Trang

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

THIỀN ĐẦU NĂM TẠI BÁCH KHANG NIÊN, SÓC SƠN, HÀ NỘI.

     Sau lần đi thiền “thử” ở Bách Khang Niên, Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội cùng thầy CN và các giáo viên CLB, Hoàng Vân (HV) đã nhủ: đầu xuân sẽ đưa học viên của lớp đi thiền mở hàng tại đây. Thiền nơi đó thích quá, không thể không quay trở lại.
     Lên kế hoạch, chốt ngày 19/2/2017. Và HV bắt đầu lo, lo hôm đó có mưa rét không? theo dự báo thời tiết 10 ngày thì hôm đó sẽ rét, sẽ mưa nhỏ? Lo. Ngày nào cũng ghé trang dự báo thời tiết 10 ngày, 7 ngày, 5 ngày, 3 ngày...Hôm nào cũng khấn xin Cha Trời, Mẹ Đất, thầy Tổ... giúp cho được nắng ráo, ấm áp. Nơi sẽ toạ thiền là đồi thông với đệm lá già dày, êm, khô nỏ sẽ có màu đỏ đất, nhưng nếu trời mưa thì không thể ngồi ở đó, ướt át, lá khô ngấm nước sẽ ẩm mốc... Để ngồi thiền được trên đồi phải được nắng vài ngày đệm lá mới khô nỏ được. Còn nếu mưa phải ngồi trong nhà thì thôi, chẳng đi làm gì, thiền ở 332 Nguyễn Trãi còn hơn... lo ơi là lo, bao nhiêu là nỗi lo.
     Kế theo đó là lên thông báo đi thiền dã ngoại. Lớp thì chưa đến ngày đi học nên thông báo đi thiền hoàn toàn qua mạng lưới: giáo viên / ban cán sự lớp / tổ trưởng / học viên – lo là liệu các học viên có nhận được thông tin đầy đủ không? Sợ nhất là đến hôm lên đường vẫn có người đăng ký, lúc đó không ghi tên cho đi thì dở, mà nhận cho đi cũng dở, Tết nhất ra, xe ô tô không thể thuê nổi vì vẫn là tháng “ăn chơi, lễ lạt”.
     Kể về nơi đến. Đó là một trang trại rộng gần 15 ha, còn hoang sơ, tất cả dự án đầu tư hợp tác còn dang dở và trong quá trình hoàn thiện. Chỉ có một toà nhà 2 tầng, tầng 1 là nơi tiếp đón rộng rãi, tầng trên là 3 phòng nghỉ khép kín, rộng. Các phòng này cũng để không lâu nay, không có người ở. Có một phòng thờ gia thần và gia tiên họ của bà chủ.
     Đoàn thiền của lớp mình là đoàn đầu tiên, mở hàng ở đây. Từ trước tới lúc đó chưa có đoàn nào đặt chân tới ngoại trừ người nhà.
     Gọi điện đặt cơm. Tổng số xuất báo lần đầu là 36, dự định sẽ đi 1 xe 29 chỗ và 1 xe 7 chỗ. Muốn chị Linh – người chịu trách nhiệm đón tiếp và lo hậu cần – biết thông tin sớm để chị thong dong, không vội, ấy thế mà chị vẫn không thể làm tốt hơn được chỉ vì số lượng người báo tối trước hôm lên đường đã lên tới 62 (kể cả lái xe). Choáng. Vì xe ô tô to không thuê tiếp được nữa, đành đi thêm 4 xe 7 chỗ, trong đó có 1 xe do bác Hệ, học viên của lớp làm từ thiện. Xe nhỏ dành cho các lớp bạn, trong đó có xe HV ngồi để đón người dọc đường, xe to dành cho lớp Thiền 2 và thầy cô, anh Nghĩa.
     Chị Linh gọi điện sắp xếp: thế này nhé, đi sớm, mọi người khỏi phải lo ăn sáng, lên đây, chị sẽ lo cho mỗi người xuất xôi vừng, chị là người làng Phú Thượng, nổi tiếng món xôi đấy. Ăn trưa thì ăn chay 100% nhé. Chiều về, sẽ phần mỗi người 1 bánh bao chay, ai không ăn chay được buổi trưa thì lúc về có cái bánh bao, đỡ đói bụng. Chị nói thế thì HV chỉ còn biết vâng thôi, vì quá là chu đáo rồi. Về thực đơn bữa trưa thì tuỳ chị, kể cả giá tiền cũng tuỳ chị, vì HV cũng nghĩ là đoàn mình mở hàng nên cứ để xông xênh. Và chị đã phục vụ với cái tâm của người thờ Phật, Mẫu, một mình tay 5 tay 10 cùng với vợ chồng của người được thuê trông coi trên đó, có một cô bé được điều thêm từ Hà Nội lên giúp chị nữa, nào thì chợ búa, cơm nước, dọn dẹp, lau chùi, bát đĩa, cốc chén, nước chè vừa tươi, vừa mạn... đã thế mình lại còn nhờ chị bố trí che chắn cho 2 chỗ đi vệ sinh (nhẹ) ở chân đồi, phòng có bác nào có nhu cầu “xả nước cứu thân”, nhờ gì, nói gì chị cũng OK tất.
