Trang

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

VIẾT MỘT CHÚT, HÓA RA DÀI DÒNG....

     Vào Facebook, đọc được dòng viết của thầy Chủ nhiệm: “Một tiết mục đặc sắc của clb DSNL Esperanto Hà nội trong buổi TK 2016” về tiết mục múa giá đồng cô Bé Thượng Ngàn của lớp CB2 & T2, HV cảm động lắm và bỗng muốn bộc bạch vài dòng về tiết mục biểu diễn có mầu sắc rực rỡ này.
      Thời gian gần đây, trên sân khấu trong nhà cũng như ngoài trời, nhỏ cũng như to, bao giờ cứ đến tiết mục này (thường để cuối chương trình) là cả khán phòng cũng như không khí buổi diễn thay đổi “nhiệt độ”, nó lôi cuốn mọi người bằng âm nhạc rất thuần Việt và rất hàn lâm, bằng trang phục diễn viên, bằng năng lượng từ đâu đó làm ai cũng cảm thấy nóng ấm lên, ai cũng vỗ tay, cười tươi, lúc đó khán giả, diễn viên như hoà vào làm một. Một sinh hoạt cổ của người Việt – múa hầu đồng - đã được sân khấu hoá làm cho thể loại này tiếp cận được với đông đảo người dân Việt hơn. 

     Sau lễ tưởng niệm Thầy Tổ tại Suối Hai có đến vài ngày rồi mà dư âm của buổi lễ vẫn còn đọng mãi. Cứ vui tay cầm đến “chuột” là di ngay đến trang của CLB. Trong đầu vẫn còn văng vẳng tiếng “ái dà” của chị Kim Dung trong bài “Gặp nhau giữa rừng mơ”, vẫn thấy hình ảnh những bông hoa nho nhỏ làm cho tiết mục của lớp Esperanto thêm tươi, và cũng vẳng mãi bản nhạc giá đồng cô Bé thượng ngàn..., rồi vẫn tiếc vì mình quá bận nên không thể hát bè hai giúp cho tiết mục Tiến về Hà Nội cho nó hay và xúc tích thêm... 
     Bây giờ HV muốn tâm sự một chút về tiết mục múa giá đồng, nhen nhóm bắt đầu là từ Thanh Hà. Con tham gia dự án “Chúng tôi chèo về quê hương”, con sắm vai Thị Kính trong trích đoạn chèo Vu Quy, con mời bố Chuyền, mẹ Vân, hai bác Tài Phương và bạn bè (ai mê nhạc dân tộc) đi xem, trước là để “báo cáo” thành tích của con, sau nữa con bảo: “bác và mẹ xem kỹ tiết mục cuối nhé, giá đồng Cô Bé, xem mình có dựng được tiết mục đó không?”. Thế là mẹ và bác đi xem, ngồi hàng ghế đầu hẳn hoi, VIP nhất. Con diễn hay và giỏi khỏi nói, phục con, nhưng đúng như lời dặn, mẹ và bác chú ý đến tiết mục giá đồng được sân khấu hoá. Hay quá, tiết mục cuốn lôi tất cả khán phòng vào cùng một dòng âm nhạc, vỗ tay, hú, hát... “Cô” đồng thì đẹp khỏi tả, và có chiều cao của người mẫu mét tám. Về sau mới biết “cô” lại là một thanh niêm cường tráng và rất đẹp trai, là diễn viên kỳ cựu và cũng từ lúc đó mẹ và bác đã muốn nhóm tiếp ngọn lửa mà con Thanh Hà đã nhen
     Múa vai chính là con, chắc chắn rồi vì không ai có thể múa được như con, còn múa tứ trụ ư: có mẹ, bác Phương rồi, thêm cô Nga, cô Mai có cùng chiều cao “lý tưởng”, đồng đều, hơn nữa là đã có 3 trong 4 người ở cùng một lớp, dễ tập trung. Hỏi xin sự đồng thuận của các “người đẹp không tuổi” thì... hỏi chưa xong các bác/cô đã gật đầu xong.Vậy là ổn với 4 vai múa tứ trụ. 
      Giờ còn 2 vai nam hầu dâng, khó quá, biết chọn ai bây giờ. Gọi điện cho “bố” Chuyền của Thanh Hà, “bố” bảo tập vào tối thứ 3 hử? - bận. Hỏi tối thứ sáu, cũng bận nốt. Mời bác Tài thì đúng dịp... đá bóng quốc tế, bác mê hơn mê vợ, không bỏ được, thế là phèo. 
     Nghĩ đến 2 cậu thanh niên là Tuấn và Nam (đều ở lớp Thiền 2), khó thuyết phục lắm, vì lớp trẻ bận lắm chứ đâu rỗi rãi như lớp già, mà lại còn đi múa, chứ thuyết phục đi hát còn dễ hơn. Thực tình trong đầu đã nghĩ đến 2 nữ cải trang thành nam rồi đấy chứ, và một trong hai sẽ là Dinh (Thiền 2), còn phải tìm thêm người nữa để có cùng chiều cao. Nhưng thôi, cứ gọi điện hỏi Nam và Tuấn đã. 
      Ai dè hai cậu trai gật đầu cái rụp. Mừng hơn bắt được vàng. 
     Lạy Phật, lạy Thầy Tổ triệu lạy. Chắc Bề Trên thương Hoàng Vân con rồi. 
     Vậy là đủ vai, còn bố trí buổi tập nữa thôi. 
     Buổi tập đầu tiên, khi 2 thanh niên biết là mình sẽ trong vai hầu dâng, cần phải mặc áo dài khi diễn, các bạn ấy bảo: “Lúc cô gọi điện là 10.30 tối, cháu vừa đi uống bia về, liêng biêng nên nhận lời cô, chứ.... “. Nghe mà hết cả hồn, chỉ sợ các bạn ấy rút lui, nhưng thật là may, chắc các bạn trẻ thấy thương mấy bà già rồi mà còn cố gắng nên cũng “chiếu cố”. Về sau này mới biết, ngoài đi làm cơ quan, lo nhà cửa, vợ con ra, các bạn ấy còn tham gia giúp cô Thu làm tập san, thế mà vẫn nhận lời tham gia văn nghệ. Thật là chỉ biết cám ơn và thương yêu hơn. 
         
