Tôi theo Câu lạc bộ Dưỡng sinh năng lượng đã mấy năm. Có những kiến thức học được ngay từ buổi đầu đến lớp nhưng nếu không lưu tâm cũng quên mất. Vì vậy, tôi muốn ôn, ôn cả những điều hay và những điều cần phải tránh.
Những kỹ năng cơ bản của thiền là TĨNH TÂM VÀ VÔ THỨC. Nói thì đơn giản nhưng thực hiện thì thật khó. Các bác, các anh chị có thể tự trả lời câu hỏi rằng mình đã tĩnh tâm, vô thức được bao nhiêu phần trăm (%) trong thời gian ngồi thiền hàng ngày không?
Thiền là sự giải thoát, sự thoải mái chứ không phải sự khổ ải, gò bó, càng không phải là sự chịu đựng – chịu đựng đến mức phải gồng người lên để chống lại với cái lưng đau muốn rũ xuống khi tuổi không còn trẻ hoặc phải cắn chặt hai hàm răng lại để chống cơn buồn ngủ, để thầy và người ngồi bên cạnh không phát hiện ra mình ngủ gật. Có lẽ vì như thế mà có ít khuôn mặt rạng ngời, nở nụ cười nội tâm khi ngồi thiền chăng? Có ai đó nghĩ rằng vì sao mình phải đến lớp đều đặn nhưng khi ngồi thiền lại không thể tĩnh tâm được, có ai đó trước giờ thiền cũng chắp tay đặt trước ngực như những người khác cho “đẹp đội hình” nhưng chẳng khấn gì, chẳng cầu gì thậm chí có khấn nhưng không đọc được đúng tên đức thầy tổ, (tên của Thầy Tổ là đa âm còn tiếng việt là đơn âm). Vậy thì Thầy Tổ về trợ duyên cho chúng ta được không? Mỗi người hãy tự nghĩ về mình!
Dẫu còn đôi điều phải suy ngẫm nhưng tôi và mọi người đều cảm nhận được những kết quả tốt đẹp sau một quá trình thiền định. Dẫu chúng ta không muốn kể ra những bệnh tật quá khứ của mình cho người khác biết nhưng đều cảm thấy rằng cơ thể khỏe hơn, ít bị ốm vặt và dẻo dai hơn khi đi dã ngoại hay leo núi. Như vậy về cơ bản đã đạt được 2 mục tiêu khi đến lớp thiền là sức khỏe và thân tâm an lạc rồi.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khắc phục được những gì gọi là chưa được như nói trên và tăng thời lượng, tăng hiệu suất thu năng luợng vào cơ thể được nhiều hơn tính theo ngày, theo giờ. Xin các thầy cô và các bác chỉ bảo dùm. Theo tôi có thể:
1. Về thời gian ngồi thiền: vì đặc điểm của lớp phần đông là người cao tuổi, lưng đau, gối mỏi, dễ bị hôn trầm… nên không dễ thiền thời lượng dài. Mỗi buổi thiền tại lớp nên thiền 2 ca (2 bài), giữa có giải lao khoảng 15 phút đến 30 phút. Giờ nghỉ giải lao là phương thuốc điều trị để khỏi phải gồng người lên chịu đựng và mong thầy hô “xả thiền”. Tôi nghĩ rằng thiền ngắn vừa phải có thể thả lỏng cơ thể và tĩnh tâm được tốt hơn. Xin thầy cho thí điểm thử.
2. Về kỹ thuật thiền: Khi nhập thiền mọi người phải tự ra lệnh cho mình: Nhắm mắt, Thả lỏng mọi cơ bắp, Tĩnh tâm, Lưng thẳng, Đầu thẳng, Cằm hơi thu về, Đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên, Hai bàn tay đặt trên hai đầu gối hoặc đan đặt trước bụng và quán tưởng… Đó là những thao tác phải thuộc lòng không thể khác.
Thầy nói rằng mỗi chúng ta đã tu thiền được thời gian đủ dài nên luân xa có thể quay 24/24. Một nhu cầu đặt ra là ngoài thiền theo các bài nhạc cơ bản có thể tranh thủ thiền được mọi lúc, mọi nơi không? gọi nôm na là thiền đứng, thiền ngồi, thiền nằm, thiền trong lúc làm việc. Ở đâu đó người ta nói về điều này, tôi mong các thầy cô của Câu lạc bộ có bài giảng rất cặn kẽ và tỷ mỷ về các bí quyết để thực hiện các cách thiền này.
Tôi có anh bạn thân kể rằng anh ấy thiền rất hiệu quả khi đạp xe đạp và mỗi khi đặt lưng xuống giường. Câu chuyện là thế này: nhà anh ấy có cái xe đạp thể thao để trong nhà, mỗi ngày anh ta đạp xe khoảng 50 phút, được hơn chục cây số và tốn hơn 400 calo. Khi đạp xe thì 2 chân, thân và đầu đều chuyển động lắc tròn tự nhiên. Anh ấy nhắm mắt, thả lỏng, tĩnh tâm và quán tưởng có một trường năng lượng bao trùm cơ thể và xoáy tròn cùng chiều với vòng quay của cơ thể, của đầu. Không gian lúc ấy tĩnh lặng, hai chân lúc ấy chuyển động theo quán tính, đầu không phải nghĩ ngợi gì nên dễ dàng trở về trạng thái rỗng không, đồng thời năng lượng đi vào cơ thể rất nhiều, nhất là các luân xa vùng đầu (Luân xa 6, 7 và 5). Vùng trán thấy ê ê ngứa ngứa, vùng đầu thấy râm ran kiến bò… Thời gian vô thức để đón năng lượng vào cơ thể ước đoán khoảng 50% của 50 phút.
Thỉnh thoảng, nhất là khi mệt nhọc, anh ấy cũng hay thở sâu kiểu hít vào căng lồng ngực bằng mũi và thở ra bằng miệng, cảm thấy luân xa được kích hoạt và người nhẹ nhàng. Khi đi ngủ, anh ấy thường nằm rất thoải mái, hai chân, hai tay dang duỗi tự nhiên, nhắm mắt, thả lỏng, tĩnh tâm, thở nhẹ và đều rồi đi vào giấc ngủ sâu lúc nào không hay, chắc chưa đến 2,3 phút.
Những điều đã viết ra và kể ra nếu có gì khiếm khuyết, xin các thầy cô và các bác chỉ giáo.
Hoàng Đức Minh
Lớp Thiền 4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.