     Sau bao ngày lo lắng, hồi hộp, chờ đợi, đúng 6 h sáng 19/2, cả đoàn xe xuất phát, số người không ai bớt, đi đầy đủ, đúng giờ. Có xe của HV ngồi đón mẹ con bác Phần từ Đông Anh hẹn đón ở sân bay Nội Bài. Sợ lạc nhau, HV đã chuẩn bị cho tất cả các lái xe một tờ giấy ghi đầy đủ địa chỉ nơi cần đến, chỉ dẫn đường đi thế nào, và điện thoại của chị Linh, nếu có việc cần thì gọi cho chị cầu cứu.
Gần 7h cả đoàn lên đến nơi.
     Mở cửa bước ra khỏi xe, ai cũng phải thốt lên một câu cảm thán về không khí tại nơi đó. Sao mà trong sạch, sao mà thơm mùi cây cỏ, sao mà thoáng đãng, sao mà mát thế.
     Trời thương, Thầy Tổ thương nên cho vài ngày nắng liền trước đó nên khắp nơi hôm đó đều sạch sẽ, khô ráo. Thời tiết thì như “khấn”, không nóng, ko lạnh, gió thì nhẹ, mơn man, trời cao và xanh trong.
     Cả đoàn nhận xôi và thưởng thức bữa sáng ngon lành. HV mang lễ lên phòng thờ lễ gia thần, nhân tiện tham quan nơi mọi người sẽ nghỉ trưa. Các phòng đều được quét dọn, lau sạch sẽ, đệm mới, khăn ga gối mới tinh, vừa sắm xong. Các phòng vệ sinh thì sạch, nhưng do để lâu nên thoát nước còn chưa tốt và cửa thì không đóng kín được. Đoàn vắng thì số nhà VS còn đủ phục vụ, chứ đoàn đông thêm nữa thì xem ra hơi vất vả về đường ... thoát.
     Cả đoàn ăn sáng xong thì leo đồi thông, lễ Mẫu và toạ thiền. Độ cao vừa phải nhưng cũng khiến chị Hạnh, người vừa bị gãy chân cách đây 2 tháng phải cố gắng, nhưng chị đã vượt qua bằng sự quyết tâm của mình, thật đáng khâm phục.
     Lễ Mẫu xong, cả đoàn toạ thiền, một số thiền ngay tại đỉnh đồi, còn đa số ngồi lưng chừng đồi, nơi có đệm dày là lá thông già. Bóng nắng như hoa đùa với thiền nhân. 3 tiếng đồng đồ trôi qua, vừa thiền, vừa nghe thầy CN nói chuyện, giải thích các thắc mắc. Hơn 11h trưa cả đoàn hạ sơn, phần lớn để toạ cụ tại, hằng mong cơm xong sẽ nghỉ trưa tại đó rồi thiền chiều luôn, ai cũng muốn tận hưởng cho hết cái không khí trong lành, thoáng đãng nơi này.
      Bữa cơm trưa cũng là điều đáng phải kể. Phục vụ bàn, phụ bếp đều là học viên. Các chị/anh đều vào bếp đỡ một chân, một tay giúp chị Linh. Giời ạ, chị bày ra không biết là bao nhiêu món, kể ra xem nào: đậu rán, lạc rang, su hào xào mộc nhĩ, canh chua, canh cần nấu miến, rau củ luộc, cà pháo dầm, cơm trắng... đối với người chỉ ăn nửa bát cơm là no như HV thì chỉ cần nếm mỗi món một miếng là cũng đủ no rồi, khỏi cần ăn cơm luôn.
      Chiều lại leo núi tiếp, thiền tiếp, chẳng ai bỏ cữ cả.
     Xuống núi, mỗi người nhận một bánh bao chay để khỏi đói lòng khi ra về. Ồ, tưởng là sẽ để dành lên xe nhấm nháp, ai dè tất cả đều đánh chén ngay tắp lự.
     Một chút trục trặc về xe cộ lúc về, nhưng thời gian đó cũng là đủ để mọi người xích lại gần nhau hơn, và hít thở thêm không khí chiều muộn của nơi hoang sơ đó.
     Trở lại nơi đó thiền vẫn thích cho dù đó không phải là nơi nhiều cảnh đẹp để chụp ảnh tạo dáng, không phải là nơi lãng mạn cho các mối tình, không phải là nơi chăn ấm đệm êm để dỗ giấc ngủ... Nơi đó đang đầu tư vườn chuối, vườn đu đủ... Có ai để ý hương thơm lan toả từ khu vườn vài chục cây hoa Mộc không nhỉ? Hình như vẫn có người chưa biết hoa Mộc là hoa gì.

