Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Cuộc trò chuyện với Thiền sư Thích Nhất Hạnh về “Hạnh phúc đích thực”

Nhà báo Hoàng Anh Sướng
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những đại thiền sư nổi tiếng nhất thế giới, tác giả của hàng trăm cuốn sách, trong đó, rất nhiều cuốn được xếp hạng như An lạc từng bước chân, Phép lạ của sự tỉnh thức, Chúa ngàn đời, Bụt ngàn đời... Ông là một văn nhân, một thi nhân, một học giả và cũng là một người đấu tranh cho hòa bình bằng phương pháp bất bạo động.

Cuối năm 2013, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có chuyến hoằng pháp kéo dài 2 tháng dọc nước Mỹ. Nhà báo Hoàng Anh Sướng đã có cuộc trao đổi đặc biệt với thiền sư.

- Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Xin được mở đầu cuộc trò chuyện với thiền sư bằng một vấn đề mà tôi tin rằng, bất kỳ ai trên hành tinh này cũng quan tâm. Đó chính là vấn đề hạnh phúc, làm thế nào để có được hạnh phúc? Trước tiên, xin được hỏi thiền sư, với ngài, hạnh phúc là gì?


- Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Hạnh phúc là an lạc, không có an thì không có lạc, an trong thân và trong tâm. Nếu con người chứa chất quá nhiều sự căng thẳng, stress, thân không an thì tâm làm sao an được? Trong khi đó tâm có những cảm giác, cảm xúc như giận hờn, tuyệt vọng, bạo động, nếu không có phương pháp cụ thể thì làm sao nhận diện và chuyển hóa được những bất an của tâm.

- Quan niệm của thiền sư khác xa so với quan niệm của hầu hết con người đương đại bây giờ, rằng hạnh phúc phải gắn liền với tiền bạc, địa vị, quyền lực, công danh... Thiền sư nghĩ gì về điều này?

- Tôi nghĩ, chúng ta phải tận dụng nền văn minh tinh thần của chúng ta mà đừng quá tin tưởng vào xã hội tiêu thụ Tây phương. Người Tây phương bây giờ khổ lắm, nhiều người tiền bạc rất nhiều, quyền lực rất lớn nhưng lại cực kỳ cô đơn, và phải tự tử. Chúng ta đừng theo dấu xe đổ của họ. Đừng tin rằng ta chỉ hạnh phúc nếu có tiền bạc, quyền lực... Chúng ta chỉ hạnh phúc khi có an trong lòng, có tình yêu và tình thương. Nếu chúng ta có thể an lạc trong từng giây phút của hiện tại thì chúng ta mới có thể có hạnh phúc.

- Ai sinh ra trên đời cũng có mưu cầu hạnh phúc. Mấy tỷ người trên trái đất này là mấy tỷ con đường truy tìm hạnh phúc khác nhau. Song trên hành trình đi kiếm tìm ấy, biết bao khổ đau, bầm giập, biết bao bi kịch xảy ra. Tại sao việc kiếm tìm hạnh phúc lại khó khăn đến vậy, thưa thiền sư?

- Trong ta, mỗi người đều có một ý niệm về hạnh phúc. Ta nghĩ rằng hạnh phúc là phải như thế này hay như thế kia. Nếu ta không được như thế này hay như thế kia thì ta kết luận là ta không có hạnh phúc. Như vậy là ta bị kẹt vào ý niệm về hạnh phúc của mình, và trong nhiều trường hợp, ý niệm về hạnh phúc của mình là chướng ngại căn bản để mình đạt tới hạnh phúc.

Ví dụ mình ham muốn đậu được cái bằng cấp đó và nghĩ rằng nếu không có cái bằng cấp đó thì không bao giờ mình có hạnh phúc cả. Như vậy tức là mình đã bị kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc. Trong khi mình đang có vô số cơ hội để có hạnh phúc, mình đánh mất hết, chỉ vì mình đã tự đóng khung cái hạnh phúc của mình vào trong cái ý niệm có bằng cấp kia. Đó là một cái muốn, một thứ ái dục, ái dục về bằng cấp.

Trong đời sống tu hành cũng vậy. Là một ông thầy tu mình có thể nghĩ rằng muốn nói cho thiên hạ nghe thì mình phải có một cái bằng cấp vì có bằng cấp thì thiên hạ mới nể, thuyết pháp người ta mới nghe. Vì vậy cho nên mình phải xông xáo ra đời vài ba năm để học và giật cho được bằng cấp đó. Mình đâu có biết rằng vì ý niệm về bằng cấp mà sự nghiệp tu hành của mình có thể sẽ bị hư hỏng. Tóm lại tất cả đều do ý niệm của mình mà ra, và ý niệm thường rất dễ bị sai lạc.

