Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Đọc thêm về bí quyết dưỡng sinh của người Việt cổ

1, Ăn no không gội đầu, đói không tắm. Rửa mặt nước lạnh, vừa đẹp vừa khỏe. Mồ hôi chưa khô, đừng tắm nước lạnh. Đánh răng nước ấm, chống ê chắc răng.
2, Ăn gạo có trấu, thức ăn có chất sơ. Nam không thể thiếu rau hẹ, nữ không thể thiếu ngó sen. Củ cải trắng, sống không tốt nhưng chín thì bổ. Ăn không quá no, no không nên nằm.
3, Dưỡng sinh là động, dưỡng tâm là tĩnh. Tâm không thanh tịnh, ưu tư vọng tưởng dễ nảy sinh. Tâm thần an bình, bệnh sao đến được. Nhắm mắt dưỡng thần, tĩnh tâm ích trí.
4, Dược bổ thực bổ, đừng quên tâm bổ. Coi tiền như cỏ, coi thân như bảo. khói hun cháy lửa, tốt nhất không ăn. Chiên dầu ngâm ướp, ít ăn thì tốt.
5, Cá thối tôm rữa, lấy mạng oan gia. Ăn mặc giữ ấm, nhất thân là xuân. Lạnh chớ chạm răng, nóng chớ chạm môi. Đồ chín mới ăn, nước chín mới uống.
6, Ăn nhiều rau quả, ít ăn đồ thịt. Ăn uống chừng mực, ngủ dậy đúng giờ. Đầu nên để lạnh, chân nên giữ ấm. Vui chơi biết đủ, không cầu an dật.
7, Dưỡng sinh là cần cù, dưỡng tâm là tĩnh tại.
8, Người đến tuổi già, thì phải rèn luyện, đi bộ chạy chậm, luyện công múa kiếm; đừng sợ giá lạnh, quét sạch sân nhà, hội họa thêm vui, tấm lòng rộng mở.
9, Nghe tiếng gà gáy, đừng cố nằm thêm, trồng hoa nuôi chim, đọc sách ngâm thơ; chơi cờ hát kịch, không ham phòng the, việc tư không nhớ, không chiếm lợi riêng.
10, Ẩm thực không tham, bữa tối ăn ít, khi ăn không nói, không nên hút thuốc; ít muối ít đường, không ăn quá mặn, ít ăn chất béo, cơm không quá nhiều.
11, Mỗi ngày ba bữa, thức ăn phù hợp, rau xanh hoa quả, ăn nhiều không sợ; đúng giờ đi ngủ, đến giờ thì dậy, nằm dậy nhẹ nhàng, không gấp không vội.
12, Uống rượu có độ, danh lợi chớ tham, chuyện thường không giận, tấm lòng phải rộng.
13, Tâm không bệnh, nên phòng trước, tâm lý tốt thân thể khỏe mạnh; tâm cân bằng, phải hiểu biết, cảm xúc ổn định bệnh tật ít.
14, Luyện thân thể, động cùng tĩnh, cuộc sống hài hòa tâm khỏe mạnh; phải thực dưỡng, no tám phần, tạng phủ nhẹ nhõm tự khai thông.
15, Người nóng giận, dễ già yếu, thổ lộ thích hợp người người vui; thưởng thức thư họa, bên suối thả câu, lựa chọn sở thích tự do chơi.
16, Dùng đầu óc, không mệt nhọc, bớt lo dưỡng tâm ít náo nhiệt; có quy luật, sức khỏe tốt, cuộc sống thường ngày phải hài hòa.
17, Tay vận động, tốt cho não, phòng ngừa bị lạnh và cảm cúm.
18, Mùa hè không ngủ trên đá, mùa thu không ngủ trên phản. Mùa xuân không hở rốn, mùa đông không che đầu. Ban ngày hoạt động, tối ngủ ít mơ.
19, Tối ngủ rửa chân, hơn uống thuốc bổ. Buổi tối mở cửa, hễ ngủ là say. Tham mát không chăn, không bệnh mới lạ.
20, Ngủ sớm dậy sớm, tinh thần sảng khoái, tham ngủ tham lạc, thêm bệnh giảm thọ. Tranh cãi buổi tối, ruột như sát muối.
21, Một ngày ăn một đầu heo, không bằng nằm ngủ ngáy trên giường.
22, Ba ngày ăn một con dê, không bằng rửa chân rồi mới lên giường.
23, Gối đầu chọn không đúng, càng ngủ người càng mệt. Tâm ngủ trước, người ngủ sau, ngủ vậy sẽ thành mỹ nhân.
24, Đầu hướng gió thổi, ấm áp dễ chịu, chân hướng gió thổi, hãy mời thầy lang.
25, Không ngủ nơi ngõ hẻm, độc nhất khi gió lùa.
26, Đi ngủ không thắp đèn, sáng dậy không chóng mặt.
27, Muốn ngủ để tấm thân nhẹ nhõm, chân không hướng tây đầu không hướng đông.