     HV hy vọng rằng Bách Khang Niên sẽ là nơi các lớp CLB DSNL tới thiền.
     Đây không phải là địa chỉ kinh doanh, mà là nhà của những người Phật Tâm, nên phục vụ không chuyên nghiệp, nấu ăn không chuyên nghiệp, dịch vụ, dọn dẹp cũng không chuyên nghiệp luôn. HV nghĩ chúng ta sẽ hoan hỷ với những thứ không chuyên nghiệp đó, ta sẽ hoà đồng và sẽ tìm được những thứ mà chúng ta cần nhất.
     Phải cám ơn tất cả: Bề Trên, Thầy Tổ dẫn dắt, gia hộ”; Thầy CN và các giáo viên, ban cán sự lớp và các học viên đã hỗ trợ, đồng hành; Gia chủ nhiệt tình, thật tâm, vất vả mà vẫn cười tươi đón khách.
      Thành tâm, HV xin cám ơn nhiều lắm. Sẽ trở lại nơi đó.

Hoàng Vân ghi chép

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Dã ngoại 1 ngày tại Bách Khang Niên

 Ảnh: Thầy Chủ nhiệm
Chủ nhật, 19/2/2017, lớp Thiền 2 tổ chức thiền dã ngoại 1 ngày tại Khu Nghỉ dưỡng sinh thái dành cho người cao tuổi Bách Khang Niên tại xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội. Cùng tham gia có vợ chồng Thầy Chủ nhiệm CLB, thầy Nghĩa, cô Phương, và một số hội viên - học viên các lớp Thiền 1, Thiền 4, Thiền 6, và Cơ Bản 2. Dưới đây là cảm nhận và hình ảnh do học viên lớp Thiền 2 chia sẻ.

  "Ngày hôm qua là một ngày đáng nhớ. Được sự động viên, khuyến khích của cô giáo chủ nhiệm lớp Thiền 2 Nguyễn Hoàng Vân và bạn bè trong lớp, tôi quyết tâm tham gia buổi dã ngoại đầu năm tại Minh Trí, Sóc Sơn. Thật ra. Đoạn đường leo núi tại địa điểm này dễ hơn so với ở chùa Kho, tuy nhiên với chân bị gãy thì đây là một khó khăn bởi đường có nhiều lồi lõm, gạch đá lổn nhổn nếu sơ ý một chút là có thể vẹo chân. Nhưng rất may là cô bạn Hoà luôn luôn ở bên cạnh, cô bạn Hợp xách hộ toàn bộ balo, ghế ngồi.... Cảm động hơn là một bác trai trong đoàn xông ngay vào bụi cây ven đường, bẻ một cành khô đưa cho mình làm gậy để chống. Và mình biết, cô giáo chủ nhiệm luôn theo dõi từng bước đi của mình. 
Mọi người trong đoàn đều cảm thông, lo lắng cho mình, thậm chí mọi người đành phải đi chậm lại để nhường đường cho mình nên cũng có lúc đường bị ùn lại. Tình người trong lớp Thiền 2 ấm áp biết bao. Xin chân thành cảm ơn cô giáo chủ nhiệm lớp Nguyễn Hoàng Vân, cô chính là người đã xây dựng nên tập thể lớp Thiền 2 là một tập thể tràn đầy tình thương yêu, cảm ơn các thành viên trong lớp đã tạo cho tôi động lực mạnh mẽ bằng cách chia sẻ, quan tâm, động viên tôi vượt qua được khó khăn, hoàn thành xuất sắc buổi thiền tại Sóc Sơn."
(Đào Thị Minh Hạnh, học viên lớp Thiền 2)


"Hai học viên mới của lớp Thiền 2 tham gia chuyến đi giã ngoại tại Bách Khang Niên một ngày với rất nhiều cảm xúc, được tu thiền giữa thiên nhiên và tình người!!!"
(Bùi Quang Thế, học viên mới của lớp Thiền 2)


Xem một số hình ảnh do Thầy Chủ nhiệm, anh Nguyễn Văn Chuyền, anh Nguyễn Tuấn Cường, và Bùi Quang Thế chụp TẠI ĐÂY

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Lớp Cơ Bản 2 khai xuân

Tin và ảnh: Nguyễn Hồng Phúc
Lớp Cơ Bản 2
         Ngày 18/2/2017 (tức 22 tháng giêng năm Đinh Dậu) lớp Cơ bản 2 mới học buổi đầu tiên sau tết. 
         Bác Mai, người nhiều tuổi nhất được thày chủ nhiệm mừng tuổi nhân dịp năm mới. Cả lớp rất hoan hỉ được thày chủ nhiệm dành cho một buổi ôn luyện và còn được thày khen nữa. Hihi, chúng con sẽ cố gắng tu tập để không phụ lòng các thày cô ạ.

