp Mười Sáu chan hòa tình thân.

Ba Vì không xa mà gần,
Cả đoàn tạm biệt, hẹn lần gặp sau.
Ngày 16-4-2015
Nguyễn Văn Ngọ
Lớp DSNL14
(1) Ngôi Chùa Kho
(2) Truyền thuyết SơnTinh, Thủy tinh
(3) Thủy Tinh và Sơn Tinh đánh nhau để giành Mỵ Nương công chúa.
(4) Bác Yến, học viên lớp DSNL1, đã 2 lần tai biến nhưng rất chăm thiền và tích cực tham gia dã ngoại.

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

HẸN

Bác Nguyễn Thị Cải, một cây thơ của lớp DSNL 16, sau chuyến đi thiền dã ngoại của lớp đã cảm tác bài thơ về nơi đất thiêng chùa Kho, Ba Vì. Xin giới thiệu cùng các cô, các bác, bài thơ mới này của bác Cải. Và chúng ta lại cùng nhau "hẹn đến tuần lại lên".

Đoàn lên núi buổi sáng
Đất thiêng núi Tản chùa Kho 
Đền Linh Sơn Tự ta về hôm nay 
Sương xuân giăng kín hàng cây 
Gió đưa nhẹ lướt mây bay lưng trời.

Núi Tản Viên đó tuyệt vời 
Khí thiêng một mảnh đất trời Việt Nam 
Vào hè ánh nắng chói chang 
Màu xanh của lá ngút ngàn rừng cây.

Thiền tâm lắng đọng nơi này 
Cho năng lượng sạch đong đầy toàn thân 
A Di Đà Phật Cõi Trần 
Lòng bâng khuâng hẹn đến tuần lại lên. 
9/5/2015 
 Nguyễn Thị Cải
học viên lớp DSNL16

