Ảnh lớp DSNL 16 |
Tôi nghe một kiến trúc sư từng nói: “Nếu Hà Nội là “Thăng Long” thì Ba Vì chính là “Ẩn Long” của đất nước và Ba Vì cũng chính là Trấn Sơn, hòn núi đứng gác non sông”.
Với bao háo hức về một miền đất tụ đầy khí thiêng của dân tộc, một sáng tháng 5 trời trong xanh thật chiều lòng người (đêm trước trời mưa to ấy vậy mà sáng sớm khi mọi người tập trung thì mưa tạnh, gió mát, trời xanh) lớp dưỡng sinh năng lượng 16 đã cùng nhau đi một chặng đường hơn 80km để về đến quần thể Đền Bảo Linh Sơn, Chùa Kho - Thiên Bảo Tự - Ba Vì.
Đây là lần thứ hai lớp 16 về đây hành lễ và tu thiền nhưng trong lòng bao người sự háo hức, mong chờ vẫn vẹn nguyên. Chắc rằng ai cũng thấy thanh thản và tràn trề hy vọng về một buổi tập thiền thành công, thu được nhiều năng lượng sạch nơi núi cao thoáng đãng, nơi chốn linh thiêng có sự gia hộ của các Đấng bề trên.
Leo cao khoảng hơn trăm bậc đá, ở độ cao khoảng 5.700 mét đền Bảo Linh Sơn đã hiện ra trước mắt chúng tôi, giản dị và tĩnh lặng. Hiếm có ngôi Đền nào còn giữ được sự yên bình như thế. Sau khi lễ tại đền, cả lớp leo thêm một đoạn để đến được Chùa Kho, nơi có những bức tượng tuyệt đẹp. Giữa sân chùa là tượng Phật Di Lặc, ngài đang cưỡi rồng, nhìn Ngài với nụ cười vô tư, vô ưu thì hầu hết nhân gian đã bỏ quên mọi nỗi niềm ưu tư của chính mình. Có lẽ vậy mà khi ngắm 18 vị La Hán dọc hai bên cạnh chùa Kho chúng tôi không thấy nỗi đau trần thế khắc khoải như nhà thơ Huy Cận đã cảm nhận tại chùa Tây Phương để thốt thành thơ:
Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương?
(Trích thơ Huy Cận)
Vào trong chùa, với tâm thành kính cả lớp đã tay chắp, gối quỳ cầu xin Phật và Đấng linh thiêng phù hộ độ trì cho mình, cho người thân, cho đồng môn sức khỏe, bình an, năng lượng dồi dào. Xong phần lễ, là lúc trời bắt đầu nắng nhạt, thời tiết quá đẹp cho mọi người tập trung thiền. Tiếng cô Vân vẫn trầm sảng, "Cả lớp mình xếp ghế ngồi ngay ngắn nào, ca 1 chúng mình cùng Thiền bài Thiên-Địa-Nhân hợp nhất nhé." Một tiếng rưỡi qua đi thật nhanh, ai cũng khoan khoái sau khi xả thiền.
Giờ chúng tôi xuống lại Đền để chuẩn bị cho buổi giao lưu chia sẻ hứa hẹn có rất nhiều hấp dẫn. Bác Hiền một trong những cán bộ lớp và là cây cao bóng cả của lớp chia sẻ về việc nhờ tập Thiền mà bác khỏi đau lưng, về hiện tượng lạnh người khi vừa nãy bác ngồi Thiền bài Thiên-Địa-Nhân hợp nhất. Người cũng từng gặp hiện tượng như thế là anh Dũng, một thành viên vui tính và có kết quả thu năng lượng xuất sắc của lớp đã giơ tay phát biểu sau bác Hiền. Bài chia sẻ của anh Dũng nhận được rất nhiều tràng vỗ tay vì sự hiểu biết, sự ham học, ham đọc tài liệu liên quan đến pháp tu thiền cùng các ví dụ dễ hiểu của anh.
Và sự chia sẻ được mong đợi nhất trong ngày hôm nay đã tới, đó là những chia sẻ, giao lưu của chú Đinh Đại Thắng, người đang là thủ Đền trông coi tại Đền Bảo Linh Sơn và Chùa Kho. Nhờ sự chia sẻ của chú Thắng mà lớp chúng tôi biết được những sự tích về nơi mình đang đứng, về xuất thân (tâm linh) của những vị danh nhân tài năng như Bác Hồ, Bác Giáp. Sẽ là rất dài để kể ra đây nên xin phép tôi chỉ thuật lại vậy, một ngày duyên đến tôi tin mọi người cũng sẽ đến đó và cũng được nghe kể những câu chuyện lý thú mà lớp chúng tôi đã được nghe hôm nay. Tôi tin chắc đặt chân đến đây là mọi người đã gặp một mối duyên lành và quả thật nghe xong những câu chuyện đó chúng tôi đều thấy trào lên trong lòng niềm tự hào về một vùng đất thiêng, cổ xưa và kỳ bí mang đầy tính truyền thuyết về nòi giống dân Việt. Điều đó thôi thúc tôi tìm đọc thêm các thông tin, tài liệu về địa danh Ba Vì. Tôi được biết nơi đây không chỉ là ngọn núi huyền thoại về Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, mà còn biết nơi đây, vua Đường từng coi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt về phương Nam (dãy Trường Sơn). Để nước Nam không phát được, vua Đường từng cử Cao Biền (vị tướng kiêm phù thuỷ) dùng pháp thuật cho đào 100 cái giếng xung quanh núi Ba Vì để trấn yểm, triệt long mạch nước ta. Nhưng cứ đào gần xong, giếng lại bị sập. Cao Biền phải bỏ cuộc bởi Ba Vì là dãy núi thiêng của Đại Việt, kẻ nào đụng đến sự linh thiêng của dân tộc Việt chắc chắn kẻ đó sẽ thất bại.