CHÀO TUỔI MỚI

Phạm Thanh Hiền
Lớp Cơ Bản 3
         Thấy cô Vân loa loa trên trang web của CLB là sẽ tổ chức dã ngoại ở Sóc Sơn và sẽ thực hiện thiền trên đồi thông, mình vội gọi điện đăng ký tham gia mà không dám chờ đến buổi học đầu tiên sau tết. Điều hấp dẫn mình chính là đồi thông. Khi đăng ký mình không để ý đến ngày vì đã biết lệ dã ngoại thường được tổ chức vào chủ nhật. Gần đến ngày đi mình mới ngẩn người vì dã ngoại đúng sinh nhật mình.
         Thế là tình cờ mà hữu duyên mình đã kỷ niệm sinh nhật của mình theo một cách rất đặc biệt đối với mình: Sáng sớm trong lành mình đã leo hết các bậc thang lên tới đỉnh đồi thông. Lần đầu tiên mình ngồi cữ thiền 2 tiếng đồng hồ trên đồi thông. Trong ngày sinh, mình đã được nhận món quà đầu năm từ Thầy cho mình niềm tin hy vọng một năm mới tốt lành. Chiều, vì một sự trục trặc nhỏ, xe đến đón muộn, mình lại có thời gian lang thang một mình trong cảnh chiều gợi lại nhiều ký ức.
         Cảm ơn đất trời, cảm ơn Thầy, cảm ơn cô Vân và các bạn đồng môn đã cho mình cơ hội đón những thời khắc đầu tiên của tuổi mới theo một cách tự nhiên, tuỳ duyên và rất đáng nhớ đối với mình.
         Tuổi mới ơi, chúng mình nắm tay nhau đi tiếp để mỗi ngày mới sẽ là đáng nhớ nhé.
Hà Nội, ngày 20/2/2017

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

QUA TẾT TRỞ LẠI LỚP THIỀN

 Ảnh: Nguyễn Minh Quang
Nghỉ lễ, nghỉ Tết dài dài,
Nhớ Thầy, nhớ lớp, nhớ bài thiền hay.
Buổi đầu đến lớp hôm nay,
Sẻ chia hồ hởi những ngày đầu xuân.

Chuyện xa rồi lại chuyện gần,
Mỗi tuần mình có một lần bên nhau,
Chia sẻ năng lượng thiền sâu,
Càng chăm đến lớp cùng nhau ngồi thiền.

Lạc quan, buông bỏ buồn phiền,
Xua tan bệnh tật nhờ thiền thường xuyên.
Buổi đầu gặp lại hàn huyên,
Chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện thiền ra sao.

Sau Tết ai cũng hồng hào,
Đón xuân vui Tết quên sao được thiền,
Nạp thêm năng lượng Tiên Thiên,
Ai cũng khỏe mạnh luyện thiền càng chăm.

Thầy Thường, thầy Nghĩa đến thăm,
Động viên khích lệ lớp chăm luyện thiền.
Chúc Thầy mạnh khỏe, chí bền,
Đưa câu lạc bộ tu thiền tiến xa.

Cả lớp ngồi thành đóa hoa,
Thầy truyền năng lượng phát ra từ Thầy.
Học viên để ngửa một tay,
Tay kia để úp lên vai bạn thiền.

Một vòng năng lượng lan truyền,
Năng lượng vũ trụ Tiên Thiên và Thầy,
Thu năng lượng sạch tràn đầy,
Ai cũng hồ hởi một ngày đầu xuân.

Ngày đến lớp đầu tiên sau Tết Đinh Dậu 2017
Nguyễn Văn Ngọ
Lớp Thiền 6

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

LỚP THIỀN 6 KHAI XUÂN ĐINH DẬU

       Sáng nay 15/2/2017, lớp Thiền 6 khai xuân Đinh Dậu tại 332 Nguyễn Trãi.
       Tới dự buổi học đầu Xuân của lớp có thầy Chủ nhiệm CLB và thầy Trần Nghĩa. Thầy CN đã phát biểu động viên, chúc cả lớp trong năm mới tu tập tinh tấn. Sau đó, thầy phát quà "lì xì" đầu năm cho các học viên không có điều kiện tham dự buổi giao lưu mồng 3 Tết. Đặc biệt, thầy CN còn thay mặt BCN trao món quà chúc Tết cho 2 học viên trên 80 tuổi của lớp là bác Sinh và bác Tâm.
       Tiếp đó, lớp đã thực hiện bài thiền ngắn "Thu năng lượng", với sự hỗ trợ của các thầy, cô giáo.
       Cuối buổi là tiệc liên hoan nhẹ và giao lưu văn nghệ. 
       Sau đây là một số hình ảnh được ghi lại.


Thầy Chủ nhiệm CLB động viên, chúc cả lớp tu tập tinh tấn.

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

Bộ ảnh Du xuân 2

Bộ ảnh Du xuân từ máy của anh Nguyễn Văn Chuyền.


Xem toàn bộ bộ ảnh TẠI ĐÂY.

