BẢN TÈN DU KÝ
Sau bao công tác chuẩn bị cả tháng nay, hôm qua, ngày 14/12/2015, đoàn tình nguyện viên của câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng chúng tôi đã có một chuyến đi phát quà đến Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, thành công tốt đẹp ngoài sự mong đợi.
Ban Chủ nhiệm CLB DSNL chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô |
Mọi người có mặt từ lúc 5h để xếp hàng lên xe |
Trước ngày đi, theo dự báo thời tiết thì hôm 14/12 không khí lạnh sẽ về và rất có thể sẽ kèm theo mưa phùn. Vì vậy mọi người trong đoàn chúng tôi đều thấp thoảng lo âu, cầu mong các vị bề trên phù hộ độ trì cho thời tiết thuận lợi. Và quả thật, trời không phụ lòng người, sáng sớm mưa phùn, rồi tạnh mưa trước 4h, trời gió mùa không nhiều và toàn bộ hành trình, trời tạnh ráo và nắng đẹp. Đoàn xe chúng tôi bon bon chạy thẳng tới Thái Nguyên không chút khó khăn.
Khẩn trương dỡ đồ từ trên xe xuống. |
Thời tiết đẹp, thuận lợi cho chuyến đi |
Đến nơi, chúng tôi dừng chân tại cây cầu treo Liên Phương để dỡ hàng. Không ai trong đoàn đều không sững sờ trước vẻ hoang vu nơi miền núi, sự hùng vĩ của cảnh đẹp và trên hết là sự mạnh mẽ của con người nơi đây khi sống tại nơi địa hình trắc trở như vậy.Tại đây, cô Thủy, Hiệu trường, cùng thầy Chiến, Hiệu phó, và các thầy cô trường Tiểu học Văn Lăng 2 đã điều phối được xe máy đến đón chúng tôi từ lâu, ai nấy đều hân hoan, rạng rỡ chào đón các tình nguyện viên trong đoàn. Chúng tôi dỡ hàng và chia làm 2 nhóm: 1 nhóm đi cùng các thầy cô chở quà lên trên bản Tèn và 1 nhóm đi xe tải theo cô Thủy lên điểm trường Liên Phương để tập kết hàng cho 3 điểm trường còn lại.
Đầu cầu treo Liên Phương |
Chuyển quà đến điểm trường Liên Phương |
Các em nhỏ ở điểm trường Liên Phương |
Từ cầu treo lên trên bản Tèn, chúng tôi sẽ phải leo núi 5km, một vài thầy cô và dân bản chở quà xong, quay xe máy xuống đón chúng tôi. Quãng đường tuy dài và trắc trở nhưng ai nấy trong đoàn đều sẵn sàng và hoan hỉ. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện rôm rả mà quên mệt mỏi. Đi được một quãng, nhóm tôi thấy có một vài cô gái dân tộc H'mông đang vác tôn lên trên núi để lợp mái làm nhà. Họ đều là những cô gái dáng người nhỏ nhắn, trông không khỏe khoắn lắm nhưng mỗi người đều vác trên vai một tấm tôn được cuộn tròn dài phải đến 2 mét khi leo núi. Một số thành viên nhóm tôi tỏ ý muốn vác giúp nhưng thực sự không thể vác nổi, vậy mà họ, những cô gái nhỏ bé lại có thể. Họ chỉ cho chúng tôi một đường tắt đi xuyên qua rừng để đâm lên núi, con đường mà họ chuẩn bị vác tôn lên. Chúng tôi thấy vậy nên đi theo.
Vì là đường tắt nên đường đi nhỏ, dốc và gập ghềnh hơn đường chính rất nhiều và phải nói là chúng tôi leo núi theo nghĩa đen chứ không phải đi đường. Những cô gái H'mông thì vừa đi vừa phải nghỉ cho lại sức nên chỉ đường cho chúng tôi cứ thế mà leo lên. Đường đi phía trước gập ghềnh khó đoán nhưng phong cảnh xung quanh thì hùng vĩ vô cùng. Thỉnh thoảng chúng tôi dừng chân bên những mỏm đá để phóng tầm mắt ra khắp thung lũng, trầm trồ với những dải lau trắng như những chiếc khăn bông quấn quanh những ngọn núi. Phong cảnh nơi đây độc đáo không đâu sánh bằng và phải tận mắt chứng kiến mới thấy hết được vẻ đẹp hoang sơ mà không máy quay, máy ảnh hiện đại nào có thể ghi lại được.
Leo núi liên tục chừng 30 phút, chúng tôi lên được "đường lớn" để lên bản Tèn. Nói là đường lớn vì ở đây đang được xây đường quanh đèo chứ không phải là đường mòn gồ ghề như chúng tôi thường đi. Tại đây, chúng tôi được các thầy cô và dân bản chở quà đã xong quay lại đón. Ngồi trên xe máy đi đường đèo đầy đá ngay rìa vực sâu mà ai nấy chúng tôi đều thán phục khả năng đi xe của các thầy cô trên bản. Đường nhỏ, không chỉ đầy đá, sát vực mà còn lượn lên lượn xuống như đường tàu lượn trên công viên. Nhiều lúc, bản thân tôi thấy khiếp vía khi tưởng chừng chỉ một chút sơ xuất là cả người và xe đều lao xuống vực. Vậy mà đây là con đường mà các thầy cô lên bản để dạy cái chữ cho các em học sinh qua bao năm tháng.