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Lần thứ 2 lên Chùa Kho


Cứ gần cuối tháng là tôi lại háo hức được đi dã ngoại cùng lớp thiền. Chủ nhật, ngày 23/8/2015 là ngày mà tôi được lên chùa Kho lần thứ hai. Tuy mới nhập môn chưa được bao lâu, nhưng tôi luôn cố gắng tập luyện thiền định chăm chỉ và qua lần đầu tiên đến chùa Kho, tôi không khỏi mong chờ chuyến đi này. 
Sáng sớm, khi mặt trời còn chưa xuất hiện, lớp chúng tôi đã có mặt để bắt xe. Trời nóng và oi nhưng các bác lớn tuổi vẫn đến đúng giờ khiến mấy đứa thanh niên chúng tôi cảm thấy rất nể phục. Không chỉ vậy, số lượng người đi lần này khá đông (phải chia làm hai xe) nên chuyến đi rất đông vui. 

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

MỪNG SINH NHẬT CHUNG

Chủ nhật 16/8/2015, học viên 2 lớp DSNL12 + 13 đã tổ chức lễ mừng sinh nhật 2 năm tại Nhà nghỉ Công đoàn Suối Hai.  Cùng vui chung với hơn 40 học viên của 2 lớp có Thầy Chủ nhiệm CLB, các thầy cô trong Ban Chủ nhiệm và giáo viên phụ trách các lớp.
Anh Phạm Ngọc Thạch, lớp trưởng lớp DSNL12, đảm nhận trách nhiệm MC trong suốt buổi lễ. Sau lời cảm ơn và tăng hoa Thầy Chủ nhiệm, các thầy cô, các học viên của 2 lớp chia sẻ kinh nghiệm luyện tập về những điều đã đạt được và chưa đạt được cũng như một vài khúc mắc trong quá trình luyện tập mong được Thầy Chủ nhiệm giải đáp. Sau phần chia sẻ là phần văn nghệ của học viên 2 lớp với sự góp tiết mục của 2 giáo viên (thầy Kim và cô Phương). Các học viên dành 1 tiếng thiền bài thiền Thu Lửa Tam Muội.
Bữa liên hoan tại nhà ăn thật vui vẻ với lời chúc mừng và cả những bài hát đi cùng năm tháng. 
Chúc học viên hai lớp luyện tập ngày càng tiến bộ hơn.


Xem lại bộ ảnh TẠI ĐÂY.

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

THÔNG BÁO CỦA BAN CHỦ NHIỆM CLB DSNL

Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thông báo tới toàn thể học viên - hội viên. Kể từ ngày 11/8/2015, lớp DSNL10 A + B do anh Đỗ Thành Long phụ trách, học tại Nhà văn hóa tổ 35, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, tách ra hoạt động độc lập, không trực thuộc sự quản lý của CLB DSNL.
Ban Chủ nhiệm CLB DSNL 

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

​THIỀN DÃ NGOẠI CHÙA BÁCH MÔN

 Ảnh:: Hồng Thu
Đoàn Thiền đến chùa Bách Môn,
Quang cảnh thoáng đãng, tâm hồn lâng lâng.
Gió thu nhè nhẹ bước chân,
Đếm đủ trăm bậc đến sân cửa chùa.

Vườn cây xanh mát bốn mùa,
Đón chào du khách đến chùa viếng thăm.
Đoàn Thiền đông đủ trước sân,
Bước vào Tam bảo dâng hương Phật Đài.