     Còn vai “nịnh đồng”, chẳng ai hơn được Minh Quang (Cà Phê Một Mình - được mọi người thương yêu gọi là bác Cà). Buổi tập nào có Cà là như vui hơn, nhộn nhịp hơn, tưng bừng hơn. Cà hú, Cà chụp ảnh, Cà hát văn, Cà nịnh những câu nhiều khi rũ ra cười, gần đến ngày đi Suối Hai, cả nhóm chỉ sợ mỗi “bác Cà” bận không đi được thì ai có thể thay được cái chân ấy đây?. Nhưng thật may, “bác” yêu cô Bé quá nên “bác” theo nịnh tới cùng. 
     Một lần trên xe ô tô về nhà, HV nhắn tin cho Cà bảo: 
     -“Cà ơi, chị muốn có 2 giọng nịnh, một giọng nam, một giọng nữ”
     - “Ôi, tỷ tỷ nói đúng ý em, để em lo việc này, sẽ gọi điện cho Thắm, cứ để em.”
Thế là xong mục “nịnh đồng”. Thiếu những câu “tấu lạy cô, cô xinh đẹp quá, cô duyên dáng quá...” thì nói thực, là thiếu khá nhiều. 
     Các ngày tập chỉ cách buổi ghép nhạc chừng 2 tuần chứ không hơn, nhưng dường như có sự hỗ trợ từ đâu đó, chỉ có một buổi được cháu ở nhà hát chèo hướng dẫn thôi, mà “các mẹ” đã xong phần múa tứ trụ, và 2 anh thanh niên cũng xong phần hầu dâng. Đúng là chỉ có một buổi tối. Cháu còn vái và kêu “các mẹ siêu quá, chưa ai tập có 1 buổi mà được như thế này”. Thế rồi sau mỗi buổi học, cả lớp thiền sớm, về sớm, cả nhóm tập tiết mục, thêm tối thứ 3 hoặc thứ sáu. Mỗi lần tập là một lần quay lại clip để rút kinh nghiệm, tiết mục được hoàn thiện dần từng ngày. Có lẽ nói chúng tôi tập chỉ chừng dăm bảy buổi thôi sẽ không ai tin, nhưng đúng là như vậy. 