Hết giờ giao lưu lớp chúng tôi cùng nhau dùng cơm trưa, bữa trưa đơn giản với những món ăn chay nhanh gọn tự mỗi người mang theo rồi góp chung lại như xôi, cơm nắm muối vừng, bánh mỳ, bánh chưng, chút ít hoa quả mà ai nấy đều thấy ngon miệng, ấm dạ.
Nghỉ ngơi một chút rồi lớp chúng tôi lại cùng nhau lên sân chùa Kho chuẩn bị cho ca thiền thứ 2. Lại một ca Thiền mang đến nhiều khoan khoái lạ thường cho mọi người. Một duyên lành nữa chúng tôi nhận được là mỗi lần lớp đến đây đích thân chú Thắng thủ đền lại tổ chức một khóa lễ sám hối cho cả đoàn. Đã trót sinh vào kiếp trần gian, ai chả có vay nợ trong cõi nhân sinh này nên khi được dự khóa lễ chúng tôi cảm thấy tâm hồn được rửa sạch, thư thái, mọi sự thành tâm đều hướng về Phật đài trước mặt. A Di Đà Phật, hết một báo thân này, đồng sanh cõi cực lạc!
Lúc này, ngày cũng đã về chiều, tạm biệt mảnh đất thiêng, chúng tôi cùng nhau xuống núi, lên xe và đi về Hà Nội. Những câu chuyện cười, những lời hỏi han nhau râm ran vẫn như lúc bắt đầu đi, tuyệt đối không tìm thấy sự mệt mỏi của quãng đường dài. Tôi thấy khâm phục các bác, các cô, các anh chị tuổi cao hơn mình mà tâm hồn thật trẻ, thật sôi nổi. Tôi khâm phục bác Ninh, tuổi cao, bệnh mệt mà vẫn cố gắng leo cao, thiền tốt cùng đoàn. Tôi khâm phục lớp trưởng là chú Dương, chú Vinh đã cõng được máy lọc nước nặng thế lên trên đỉnh cao, đây là món quà lớp chúng tôi tri ân với nhà đền nơi đây.
Cảm ơn các Đấng bề trên đã linh thiêng, phù hộ cho đoàn chúng tôi một ngày dã ngoại trọn vẹn niềm vui, sức khỏe, an bình.
Lớp DSNL 16 xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cô Vân người giáo viên tận tụy và hết lòng với lớp và cũng là người đưa lớp cập bến duyên lành nơi đất thiêng Chùa Kho Ba Vì.
Cám ơn thầy Chuyền, cô Phương, cả lớp thật vui và yên tâm khi đi dã ngoại có thêm các thầy các cô đi cùng, nhận được sự sẻ chia ấm áp từ nơi cô thầy.
Cảm ơn các bác cán bộ lớp như chú Dương, chú Vinh, bác Hiền cùng các cô chú khác đã tổ chức cho lớp một buổi dã ngoại thiền thành công và suôn sẻ.
Cảm ơn chú Cường, một học viên từ xa của CLB tại Nha Trang, chú Hùng - học viên “tại ngoại” đã tham gia buổi dã ngoại ngày hôm nay một cách thân thiện, nhiệt tình.
Tạm biệt và còn hẹn gặp lại Chùa Kho-Ba Vì!
Chu Lệ Hằng
học viên lớp DSNL16.
học viên lớp DSNL16.
Cám ơn Lệ Hằng đã viết bài thật là hay và xúc tích làm cho ai không đi dã ngoại được lần này thì tiếc và làm cho ai chưa đi được lần này thì sẽ phải quyết để đi thiền đợt sau. Cám ơn Tuấn đã đăng bài và ảnh do bạn Quang chụp. Bài hay, ảnh đẹp, nhất là ảnh của cả lớp đẹp quá làm cho Hoàng Vân vẫn lâng lâng cảm xúc mỗi khi nhớ đến nơi ta đã đến. Cám ơn cả nhà nhà mình.
Trả lờiXóaBài viết của Lệ Hằng chi tiết và dạt dào cảm xúc khiến người ngồi nhà cảm thấy như mình như được tham gia cùng đoàn. Cảm ơn các học viên lớp DSNL16 đã nỗ lực luyện tập, chia sẻ hình ảnh, cảm xúc trong các chuyến dã ngoại. Chúc lớp DSNL16 luyện tập ngày càng tốt hơn nữa để có những chuyển biến vượt bực về sức khỏe và tâm tính.
Trả lờiXóaCám ơn cô Thu. Khi nào đủ duyên cô thu xếp đi thiền cùng lớp 16 nhé. Chúc cô vui khỏe trẻ.
XóaVâng ạ. Cảm ơn chị. :)
Xóa