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Dã ngoại tại chùa Bách Môn

Hôm qua (10/8/2015), CLB DSNL có chuyến thiền dã ngoại tại chùa Bách Môn (Tiên Du, Bắc Ninh). Đoàn gồm 76 học viên từ các lớp DSNL6, 9, 11, 13, 14, 15, 17, 18. Theo lịch dã ngoại chung của CLB, xe khởi hành lúc 6h sáng. Hơn 7h, đoàn đã đến nơi. Sau ca thiền đầu tiên, đoàn được nghe thầy Trụ trì, Đại đức Thích Giác Đạt, giảng pháp. Sau ca thiền thứ 2, đoàn nghỉ ngơi ăn trưa. Do trời nóng oi, đoàn xin phép thầy Trụ trì để được ngồi thiền ca chiều trong Tam Bảo. 15h đoàn rời chùa Bách Môn về lễ Phật tại chùa Phật Tích. Đoàn về đến Hà Nội lúc 16.30. Ai nấy đều hoan hỉ và tràn đầy năng lượng. Dưới đây là một số bức ảnh do anh Nguyễn Minh Quang chụp. 


Xem lại bộ ảnh TẠI ĐÂY.

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

MỪNG SINH NHẬT QUÍ 3-2015

Ngày 8 - 8 - 2015, lớp DSNL 14 tổ chức sinh nhật chung quý 3, bác Nguyễn Văn Ngọ, học viên của lớp, phải đi họp trên quận Cầu Giấy nên không đến thiền và dự sinh nhật chung. Bác gửi Ban Biên tập bài thơ chúc mừng sinh nhật chung của lớp, chúc mừng các bạn lớp DSNL14 cũng như toàn thể bạn đồng môn CLB và các Thầy, Cô cùng có tuổi cầm tinh con giáp nêu trong bài thơ này để mọi người cùng chia sẻ. Cảm ơn bác.

MỪNG SINH NHẬT QUÍ 3 - 2015

Chúc mừng sinh nhật quí ba,
Làm thơ con giáp tặng quà vui chung. 
Coi đây là bó hồng nhung,
Chúc mừng sinh nhật làm chung một lần. 

Chúc người tuổi Tý dễ gần,
Có sức hấp dẫn lạ lùng mê ly, 
Y hệt chú chuột Mickey, 
Nhiều người yêu mến, trầm tư, ít lời. 


Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Thơ bác Ngọ

Năm nay CLB nghỉ hè tận 2 tháng, nhiều hội viên, học viên nhớ lớp, nhớ thầy cô, nhớ bạn đồng môn. Chùm thơ nhỏ của bác Nguyễn Văn Ngọ, học viên lớp DSNL14, phần nào phản ánh tâm tư ấy. Ban Biên tập chúng tôi thật vui khi nhận được bài của bác. Dù nghỉ hè, các bác vẫn chăm chỉ luyện tập, củng cố nâng cao sức khỏe theo đúng phương châm "sống vui, sống khỏe, sống có ích".

THIỀN HẰNG NGÀY


Năm rưỡi đã ở vườn hoa,
Thiền lửa Tam Muội ông bà cạnh nhau.
Ngồi thiền một tiếng không lâu,
Gió mơn man thổi trên đầu chim kêu.