     Còn mục “Phát tài tán lộc” của cô Bé nữa chứ, cũng là một câu chuyện nhỏ cần kể. Ta không thể vung tiền xuống khán giả như trong bản gốc, ta cũng không thể tung quà, vậy làm thế nào cho hợp lý đây? Mục vung tiền thì dễ rồi, HV chuẩn bị tập tiền 500 đồng nhỏ, màu đỏ cho “cô” tung trên sân khấu cho đẹp, rồi HV bàn với cán sự lớp là sẽ tặng mỗi đại biểu một món quà nhỏ (ăn theo lộc cô), đó là phong bao chứa đôi quẻ dịch Ma Phương, giúp các bác chữa bệnh. Để chuẩn bị được hơn 300 túi quà là sự góp tay chung sức của các bác học viên lớp Thiền 2. Ai cũng hoan hỷ. Hy vọng các bác sử dụng được quẻ dịch đó trong cuộc sống, dù nhỏ bé thôi nhưng cũng giúp các bác giảm đau khi cần thiết đấy ạ. 
      Thực sự cám ơn những người đã góp công làm nên tiết mục vui và đẹp. Cám ơn những tràng vỗ tay. Lúc trên sân khấu, Hoàng Vân thấy hàng chục điện thoại, Ipad giơ lên ghi hình, chụp ảnh, các bác đứng phía sau phải trèo lên ghế xem cho rõ, rồi mọi người hú theo, vỗ tay theo nhạc, ai cũng cười rõ tươi... thật là hạnh phúc và thấy mình cũng đã làm được một điều: gắn kết mọi người với nhau, tất cả “diễn viên” cùng khán giả như hoà quyện vào một khối, ai cũng như quên hết bệnh tật, ốm đau, phiền muộn. Thêm nữa cũng là thông điệp muốn gửi đến các bác: tục thờ Mẫu và múa hầu đồng...là nét văn hoá cổ truyền có giá trị văn hoá tâm linh truyền thống của người Việt - đã có một thời bị ghẻ lạnh, khinh khi. Giờ đây nó đã được bảo vệ, đã được sống lại trong lòng người dân Việt và đang được trình lên UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.
     Vâng. Các bác thấy vui, vậy là các “diễn viên không bao giờ chuyên” chúng tôi hạnh phúc lắm rồi. 
     Cám ơn mãi vẫn thấy chưa đủ. Muốn viết vài dòng mà thành dài mất rồi. Cả nhà chịu khó đọc nhé. 
Hoàng Vân chia sẻ. 
Tháng 10/2016

4 nhận xét:

  1. Khi nghĩ đến việc dựng tiết mục này, con lo lắng vô cùng vì mình chưa bao giờ múa hầu đồng, vả lại những đồ thửa riêng này thuê ở đâu được. May sao có anh bạn nhiệt tình hỗ trợ từ phần hầu dâng đến phần lớn trang phục Cô Bé, sẵn sàng bỏ hết các show diễn ngoài trong 2 tuần này để dành đồ cho mình luyện tập. Vui nhất là tiết mục có sự chung tâm chung sức của thật nhiều người, những người trên sk và những người hậu trường, làm nên món quà kính dâng thầy Tổ và những trải nghiệm khó quên cho cả người diễn lẫn người xem.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực sự là không thể ngờ tốc độ hình thành bài múa này. Mọi việc đều hanh thông. Hôm qua xem chèo Bắc Lệ Đền Thiêng, thấy cái bàn hầu của người ta đẹp quá, mình chạnh lòng cho cái bàn chân lỏng là lỏng lẻo của mình, thế mà vẫn ổn.

      Xóa
  2. Nhà cháu thì rất vui ngay khi được thông báo lớp Thiền 2 sẽ tập tiết mục này, tuy chưa biết sẽ được "phân" vai nào. Đúng thời gian đó lại nhiều việc riêng nên không được tập nhiều, chỉ thấp thoáng 2 buổi vừa tập hú tập nịnh đồng, làm cascadeur ngồi hầu và...quay clip.
    Hôm diễn thì mới khoái chứ : nhạc nổi lên, có tiếng nịnh của "thanh đồng nữ" thì mọi ánh mắt đang chăm chú ngắm "cô" đổ dồn sang góc SK nơi vang lên giọng lảnh lót của Thắm. Lát sau, có giọng nịnh đồng của "thanh đồng giọng...xăng_nhớt" thì ôi thôi...cả khán phòng ngơ ngác đưa mắt sục sạo xem nó vang lên từ đâu. Hóa ra nó từ chỗ cái gã tay phải cầm máy ảnh quay phim, tay trái cầm mic ! Đôi khi phải nhét mic túi quần để còn dùng 2 tay cầm máy ảnh. Mà nào có đứng yên được đâu, tiếng nhạc chầu văn "bay" quá làm nhà cháu chả đứng yên được, phải nhún phải múa theo...Vui thế !
    Đã vậy nhà cháu có máu tham, vừa hú nịnh vừa quay clip mà lại muốn chụp được 1, 2 kiểu ảnh của tiết mục nhà mình...Thế nên chả có việc nào hoàn thành, việc nào cũng dở dang...
    Năm sau mà chửa về hưu món này, nhà cháu quyết đầu tư thêm 1 máy nữa để mỗi máy làm 1 việc cho..."chuyên cần"
    Ôi...đến giờ nhà cháu vẫn còn lâng lâng...Lạy cô...Cô đẹp như Tiên nga giáng trần đấy.....................

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải công nhận Quang gần như là người bận nhất, quan trọng nhất nữa chứ. Mới có một máy vừa chụp ảnh vừa quay mà cả tuần mọi người vẫn bỏ cả việc để tập trung lên mạng thế này, mà bây giờ đầu tư 2 máy thì thế nào đây? Cám ơn "bác" Cà nhiều nhiều nhé.

      Xóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.