Bản tin CLB DSNL

1. Gặp mặt đầu xuân
Sáng mùng 3 Tết Đinh Dậu, tại trụ sở 332 Nguyễn Trãi, hội viên - học viên các lớp DSNL đã đến thắp hương Thầy Tổ, gặp gỡ giao lưu đầu xuân và chúc tết các thầy cô. Đến dự cùng thầy trò có các bác đại diện cho tổ dân phố 12 phường Thanh Xuân Trung. Cuộc gặp gỡ diễn ra hết sức vui vẻ trong bầu không khí thân mật và đầm ấm. Các bác hội viên - học viên từ 80 tuổi trở lên nhận quà chúc thọ của Ban Chủ nhiệm CLB và tất cả hội viên - học viên có mặt đều nhận được món quà "lì xì" hết sức ý nghĩa từ Thầy Chủ nhiệm. Hy vọng sang năm mới Đinh Dậu CLB DSNL sẽ có nhiều khởi sắc. 
(Xem phóng sự ảnh của anh Nguyễn Minh Quang, học viên lớp Thiền 2,  TẠI ĐÂY)

 Bác Nguyễn Thụ, học viên cao tuổi lớp Cơ Bản 3, đến chúc tết Thầy Chủ nhiệm. 
 Thầy Chủ nhiệm trao quà mừng thọ cho bác Ngô Thị Thoa và bác Nguyễn Xuân Nguyên, học viên lớp Thiền 1.  
 Nhận "lì xì" của Thầy Chủ nhiệm. 
 Học viên cùng các thầy cô nâng cốc chúc một năm mới tràn đầy năng lượng. 
2. Du xuân tết Đinh Dậu
Ngày mùng 9 tết, CLB DSNL có chuyến du xuân đầu năm tại Thái Nguyên. Đây là chuyến du xuân có số lượng hội viên - học viên tham gia đông nhất từ trước đến nay, 220 người. Buổi sáng đoàn đi lễ Phật tại chùa Hang - Kim Sơn Tự và chùa Phù Liễn. Buổi trưa đoàn ghé vào khu Bảo tồn nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, ăn trưa và nghỉ ngơi. Buổi chiều cả đoàn có ca thiền thu năng lượng sạch trong không gian ngát màu xanh và không khí trong lành tại nơi đây. Chuyến đi để lại nhiều kỷ niệm đẹp và những ấn tượng tốt lành nơi đoàn đã đi qua. Cảm ơn chị Trần Thị Hồng, phụ trách công tác Dã ngoại, đã chuẩn bị hết sức chu đáo cho chuyến đi này. 
(Xem bài chia sẻ của bạn Đặng Thanh Chúc, lớp trưởng lớp Thiền 6, TẠI ĐÂY.)

Ảnh: Anh Trần Văn Nghĩa
3. Khai xuân
Đến hẹn lại lên, theo truyền thống của CLB DSNL, sau rằm tháng giêng, các lớp DSNL trở lại sinh hoạt theo lịch đã định. Lớp khai xuân đầu tiên là lớp Thiền 5 của thầy Nguyễn Ngọc Kim vào sáng chủ nhật (12/2 tức 16/1 âm lịch). Buổi học đầu xuân có 22 học viên tới lớp. Tiếp theo là lớp Thiền 4 của thầy Trần Văn Nghĩa vào sáng thứ 2 (13/2) có 18 học viên. Tất cả giáo viên đều có mặt trong buổi sinh hoạt đầu xuân vào chiều thứ 2 với rất nhiều nội dung cần triển khai trong năm mới. Chúc toàn thể hội viên - học viên ở tất cả các lớp có một năm tu luyện đạt hiệu quả cao nhất.
Nhóm chị Hoàng Vân và những người bạn, tất cả là 10 người, cũng có một buổi thiền dã ngoại đầu xuân tại mộ cụ Trưởng Cần vào sáng sớm chủ nhật (12/2). 
Chủ nhật này (19/2/2017) lớp Thiền 2 sẽ tổ chức 1 ngày thiền dã ngoại khai xuân tại khu sinh thái nghỉ dưỡng dành cho người cao tuổi Bách Khang Niên, xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội. 

 Nguồn ảnh: Bùi Thế
4. Dã ngoại quý 1/2017
Theo thông báo của chị Trần Thị Hồng, trưởng ban Dã ngoại, ngày 4 - 5/3/2017, CLB sẽ tổ chức đợt dã ngoại quý 1 cho toàn CLB tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Hải Dương. Học viên các lớp đăng ký với Ban Cán sự lớp. 
Ban Biên tập CLB DSNL