Có một anh chàng nói: "Hạnh phúc của đời tôi là phải cưới cho được cô này, nếu không cưới được cô ấy thà rằng chết còn hơn, hạnh phúc không thể nào có được!". Như vậy anh chàng đã cột đời của mình vào trong ý niệm là phải cưới cho được cô kia. Cưới không được thì đời không còn có ý nghĩa gì cả. Tại sao đời không có ý nghĩa gì nữa cả. Đời còn nhiều nghĩa lắm chứ! Nhưng tại mình không thấy được tất cả những cái nghĩa khác của cuộc đời mà chỉ thấy có một nghĩa đó mà thôi. Cái đó gọi là ý niệm.

Ý niệm đó ở trong đạo Bụt gọi là Tưởng, một cái Tưởng của mình về hạnh phúc. Muốn sử dụng vô số những điều kiện để có hạnh phúc, muốn đừng giẫm lên những điều kiện của hạnh phúc mà đi, ta đừng nên bị ràng buộc vào một ý niệm nào về hạnh phúc cả. Khi đã bị kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc là ta không còn cơ hội nào khác để có hạnh phúc nữa. Ý niệm hạnh phúc đó gọi là dục tưởng.

- Như vậy, ý niệm về hạnh phúc có thể là ý niệm của từng cá nhân nhưng cũng có thể là ý niệm có tính cách cộng đồng, gọi là tâm thức cộng đồng. Ví dụ như ý niệm về hạnh phúc của người Mỹ, họ cho rằng: Muốn có cuộc sống hạnh phúc, trước hết, phải có một trình độ học thức. Kế đến, phải có công ăn việc làm, tương đương với trình độ học vấn, lương đủ cao để có thể thuê một căn nhà, mua một chiếc xe. Trong nhà phải có ti vi, tủ lạnh. Thiếu một trong những thứ ấy, người đó sẽ không có hạnh phúc. Điều đó, có đúng không, thưa thiền sư?


- Cái hạnh phúc đó gọi là ước lệ. Đó là ý niệm về những điều kiện mà mình tin là cần thiết và là căn bản của hạnh phúc. Nhưng nếu xét kỹ lại, ta thấy rằng rất nhiều người đang có những điều kiện như vậy, nhưng không hạnh phúc gì cả. Họ có thể đang bị đau khổ cùng cực. Ngay cả khi có nhiều hơn, trên cả những điều kiện đã đòi hỏi, họ vẫn khổ đau vô cùng. Vậy thì ý niệm về hạnh phúc (dục tưởng) là một điều cần phải được quán chiếu, cần phải tìm hiểu vì ta có thể chết vì nó.

Đừng nói gì ngoài đời, ngay ở trong đạo, người đã tu rồi, cũng có thể có một ý niệm về hạnh phúc. Ví dụ mình nghĩ là phải có một ngôi chùa riêng để tự do sắp đặt theo ý mình, để không phải làm theo điều người khác sai phái. Chừng nào làm trụ trì, làm viện chủ của một ngôi chùa rồi thì mới có quyền, mình có thể bảo chú này, cô kia làm theo điều này, điều nọ. Nhưng than ôi, khi đã có một ngôi chùa riêng rồi mình mới biết rằng cái ý niệm về hạnh phúc có thể không đúng chút nào.

Thật ra có một ngôi chùa, có một trung tâm tu học không phải là điều dở. Ta có thể căn cứ vào điều kiện đó để tạo rất nhiều hạnh phúc cho mình và cho người. Nhưng không hẳn phải làm chủ một ngôi chùa mới có thể làm được những điều đó. Nếu mình là một người có hạnh phúc, có khả năng hướng dẫn tu học và tạo dựng hạnh phúc cho người, thì không có chùa mình vẫn làm được việc đó như thường. Mình lại khỏi phải chăm sóc và lo lắng cho ngôi chùa như một vị trụ trì. Nhiều khi không có chùa mình có thể tạo hạnh phúc cho mình và cho người gấp mười, gấp trăm lần khi mình có một ngôi chùa!

Được tấn phong là Thượng Tọa hay Hòa Thượng có phải là điều kiện của hạnh phúc không? Có nhiều người rất đau khổ vì không được gọi bằng những danh từ đó. Khi bị gọi bằng một danh từ khác, họ thấy trong người như có lửa đốt, như bị sốt rét. Tại sao đáng lý mình được gọi bằng danh từ ấy mà người ta gọi mình bằnh danh từ này? Khi có sốt rét, khi bị một ngọn lửa đốt cháy, mình biết rằng mình đang bị một dục tưởng trấn ngự, dù đó là một cái danh rất nhỏ. Vì vậy dục tưởng hay ý niệm về hạnh phúc là một đối tượng mà mọi chúng ta cần phải quán chiếu. Khi quán chiếu và đập vỡ được cái dục tưởng ấy rồi thì mình được giải thoát, và tự nhiên ta có vô số hạnh phúc. Điều kiện hạnh phúc có mặt rất nhiều trong ta và chung quanh ta, sở dĩ ta không sử dụng được chúng là vì ta đang kẹt vào trong cái gọi là dục tưởng. 

H.A.S

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.