Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

CHIA SẺ SUY NGHĨ VỀ THẾ GIỚI QUAN VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN VỀ THIỀN

Kính thưa Thầy Chủ nhiệm CLB, các thầy cô và các bạn đồng môn!

Báo cáo năm 2016 của lớp thiền 5 có ý khẳng định: “Những học viên theo lớp được 3, 4 năm trở lên là những người có niềm tin vững chắc vào pháp môn “Thiền Lửa Tam Muội” của Đức Thầy Tổ Dasira Narada. Niềm tin ấy được củng cố bằng Thế giới quan và phương pháp luận phù hợp mà chúng tôi gọi là Thế giới quan và phương pháp luận mới.
Quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề này, chúng tôi thu nhận được một số kết quả, xin chia sẻ với mọi người.

 Lớp Thiền 5 chụp tại Lễ Tưởng niệm năm 2016
Thưa quý vị!
Xét về tương đối, vũ trụ này được tạo thành không phải từ 1 thế giới duy nhất là vật chất, mà cạnh đó còn có thế giới tâm linh và các cõi giới khác, như cõi trời, địa ngục... Đây là nhận thức rất quan trọng.
Nếu thoát ly Thế giới quan và phương pháp luận này, chúng ta sẽ không thể giải thích được một số hiện tượng trong nhân sinh và vũ trụ, như hiện tượng ngoại cảm, phép thần thông, hay thiên nhãn, thiên nhĩ của những người có năng lực tâm linh cao.
Xin chớ vội nói rằng như thế là mê tín, dị đoan. Để tìm hiểu vũ trụ, việc trang bị Thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng là đúng đắn và cần thiết. Nhưng như thế là chưa đủ. Thế giới vật chất vận động trong không gian vật lý theo các quy luật khách quan mà nền khoa học đã phát hiện ra. Nhưng những quy luật ấy chỉ có thể giải thích các sự vật, hiện tượng của thế giới vật chất, chứ không thể giải thích các hiện tượng của thế giới tâm linh.
Giống như ta không thể tìm 1 số tự nhiên trong tập hợp các số phức, hay tìm 1 con trâu trong một đàn bò. Vì đó là các đối tượng trong các tập hợp khác nhau vận động theo các quy luật khác nhau về bản chất.
Cũng như các quy luật của thế giới vật chất các quy luật của thế giới tâm linh cũng tồn tại khách quan, ngoài ý muốn con người, trong đó nổi lên là luật nhân quả - nghiệp báo và luật luân hồi.
Luật nhân quả - nghiệp báo là một nguyên lý vũ trụ, là 1 chân lý khách quan, là nền tảng của đạo Phật.
Ở mức độ dao động tâm thức, con người đã chứng kiến và chứng minh nhiều quy luật khoa học của tự nhiên và xã hội.
Ở mức độ lắng định tâm thức (thiền định) con người sẽ chứng kiến và chứng minh nhiều quy luật bí ẩn của nhân sinh và vũ trụ trong thế giới tâm linh. Thiền là một hiện tượng tự nhiên của con người, nhưng có ý nghĩa siêu nhiên, thể hiện ở tính 2 mặt âm - dương của vũ trụ, là mặt vật chất và mặt tâm linh.

Khoa học đi tìm chân lý vũ trụ bằng con đường vật chất trong không gian vật lý.
Người tu thiền đi tìm chân lý bằng con đường thiền định trong không gian tâm linh.
Khi thiền tiến dần vào sự an định thì tâm ta tiến dần vào thế giới tâm linh. Mối dây liên hệ giữa 2 chất liệu vật chất và tâm linh của vũ trụ chính là tâm chúng ta.
Vì vậy, khi thiền phải tĩnh tâm mới vào định được
Con người ngồi thiền là hiện tượng vật chất mang tính tự nhiên, nhưng khi vào định thì thiền mở ra thế giới tâm linh với bao điều kỳ diệu biến con người bình thường thành người siêu việt với những khả năng kỳ diệu. Ví dụ mức tứ thiền là có lục thông của bậc thánh “A La Hán”.
Theo kinh Phật thì có 4 mức nhập đình là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.
Bốn mức thiền này đều có nhập - xuất, nghĩa là, khi muốn an trú mức thiền nào ta phải có thời gian dụng công, chứ không phải đó là những trạng thái thường xuyên. Rồi khi muốn trở lại trạng thái bình thường, cũng phải mất công thoát ra (xả thiền) chứ không phải tức thì được.
Nếu đạt đến mức thiền cao nhất (tứ thiền) thì có lục thông, gồm:
- Thiên nhãn thông - khả năng nhìn siêu việt
- Thiên nhĩ thông - khả năng nghe siêu việt
- Tha tâm thông - khả năng biết siêu việt
- Túc mạng thông - khả năng nhớ siêu việt
- Thần túc thông - khả năng biến hóa siêu việt
- Lục tận thông - chấm dứt vô minh, thành người hoàn toàn sáng suốt, cái gì cũng biết.