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

DUYÊN

 Nguồn ảnh: FB cá nhân
         Biết là sẽ rất tốt nếu thiền theo nhóm và được thiền tại những nơi có trường năng lượng tốt, vì vậy đã nhiều lần mình đăng ký tham gia các đợt dã ngoại của lớp mình, lớp bạn, của cả câu lạc bộ. Vậy mà, trừ một lần đi được cùng với lớp, các lần khác mình đều bị "trượt vỏ chuối". 
         Nhớ lần thấy lớp bạn Chúc tổ chức đi dã ngoại, mình nhờ bạn đăng ký giúp. Hai ngày trước hôm đi thì mình bị ho sốt, đành phải báo với bạn huỷ việc tham gia dã ngoại. 
          Lần đăng ký tham gia dã ngoại cùng cả CLB, đã chuẩn bị đầy đủ để sáng hôm sau đi, thì 10 giờ đêm nhận được tin nhắn của người bạn mình rất quý và đã lâu không gặp: bạn sẽ đến chơi với mình vào hôm sau. Thế là mình lại huỷ tham gia chuyến dã ngoại đó. 
         Ngay trước tết Đinh Dậu vừa rồi, biết chuyện của mình, cô Mai cho biết lớp cô Vân dự kiến sẽ tổ chức dã ngoại tại Chùa Kho và mình đã nhờ cô Mai giúp mình đăng ký tham gia. Gần đến ngày đi, lên trang của CLB lại đọc được tin nhắn của cô Vân về việc phải huỷ dã ngoại vì Chùa có việc rất đông người tham gia đúng ngày dự kiến dã ngoại tại đó. 
         Sau nhiều lần "hụt", từ hôm đăng ký tham gia chuyến du xuân đầu năm mình cứ thấp thỏm đếm từng tờ lịch được xé hàng ngày, chờ đến mùng 9 tết. Đêm trước hôm đi, mình không ngủ được. Sáng, mình dậy sớm và có mặt ở địa điểm tập trung lúc 5h00. Đường vắng tanh, không bóng người. Nhìn quanh, mình chợt lo không biết chuyến đi có bị hoãn không, hoặc mình có nhớ nhầm địa chỉ tập trung hay không... May mắn là mọi việc suôn sẻ. 
         Vậy là mình đã có chuyến dã ngoại đầu tiên với cả CLB là một chuyến du xuân đầu năm đầy cảm xúc. 
         Mình rất ấn tượng về ngôi chùa cổ Chùa Hang với bài thơ khắc trên vách đá. Nhớ cái ôm ấm áp của chị Cúc với lời chúc tết tốt lành chị dành cho mình. Nhớ giọng nói xởi lởi rất chị cả của chị Chiến (chị vẫn thế như hồi chị em mình là hàng xóm với nhau). Thương dáng tất bật nhưng luôn cười tươi của chị Hồng khi quán xuyến việc hậu cần của chuyến đi (nhìn chị lại nhớ những lần mình phải làm công việc tổng quản mama giống chị hồi còn đi làm). Nhớ giọng nói ân cần, nhẹ nhàng của Thầy hướng dẫn mình thăm chùa. Cảm động với sự quan tâm thông cảm của cô Mai dành cho mình (Mình đã từng biết bạn là người phụ nữ đảm đang và bây giờ là cô giáo chủ nhiệm của mình). Vui được nghe cách nói chuyện nhanh nhanh như ngày nào của cô bạn thời ấu thơ (giờ thì bạn là cô giáo và chuyên gia thiền của mình rồi). Ngạc nhiên với chính bản thân mình có thể thiền cho hết giờ khi vẫn có tiếng hát và tiếng nhạc bên tai... 
         Hy vọng chuyến du xuân đầu năm, với duyên lành đã cho mình làm quen với những người bạn mới, gặp lại những người chị, người bạn cũ thân quý, là khởi đầu tốt lành cho việc tu tập của mình trong năm mới. 
         Chúc mừng năm mới. 
         Cầu mong an lành.
Phạm Thanh Hiền
Lớp Cơ Bản 3

DU XUÂN CHÙA HANG

 Ảnh: Nguyễn Minh Quang
                             Năm mới du xuân chùa Hang Thái*
                             Tiên Phật hiển linh đất Thánh Thần
                             Trợ duyên phật tử tu thiền định
                             Nơi trần gian mà như cõi tiên
                             Năng lượng tiên thiên với hậu thiên
                             Hợp nhất thành người tâm bất biến
                             Của mối giao hòa Địa – Nhân – Thiên
                             Du xuân năm mới, xuân thiền định
                            Mãi mãi là xuân của Phật Tiên

Nguyễn Trọng Bình
Lớp Thiền 5
*Chùa Hang, Đồng Hỷ, Thái Nguyên

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Du xuân

                                     Qua miền trung du khép mi thiền
                                     Thu nguồn năng lượng của Tiên Thiên
                                     Địa - Nhân hoà quyện tay bấm ấn
                                     Rừng cọ, đồi chè, người hữu duyên.
                                     Du xuân lễ Phật, lại được Thiền
                                     Được nhận tinh tuý cõi vô biên
                                     Ngày xuân tĩnh tại cùng Thầy bạn
                                     Tâm an Trí sáng duyên đắc duyên.



                                                                                            Đặng Thanh Chúc
                                                                                  Lớp Thiền 6

Nước súc miệng từ lá trầu không

Cách đây vài tháng, chị Lê Thị Thanh Lệ - giáo viên phụ trách lớp Thiền 1 - có giới thiệu về nước súc miệng từ lá trầu không mà chị và gia đình dùng thấy tốt. Sau đó Thu cũng áp dụng và thấy thực sự có hiệu quả. Nhân đọc bài viết trên trang Soha News, Thu trích đăng giới thiệu với cả nhà.
  