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

THẮP SÁNG NGỌN ĐUỐC CHÍNH MÌNH

        Có một nhà sư nọ vì muốn tìm cầu chân lý nên không quản ngại ngày đêm khổ nhọc, suốt một chặng đường dài ông mới đến được một ngôi làng thì bầu trời đã tối om. Vừa bước chân vào làng ông đã thấy một chiếc đèn lồng sáng choang, từ phía con hẻm vắng do ai đó cầm đi. Chợt có tiếng người la lên: “Hôm nay có anh bạn mù vừa thăm bạn về!” Nhà sư nghe nói thế trong lòng nghĩ thầm, mù mà xách đèn lồng đi đâu vậy?
         Mắt thấy tai nghe nhưng vẫn còn bán tín bán nghi nên vị tu sĩ mới hỏi lại anh bạn khi nãy, phải thật anh ta mù chăng? Người kia trả lời: "Dạ đúng thật anh ta đã mù!" 
         Rồi nhà sư và gã mù chạm mặt nhau bởi ánh sáng của chiếc đèn lồng, nhà sư liền hỏi: “Dạ thưa thí chủ, cậu có thật là một người mù không?” Chàng trai mù liền trả lời: “Vâng đúng như vậy nhà sư ạ, tôi từ khi có mặt ở thế gian này đã mất đi đôi mắt sáng. Nhà sư hỏi tiếp: “Cậu đã không thấy đường, tại sao lại xách theo chiếc đèn lồng?” Chàng trai mù đáp: “Bây giờ là buổi tối, nếu không có ánh đèn chiếu sáng, mọi người trên thế gian này cũng đều sẽ giống như tôi, không trông thấy gì cả, chính vì vậy tôi phải thắp một ngọn đèn”.
         Nhà sư dường như có phần hiểu ra, nên nói: “Thì ra cậu muốn chiếu sáng cho những người khác?” Chàng trai mù liền đính chính: “Không ạ, tôi chỉ vì chính mình.” Nhà sư hỏi: "Tại sao phải vì chính mình chứ?" Chàng trai mù hỏi lại nhà sư: "Ông có bao giờ đi trong đêm tối, mà bị những người đi đường khác đụng phải chưa?” Nhà sư trả lời: "Cũng có đôi lúc bị người khác đụng phải." Chàng trai mù nghe xong, liền nói tiếp: "Nhưng tôi thì chưa bao giờ bị người khác đụng phải, vì tôi xách theo chiếc đèn lồng mỗi khi trời tối, vừa để soi sáng đường cho nhiều người khác và để họ trông thấy tôi."
         Ngay câu nói này, nhà sư lập tức ngộ ra chân lý có sẵn ngay nơi thân này chẳng phải tìm cầu nơi khác mà ngửa mặt lên trời than rằng: “Ta đã hành cước trên 20 năm đi khắp chân trời góc biển, bôn ba nghìn dặm để tìm Phật, thật không ngờ Phật là chính mình."

         Con đường thiết lập hạnh phúc, dẫn đến bình yên lâu dài phải được chính mỗi cá nhân thực hiện, không ai có thể làm giúp cho ta, ta làm ác cũng từ thân miệng ý và ta làm tốt cũng từ đó mà ra, người khôn ngoan sáng suốt sẽ chọn điều tốt, điều lành để làm. Cuộc sống thế gian nếu nhiều người thiếu đạo đức, thì xã hội sẽ dễ dàng bị loạn lạc và sẽ sống trong đau khổ lầm mê.
         Khi chúng ta đạt được một cái gì như ý muốn thì ngay đó, có sự ganh ghét tật đố, có sự lo lắng sợ hãi, và có tham lam ích kỷ. Đức Phật bảo hãy đến đây và tu tập để giải thoát! Dĩ nhiên chúng ta không phải dễ dàng sống theo tuệ giác của Thế tôn, chúng ta phải chịu khó, chịu khổ và bằng lòng với hiện tại, sống trong ít muốn biết đủ và có sự điều độ hài hòa.
         Như chúng ta đã biết, cuộc đời đức Phật trải qua nhiều giai đoạn: giai đoạn một là đắm mê dục lạc ở thế gian, giai đoạn hai là thấy rõ được sự tác hại của nó mà bỏ hết tất cả để vượt thành xuất gia, giai đoạn ba là do Ngài biết cách điều hòa thân tâm và siêng năng tinh tấn tu hành mà giác ngộ thành Phật viên mãn.
         Phật tính sáng suốt cũng giống như một ngọn đèn, chỉ cần ta thắp sáng nó lên thì bao nhiêu bóng tối đều tan biến mất. Thế cho nên, chúng ta hãy vì người khác, để thắp sáng ngọn đèn của chính mình! Như vậy, trong bóng tối vô minh của đời người, chúng ta mới cảm nhận được sự bình yên hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ mà chẳng tìm cầu đâu xa….Phật dạy: "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với chánh pháp."

THÔNG BÁO

Chiều nay T7 (1/8) mưa to, lớp DSNL18 nghỉ học thiền. Làm ơn thông báo cho các học viên khác dùm. Tks. 
Hoàng Vân