Mối quan hệ tâm thức - ý thức - vô thức
Theo thuyết DVBC (Duy vật biện chứng), ý thức là sự phản ánh thực tại khách quan vào trong não người, thông qua các giác quan: thị giác (nhìn), thính giác (nghe) khứu giác (ngửi), vị giác (nếm), xúc giác (sờ mó).
- Như vậy, ý thức thuộc thế giới vật chất tức dựa vào các giác quan để nhận biết vạn vật trong vũ trụ.
- Còn vô thức là cái nằm sâu trong tâm thức thuộc thế giới tâm linh. Cái biết của vô thức là cái biết trực giác (biết trực tiếp không qua các giác quan).
- Khi thiền tâm ta tĩnh lặng, suy nghĩ của ý thức dừng lắng, thì vô thức bật dậy, đánh thức tiềm năng tâm linh của con người, làm xuất hiện trực giác, làm cho trí tuệ con người mở ra sáng suốt và nhạy bén hơn nhiều so với các biết của ý thức. Vì vậy, mà thiền nhiều con người sẽ thông minh hơn, trí nhớ tốt hơn.
- Khi con người đi từ thế giới vật chất sang thế giới tâm linh thì mọi sự thay đổi hẳn. Lúc đó vật chất không còn quan trọng nữa và xuất hiện những điều kỳ diệu. Năng lực tâm linh càng lớn thì khả năng siêu nhiên càng cao. Điển hình là các thiền sư, nhà ngoại cảm đã sử dụng năng lực kỳ diệu này mà người thường không thể có được.

* Thế giới quan ở đây là: Thế giới tâm linh cũng tồn tại khách quan như thế giới vật chất trong vũ trụ này, tạo ra không gian tâm linh bên cạnh không gian vật chất, như là âm dương của vũ trụ.
- Do cấu tạo đặc biệt của GEN sinh vật, nên bất cứ sinh vật nào có bản năng sinh tồn đều tạo thành 1 vùng không gian tâm linh bao quanh chúng. Vòng không gian tâm linh của động vật lớn hơn thực vật, của con người lớn hơn động vật. Người có năng lực tâm linh mạnh có hào quang chói sáng hơn người thường. Tiêu biểu là chư Phật, chư Bồ Tát, các thiền sư có hào quang chói sáng mà mắt thường có thể nhìn thấy được.
Như vậy là:
- Không gian vật lý là môi trường hoạt động của ý thức.
- Không gian tâm linh là môi trường hoạt động của vô thức.
Ý thức và vô thức tạo nên tâm thức con người.

* Trong không gian tâm linh, tín hiệu thông tin được truyền đi cũng ở dạng sóng, nhưng có bước sóng cực ngắn, người thường hay các thiết bị kỹ thuật không thu nhận được. Chỉ những người có năng lực tâm linh cao, có trực giác mạnh mới có khả năng thu nhận thông tin tâm linh. Điều này, giải thích vì sao các nhà ngoại cảm giao tiếp được với linh hồn người chết (hiện tượng gọi hồn).

Thưa quý vị! Vậy, tập thiền, tu thiền mang lại lợi ích gì? Có rất nhiều lợi ích:
1. Làm cho tâm tính tốt lên, sống lương thiện và vị tha, đạo đức tăng trưởng, kiểm soát được ý nghĩa, lời nói, hành vi; luôn suy nghĩ tích cực, nói năng thận trọng, có văn hóa, hành động hướng thiện, tránh xa tội lỗi, ác ý, ác khẩu, ác nghiệp.
2. Làm cho tinh thần sảng khoái, trí tuệ phát triển, sáng suốt và nhạy bén. Tâm thức lắng dịu, trực giác xuất hiện, đầu óc minh mẫn.
3. Sức khỏe thể chất tốt lên, người khỏe và trẻ ra; đẩy lùi bệnh tật. Vì thiền có tác động đến tâm lý, sinh lý và khí chất con người theo hướng tích cực.

Trên đây là một số suy nghĩ khi nghiên cứu về Thế giới quan và phương pháp luận về Thiền xin được chia sẻ với mọi người.
Chúc các Bác, các anh chị em khi thiền luôn giữ vững hơi thở, để khi hít vào miệng mỉm cười, thở ra tâm an lạc.
Nguyễn Trọng Bình
Lớp thiền 5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.