 Nguồn: Soha News
         "...Theo thạc sĩ nha khoa, bác sĩ Hoàng Thị Bích Liên - phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh Hà Nội, trầu không vốn là bài thuốc dân gian và sử dụng trong răng miệng cực kỳ tốt. 
         Theo đông y, lá trầu không có vị cay, tính ấm, có chứa nhiều chất chống oxy hóa rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp đường ruột hoạt động tốt, khử mùi, diệt khuẩn tốt. 
         Những triệu chứng khó chịu như đầy bụng, táo bón, tiêu chảy, ăn không tiêu, viêm nhiễm phụ khoa… đặc biệt bệnh hôi miệng khiến nhiều người gặp phiền phức thì lá trầu không giúp họ giải quyết triệt để những phiền toái này. 
          Thạc sĩ Liên cho biết mấy năm trước, bà đã cùng nhiều học trò của mình nghiên cứu về tác dụng của lá trầu không với sức khỏe răng miệng và thực sự nó có tác dụng. 
         Có những bệnh nhân được theo dõi qua 1 tháng đã thấy răng sáng bóng, không còn hôi miệng cũng như các bệnh viêm răng miệng khác.
         Theo Thạc sĩ Liên, bài thuốc lá trầu không được rất nhiều sách đông y cổ ghi lại nhưng qua thực tế, bác sĩ Liên ghi nhận nó thực sự có tác dụng. 
         Bài thuốc này cũng đơn giản, các bác sĩ của bệnh viện khi về địa phương thường xuyên tuyên truyền để người dân tự làm vệ sinh răng miệng. 
         Kinh nghiệm của bác sĩ Liên, lá trầu không tốt nhất là chọn lá trầu không bánh tẻ (không quá già, không quá non), hái lá trầu không vào khoảng 5h sáng sau đó pha lá trầu không như pha chè: 3 lá trầu không với khoảng 150 ml nước rồi sử dụng súc miệng ngày 2 – 3 lần. 
         Với việc dùng cho trẻ em, bác sĩ Liên cho biết bài thuốc này rất tốt, tốt hơn cả các loại nước súc miệng khác bởi vì lá trầu không vốn an toàn, kháng sinh tự nhiên và còn có tác dụng diệt khuẩn, phòng chống các bệnh răng miệng khác. 
         Đặc biệt, trầu không là cây dễ trồng, có thể trồng tại nhà và kèm theo một chiếc cột giả là cây leo được và sử dụng lá quanh năm. 
         Thạc sĩ Liên cho biết thói quen vệ sinh răng miệng của người dân Việt Nam đã phát triển hơn, mọi người biết quan tâm đến sức khỏe răng miệng hơn nhưng những bài thuốc dân gian này không phải ai cũng biết. 
         Bác sĩ Liên khuyến cáo nhiều gia đình muốn tiện sử dụng nước súc miệng hóa chất song không tốt lắm bởi vì nước súc miệng chứa hóa chất không tốt cho miệng. 
         Bác sĩ Liên khuyên người dân nên tận dụng các loại nước súc miệng có trong tự nhiên rất tốt cho sức khỏe như lá trầu không, rễ cau ngâm rượu, nước súc miệng lá bạc hà."

Đọc toàn bài TẠI ĐÂY

YÊU CÂU LẠC BỘ TU THIỀN

 Ảnh: Hồng Thu
Du xuân Thái Hải nhà sàn
Không gian thoáng đãng ngút ngàn màu xanh.
Chim kêu ríu rít trên cành,
Nhạc thiền réo rắt cầm canh cữ thiền.

Cả Câu lạc bộ lặng yên,
Chìm trong tiếng nhạc tu thiền du dương.
Yêu Câu lạc bộ thân thương,
Năm nào cũng được lên đường du xuân.

 Ảnh: Nguyễn Minh Quang
Nguyễn Văn Ngọ
Lớp Thiền 6

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Bộ ảnh Du xuân 1

Cảm ơn bạn Nguyễn Minh Quang đã gửi Ban Biên tập bộ ảnh chụp CLB DSNL du xuân ngày 5/2/2017 tại Thái Nguyên. 
Xem thêm ảnh TẠI ĐÂY

DU XUÂN LỄ CHÙA

 Ảnh: Nguyễn Minh Quang
Du xuân mùng 9 tháng giêng,
Cả Câu lạc bộ tu thiền Dưỡng Sinh,
Mọi người ai cũng nhiệt tình,
Tinh mơ đã xếp đội hình lên xe.

  Ảnh: Nguyễn Minh Quang
Hoa xuân rực rỡ sắc khoe,
Vui mừng chào đón đoàn xe đi thiền.
Đường dài xe chạy liên miên,
Ngâm thơ ca hát cho quên ưu phiền.