Đến nơi, chúng tôi tham quan các lớp học và nhà nội trú của các thầy cô. Tại đây, các thầy cô sống trong những căn nhà gỗ đơn sơ, nền đất, tường gỗ vô cùng thiếu thốn. Một số thầy hóm hỉnh chia sẻ: "Chúng tôi có cái lán cho các cô thay quần áo mà che cũng như không che." Quả thực, những thầy cô ở đây đã hy sinh rất nhiều cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Phòng học của các em nhỏ thì cũng đơn sơ chả kém. Đó chỉ là những căn nhà được dựng lên trên nền được xây cứng, bao quanh là gỗ mà còn thấy khe hở giữa các tấm ván. Trong phòng học có mấy bộ bàn ghế và bảng viết. Chúng tôi tự hỏi, thế này nếu gió mùa về thì các em và thầy cô ở trong lớp thì khác gì ở ngoài.
Tập kết hàng ở điểm trường Bản Tèn |
Tham quan xong thì cũng đã gần trưa, chúng tôi vào trong nhà văn hóa bản Tèn, cũng là một phòng học cho học sinh mẫu giáo để chuẩn bị ăn trưa. Bất ngờ thay, biết tin chúng tôi đến, các thầy cô đã chuẩn bị một nồi canh bí ngô luộc với xương hầm và thịt luộc để chiêu đãi chúng tôi. Bí trồng ở vùng cao nên rất ngọt, canh xương thì đậm đà, thịt luộc thì miễn chê. Trong khi ăn, bác Thạch, tình nguyện viên, còn mang theo đàn ghi ta để góp vui nữa. Không khí thật đầm ấm, đậm tình người, tràn đầy niềm vui.
Bữa trưa đạm bạc của đoàn cùng ít đồ ăn các thầy cô chiêu đãi |
Sau khi ăn xong, chúng tôi tất bật dọn dẹp và chuẩn bị cho công tác phát quà như được phân công. Mới gần 1h chiều mà các em nhỏ đã bắt đầu đến lớp. Tranh thủ chưa vào học, các em chơi đùa trên sân cỏ rộng trước lớp dưới ánh nắng vàng và lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Chưa bao giờ tôi được cảm nhận sự bình yên đến thế.
Các bé vui chơi trên sân trường trước giờ vào học. |
Đến giờ phát quà, chúng tôi tổ chức tặng quà cho các thầy cô trước. Các cô giáo được tặng mỗi người một cái áo phao gió màu vàng còn các thầy được tặng áo phao gió màu đỏ và xám. Cô Hiệu trưởng nói đùa rằng đây coi như là đồng phục mới của năm nay.
Các thầy cô hân hoan trong bộ "đồng phục" mới, quà tặng của CLB DSNL. |
Tiếp đến, các cô cho các bé ra sân xếp hàng theo khối để nhận quà. Mặt bé nào cũng lem luốc trông rất đáng yêu. Chúng tôi mặc áo, đi ủng, quàng khăn nỉ và phát đồ dùng học tập cũng như bánh kẹo cho các bé. Mỗi lần đưa quà cho các bé, bé nào cũng nhận quà bằng hai tay và nói: "Con cảm ơn cô!" rất lễ phép và ngoan ngoãn. Sau đó chúng tôi phát ô và đồ dùng học tập. Bé nào bé nấy hân hoan nhận quà. Có bé được quàng khăn xong nhưng lại bỏ ra đút vào túi áo nên có cô tưởng chưa được phát khăn nên phát lại nhưng em thật thà nói: "Cháu có khăn rồi!" và từ chối lấy thêm nếu có tình nguyện viên nhầm.
Phát quà xong, các bé đứng tại chỗ xòe ô ra và được bắt nhịp hát các bài hát thiếu nhi như “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, “Inh-lả ơi, “Đi học”… như thay lời cảm ơn chúng tôi. Ai nấy đều vui vẻ và cảm động trước cảnh tượng mấy chục em nhỏ trước chỉ có dép lê, chân đất, ăn mặc phong phanh nay đã có ủng đi, ô che mưa, che nắng, khăn áo ấm, đồ dùng học tập, và bánh.
Các bé học sinh tiểu học rạng rỡ trong áo đồng phục, ô, ủng, khăn mới và bé nào cũng có thêm túi quà |
Lễ phát quà kết thúc, các em nhỏ xếp hàng vào lớp trong không khí phấn khởi hơn mọi khi còn chúng tôi thì tổng kết và ra về. Các thầy cô rất nhiệt tình và lại lấy xe máy chở chúng tôi xuống từng tốp một. Cánh thanh niên chúng tôi nhường các bác lớn tuổi xuống trước và đi bộ dần xuống theo sau khi nào có xe thì đi tiếp. Lần này, nhóm tôi không đi đường tắt nữa mà đi bộ theo đường chính nên phải đi xa hơn rất nhiều, ước tính thời gian đi bộ phải đến hơn tiếng rưỡi. Đường chính thì không dốc hay phải leo như đường tắt nhưng gồ ghề khó bước, đi mãi mà chưa tới nơi. Có đi như vậy chúng tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả của người dân nơi đây cũng như nghị lực kiên cường của họ. Thi thoảng lại có thầy cô đưa người xuống quay lên "tiếp tế" cho chúng tôi mấy đoạn. Về tới nơi chân cầu lúc sáng mới biết là mọi người đều nhường nhau đi xe máy để đỡ người phía sau nên không ai về sớm hơn ai.
Vậy là chuyến đi của chúng tôi kết thúc như vậy đó. Đến khi mọi người xuống núi hết lên hết xe ô tô, các thầy cô mới yên tâm và vẫy chào tạm biệt toàn đoàn. Nụ cười của họ, sự nồng hậu của họ để lại ấn tượng sâu sắc trong chúng tôi khi xe lăn bánh. Ai nấy trong đoàn đều hoan hỉ khi chuyến đi kết thúc viên mãn còn với tôi thì đây là trải nghiệm không thể nào quên được.
Hà An & Hà Linh
(Lớp DSNL18)
Bai viet rat hay
Trả lờiXóa