Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Tản mạn ngày thu

Trần Ngọc Tuyết – lớp Thiền 3 sưu tầm và chia sẻ:
Hôm nay trời mùa thu xanh trong cao vọi, mây trắng, nắng vàng, gió nhẹ nhưng cũng đủ làm lá rụng lao xao khắp phố… uống trà ngẫm chuyện “trên giời”, bỗng dưng – chẳng hiểu sao - những điều thú vị liên quan đến  “cái miệng” lại xuất hiện. Tôi xin được góp nhặt gửi tới các bạn đồng môn để chúng ta cùng suy ngẫm nhé!

1.Chuyện ngụ ngôn
Chuyện  “CÁI MỒM”!
Vốn đa sự,một hôm Mồm nhận ra: Cùng trên khuôn mặt mà Tai và Mắt đều có đôi; Cả Mũi nữa, tiếng là một nhưng cũng có hai…lỗ. Duy Mồm là thiệt thòi - chỉ có một! Chưa hết, tuy hai, nhưng Tai thì nghe, Mắt thì nhìn, Mũi chỉ ngửi, ngoài ra có được tích sự gì nữa! Còn Mồm – có một, nhưng phải đảm đương biết bao nhiêu là việc: ăn này, nói này, cười này. Đấy là chưa kể những khi Mũi không thở kịp, Mồm còn phải thở hộ cả Mũi nữa. Vậy đáng lý ra phải bốn Mồm mới công bằng. Cùng lắm là hai như Tai, Mắt và Mũi.
          Nghĩ thế, Mồm quyết tâm lên tận Thiên Đình gặp 12 bà mụ để kêu oan.
          Trên đường, Mồm gặp hai người đi ngược chiều. Một người luôn mồm lải nhải, người kia bực quá dừng lại gắt:” Người đâu mà lắm…Mồm!”.
          Mồm giật mình:” Đúng là xưa nay chỉ thấy người ta kêu lắm… Mồm, chứ có thấy ai kêu lắm Tai, lắm Mắt bao giờ đâu!”.
          Có một còn thế, nữa là bốn Mồm thì…loạn!
          Nghĩ  thế, Mồm quay về - “ câm như miệng hến”.

2. Thơ, châm ngôn
Mồm ăn mồm nói mồm cười
Mồm đi nói chuyện cho người ta yêu
Đôi khi mồm cũng nói điêu
Làm cho nhà nát cửa siêu vì mồm
……….
Mồm làm danh giá người ta
Mồm làm lắm kẻ oan gia vì mồm.
(chẳng trách “tu khẩu” khó đứng thứ nhì trong thứ tự các điều tu).
Miệng ăn núi lở
Cái mồm làm khổ cái thân
Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra
(ôi chung quy chỉ tại cái miệng)


3 nhận xét:

  1. Thế mới có TU NÓI, TU NGHE. May quá chỉ có một cái miệng để tu nói. Còn tu nghe khó hơn nhiều đó nha. Tu nói ta còn chủ động được, còn tu nghe, những 2 cái tai phải nghe mà cái sự nói lại từ đối phương, ta không làm chủ được, nên mới lại càng khó, phải không cả nhà?

    Trả lờiXóa
  2. OK chị, TU NGHE có thể nói là cả một nghệ thuật.

    Trả lờiXóa
  3. MỒM ơi TAI bảo MỒM này
    Liệu ăn, liệu nói, vách tai, mạch rừng
    Bao nhiêu vạ cũng từ MỒM
    Bao nhiêu bệnh tật (cũng) từ MỒM vào thân

    Rồi đây bao nỗi oan khiên
    Theo người bao kiếp triền miên luân hồi
    Cũng từ MỒM đấy MỒM ơi
    Tu nhanh kẻo trễ, TAI thời tu theo.

    Tu thân, khấu, ý, thiền sâu
    Bệnh sẽ hết, nghiệp sẽ dứt,
    ta cùng nhau tu thiền.
    MỒM nghe TAI nói, gật liền
    Tu nghe, tu nói, tu thiền sẽ an.

    Bao nhiêu nghiệp chướng sẽ tan
    Bao nhiêu phiền muộn không màng tới tâm
    Muốn cho an lạc tấm thân
    Tu thiền sớm tối rất cần khắc ghi.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.