THIỀN NƠI CÕI TỔ

Ảnh lớp DSNL 16
     Tôi nghe một kiến trúc sư từng nói: “Nếu Hà Nội là “Thăng Long” thì Ba Vì chính là “Ẩn Long” của đất nước và Ba Vì cũng chính là Trấn Sơn, hòn núi đứng gác non sông”.
     Với bao háo hức về một miền đất tụ đầy khí thiêng của dân tộc, một sáng tháng 5 trời trong xanh thật chiều lòng người (đêm trước trời mưa to ấy vậy mà sáng sớm khi mọi người tập trung thì mưa tạnh, gió mát, trời xanh) lớp dưỡng sinh năng lượng 16 đã cùng nhau đi một chặng đường hơn 80km để về đến quần thể Đền Bảo Linh Sơn, Chùa Kho - Thiên Bảo Tự - Ba Vì.
     Đây là lần thứ hai lớp 16 về đây hành lễ và tu thiền nhưng trong lòng bao người sự háo hức, mong chờ vẫn vẹn nguyên. Chắc rằng ai cũng thấy thanh thản và tràn trề hy vọng về một buổi tập thiền thành công, thu được nhiều năng lượng sạch nơi núi cao thoáng đãng, nơi chốn linh thiêng có sự gia hộ của các Đấng bề trên.
     Leo cao khoảng hơn trăm bậc đá, ở độ cao khoảng 5.700 mét đền Bảo Linh Sơn đã hiện ra trước mắt chúng tôi, giản dị và tĩnh lặng. Hiếm có ngôi Đền nào còn giữ được sự yên bình như thế. Sau khi lễ tại đền, cả lớp leo thêm một đoạn để đến được Chùa Kho, nơi có những bức tượng tuyệt đẹp. Giữa sân chùa là tượng Phật Di Lặc, ngài đang cưỡi rồng, nhìn Ngài với nụ cười vô tư, vô ưu thì hầu hết nhân gian đã bỏ quên mọi nỗi niềm ưu tư của chính mình. Có lẽ vậy mà khi ngắm 18 vị La Hán dọc hai bên cạnh chùa Kho chúng tôi không thấy nỗi đau trần thế khắc khoải như nhà thơ Huy Cận đã cảm nhận tại chùa Tây Phương để thốt thành thơ:
                                    Các vị La Hán chùa Tây Phương 
                                    Tôi đến thăm về lòng vấn vương. 
                                    Há chẳng phải đây là xứ Phật, 
                                    Mà sao ai nấy mặt đau thương? 
(Trích thơ Huy Cận) 
     Vào trong chùa, với tâm thành kính cả lớp đã tay chắp, gối quỳ cầu xin Phật và Đấng linh thiêng phù hộ độ trì cho mình, cho người thân, cho đồng môn sức khỏe, bình an, năng lượng dồi dào. Xong phần lễ, là lúc trời bắt đầu nắng nhạt, thời tiết quá đẹp cho mọi người tập trung thiền. Tiếng cô Vân vẫn trầm sảng, "Cả lớp mình xếp ghế ngồi ngay ngắn nào, ca 1 chúng mình cùng Thiền bài Thiên-Địa-Nhân hợp nhất nhé." Một tiếng rưỡi qua đi thật nhanh, ai cũng khoan khoái sau khi xả thiền.
     Giờ chúng tôi xuống lại Đền để chuẩn bị cho buổi giao lưu chia sẻ hứa hẹn có rất nhiều hấp dẫn. Bác Hiền một trong những cán bộ lớp và là cây cao bóng cả của lớp chia sẻ về việc nhờ tập Thiền mà bác khỏi đau lưng, về hiện tượng lạnh người khi vừa nãy bác ngồi Thiền bài Thiên-Địa-Nhân hợp nhất. Người cũng từng gặp hiện tượng như thế là anh Dũng, một thành viên vui tính và có kết quả thu năng lượng xuất sắc của lớp đã giơ tay phát biểu sau bác Hiền. Bài chia sẻ của anh Dũng nhận được rất nhiều tràng vỗ tay vì sự hiểu biết, sự ham học, ham đọc tài liệu liên quan đến pháp tu thiền cùng các ví dụ dễ hiểu của anh.
     Và sự chia sẻ được mong đợi nhất trong ngày hôm nay đã tới, đó là những chia sẻ, giao lưu của chú Đinh Đại Thắng, người đang là thủ Đền trông coi tại Đền Bảo Linh Sơn và Chùa Kho. Nhờ sự chia sẻ của chú Thắng mà lớp chúng tôi biết được những sự tích về nơi mình đang đứng, về xuất thân (tâm linh) của những vị danh nhân tài năng như Bác Hồ, Bác Giáp. Sẽ là rất dài để kể ra đây nên xin phép tôi chỉ thuật lại vậy, một ngày duyên đến tôi tin mọi người cũng sẽ đến đó và cũng được nghe kể những câu chuyện lý thú mà lớp chúng tôi đã được nghe hôm nay. Tôi tin chắc đặt chân đến đây là mọi người đã gặp một mối duyên lành và quả thật nghe xong những câu chuyện đó chúng tôi đều thấy trào lên trong lòng niềm tự hào về một vùng đất thiêng, cổ xưa và kỳ bí mang đầy tính truyền thuyết về nòi giống dân Việt. Điều đó thôi thúc tôi tìm đọc thêm các thông tin, tài liệu về địa danh Ba Vì. Tôi được biết nơi đây không chỉ là ngọn núi huyền thoại về Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, mà còn biết nơi đây, vua Đường từng coi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt về phương Nam (dãy Trường Sơn). Để nước Nam không phát được, vua Đường từng cử Cao Biền (vị tướng kiêm phù thuỷ) dùng pháp thuật cho đào 100 cái giếng xung quanh núi Ba Vì để trấn yểm, triệt long mạch nước ta. Nhưng cứ đào gần xong, giếng lại bị sập. Cao Biền phải bỏ cuộc bởi Ba Vì là dãy núi thiêng của Đại Việt, kẻ nào đụng đến sự linh thiêng của dân tộc Việt chắc chắn kẻ đó sẽ thất bại.
     Hết giờ giao lưu lớp chúng tôi cùng nhau dùng cơm trưa, bữa trưa đơn giản với những món ăn chay nhanh gọn tự mỗi người mang theo rồi góp chung lại như xôi, cơm nắm muối vừng, bánh mỳ, bánh chưng, chút ít hoa quả mà ai nấy đều thấy ngon miệng, ấm dạ.
     Nghỉ ngơi một chút rồi lớp chúng tôi lại cùng nhau lên sân chùa Kho chuẩn bị cho ca thiền thứ 2. Lại một ca Thiền mang đến nhiều khoan khoái lạ thường cho mọi người. Một duyên lành nữa chúng tôi nhận được là mỗi lần lớp đến đây đích thân chú Thắng thủ đền lại tổ chức một khóa lễ sám hối cho cả đoàn. Đã trót sinh vào kiếp trần gian, ai chả có vay nợ trong cõi nhân sinh này nên khi được dự khóa lễ chúng tôi cảm thấy tâm hồn được rửa sạch, thư thái, mọi sự thành tâm đều hướng về Phật đài trước mặt. A Di Đà Phật, hết một báo thân này, đồng sanh cõi cực lạc!
     Lúc này, ngày cũng đã về chiều, tạm biệt mảnh đất thiêng, chúng tôi cùng nhau xuống núi, lên xe và đi về Hà Nội. Những câu chuyện cười, những lời hỏi han nhau râm ran vẫn như lúc bắt đầu đi, tuyệt đối không tìm thấy sự mệt mỏi của quãng đường dài. Tôi thấy khâm phục các bác, các cô, các anh chị tuổi cao hơn mình mà tâm hồn thật trẻ, thật sôi nổi. Tôi khâm phục bác Ninh, tuổi cao, bệnh mệt mà vẫn cố gắng leo cao, thiền tốt cùng đoàn. Tôi khâm phục lớp trưởng là chú Dương, chú Vinh đã cõng được máy lọc nước nặng thế lên trên đỉnh cao, đây là món quà lớp chúng tôi tri ân với nhà đền nơi đây.
     Cảm ơn các Đấng bề trên đã linh thiêng, phù hộ cho đoàn chúng tôi một ngày dã ngoại trọn vẹn niềm vui, sức khỏe, an bình.
     Lớp DSNL 16 xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cô Vân người giáo viên tận tụy và hết lòng với lớp và cũng là người đưa lớp cập bến duyên lành nơi đất thiêng Chùa Kho Ba Vì.
     Cám ơn thầy Chuyền, cô Phương, cả lớp thật vui và yên tâm khi đi dã ngoại có thêm các thầy các cô đi cùng, nhận được sự sẻ chia ấm áp từ nơi cô thầy.
     Cảm ơn các bác cán bộ lớp như chú Dương, chú Vinh, bác Hiền cùng các cô chú khác đã tổ chức cho lớp một buổi dã ngoại thiền thành công và suôn sẻ.
     Cảm ơn chú Cường, một học viên từ xa của CLB tại Nha Trang, chú Hùng - học viên “tại ngoại” đã tham gia buổi dã ngoại ngày hôm nay một cách thân thiện, nhiệt tình. Tạm biệt và còn hẹn gặp lại Chùa Kho-Ba Vì!
Chu Lệ Hằng
học viên lớp DSNL16.
Xem lại bộ ảnh TẠI ĐÂY.

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

NGÀY MỘT THÁNG NĂM

                        Xa Thủ đô ngày đầu tháng năm
                  Về trung du đợi ánh trăng rằm
                  Đột suất, "ngoài luồng" vui dã ngoại
                  Trung tâm điều dưỡng một (1) tới thăm.

                                    Sáng sớm tinh mơ gió mát lành
                                    Đường thông xe chạy tốc độ nhanh
                                    Hai tiếng bon bon đoàn tới đích
                                    Nơi đây thoáng đãng giữa đồng xanh.

                  Ngập tràn nắng gió một miền quê
                  Tắm khoáng sau bơi một sớm hè
                  Sảng khoái tinh thần ngồi tĩnh lặng
                  Thiền thu năng lượng quá say mê.

                                    Ẩm thực đồng quê ngon lạ sao
                                    Rau xanh thịt cá lượng dồi dào
                                    Ai cũng trầm trồ khen sạch, rẻ
                                    Ân cần phục vụ ấm tình trao.

                  Ban tổ chức có sáng kiến hay
                  Tắm thiền hai ca trọn trong ngày
                  Chưa mọc mặt trời xe chuyển bánh
                  Khi về trăng sáng với tầm tay.

                                    Chuyện “đá kỳ” (2), “giấy mới” (3), “héo tươi”(4)
                                    “Tuýp hai” (5) tâm sự của bao người
                                    Muốn dấu nhẹm đi ai hé lộ
                                    “Bác sỳ”(6) mời “củ”(7) tuýp hai cười…

                  Ngắn ngủi gian nan một cuộc đời
                  Tu thiền chia sẻ nỗi đầy vơi
                  Cùng nối vòng tay yêu cuộc sống
                  Để tình chan chứa mãi không vơi.
Hà Nội 1-5-2015
BẠCH LIÊN
(Kỷ niệm ngày dã ngoại tại trung tâm điều dưỡng người có công số 1, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ)
**********
Ghi chú:
(1) Trung tâm điều dưỡng người có công số 1 tại suối khoáng huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ
(2) Đá kỳ: là hòn đá người dân dùng để kỳ cọ khi tắm. (Trong bài nói về hòn đá biết cười biết nói biết đi…)
(3) Giấy mới: là giấy chưa viết. Bút viết nhiều trên giấy cũ bị gai tắc không ra mực nhưng viết trên giấy mới trơn tru nét mực bình thường. 
(4) Héo tươi: nhiều thứ bị héo có thể tươi trở lại.
(5) Tuýp hai: là một loại bệnh có ký hiệu tuýp hai La Mã
(6) Bác sỳ: thể theo thơ Bút Tre là Bác sỹ. Người đóng vai bác sỹ nhưng không có bằng bác sỹ gọi là bác sỳ.
(7) Củ: là củ khoai lang ở quê nguời ta gọi tắt là củ cho nhanh.