Du xuân lại được ngồi thiền,
Thu nhiều năng lượng Tiên Thiên cho mình.
Du xuân chan chứa bao tình,
Tình Câu lạc bộ chúng mình bao la.

  Ảnh: Nguyễn Minh Quang
Thoáng cái hết đoạn đường xa,
Chùa Hang trước mắt hiện ra rõ ràng.
Vào chùa thắp một nén nhang, 
Cầu xin Đức Phật bình an mọi nhà.
Nguyễn Văn Ngọ
Lớp Thiền 6

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Câu lạc bộ du xuân Đinh Dậu

         Ngày 5/2/2017 (mùng 9 tết) CLB tổ chức du xuân đầu năm mới Đinh Dậu. Tôi có duyên được tham gia cùng Thầy, Cô và các bác trong CLB. Điểm đến là Chùa Hang - Kim Sơn Tự, chùa Phù Liễn, khu Bảo tồn nhà sàn dân tộc du lịch sinh thái Thái Hải, thuộc tỉnh Thái Nguyên.
 Ảnh: Nguyễn Minh Quang
         Sau 1 tháng nghỉ Tết Nguyên Đán, dường như ai cũng nhớ, cũng mong được gặp lại các Thầy Cô và các bạn đồng môn. Tôi đến điểm tập trung lúc 5h40', trời vẫn còn tối chưa tỏ mặt người, không khí còn lạnh sương đêm mà các bác đã tề tựu khá đông đủ. Thầy trò tay bắt mặt mừng cùng những lời chúc đầu năm mới nhiều sức khỏe, bình an và may mắn.
         Đoàn gồm 5 xe 45 chỗ khởi hành lúc 6h05' nhằm hướng Bắc - Hà Nội thẳng tiến. Lớp Thiền 6 tôi ngồi xe số 4, chặng đường Hà Nội - Thái Nguyên dường như ngắn lại khi những tiết mục văn nghệ trên xe thật sôi nổi nhờ sự dẫn dắt chương trình khéo léo của thầy Tiến. Loáng cái đã thấy biển chỉ dẫn huyện Đồng Hỷ hiện ra bên đường. Điểm đến đầu tiên của hành trình du xuân là Chùa Hang - Linh Sơn Tự.
 Ảnh: Nguyễn Minh Quang
         Tôi háo hức được đặt chân tới vùng đất linh thiêng mà tôi nghe tương truyền rằng: "Vào một buổi sáng mùa xuân năm Nhâm Tuất, vua Lý Thánh Tông thức dậy đã kể lại giấc mơ của mình cho Nguyên Phi Ỷ Lan, rằng được Phật dắt lên vùng địa linh ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Bà Nguyên Phi lập tức thực hiện chuyến kinh lí tham quan, thấy phong cảnh hữu tình, núi non kỳ vĩ, hang động rộng lớn, bèn cho lấy hang dựng chùa thờ Phật". 
 Ảnh: Nguyễn Minh Quang
         Từ xa tôi đã nhìn thấy ba ngọn núi Thanh Long, Huyền Vũ, Bạch Hổ vươn cao sừng sững uy nghi mà trong lòng núi là Chùa Hang linh thiêng. Trên vùng đất bằng phẳng, Chùa Hang hiện nay đã được trùng tu xây dựng thêm: Tam quan nội, tam quan ngoại, chính điện Tam Bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, lầu chuông, lầu trống. Qua sân chùa rộng lớn, tôi theo các bác vào lễ Phật và chiêm bái Đức Phật cùng chư vị Bồ Tát sơn son thếp vàng tuyệt đẹp trên chính điện Tam Bảo nguy nga, rồi lễ Tổ, lễ Mẫu. Sau đó tôi cùng mọi người sang ngôi chùa cổ trong hang. 

 Ảnh: Nguyễn Minh Quang
         Qua tam quan Chùa Hang bên trái, phải có hai tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện - Trừng Ác cưỡi voi cưỡi hổ uy nghi. Dưới nền có nhiều cột đá vươn cao như trụ chống trời, trên vòm có nhiều nhũ đá buông rũ, vách hang có những nhũ đá nhô ra tạo thành các bệ thờ tự nhiên. Trong hang có nhiều ngóc ngách càng thêm vẻ u tịch, thâm nghiêm. Ban Tam Bảo ngự trên một nhũ đá lớn nhô lên giữa hang, bên phải hang đi qua ban thờ Chúa Động là ban thờ Mẫu Nguyên Phi Ỷ Lan, tôi lễ và chiêm bái dung mạo hiền từ của Mẫu, cảm nhận như bà đang hiện diện đâu đây để bao quát và coi sóc con dân. Đặc biệt, vào sâu trong hang, tôi được chiêm bái trên vách hang còn lưu bút tích bài phú có từ thời Hậu Nguyễn - Lê Sơ.
         Trở ra sân chùa rộng lớn, cả đoàn cùng chụp ảnh kỉ niệm trước khi rời chùa tiếp tục tới điểm đến tiếp theo là chùa Phù Liễn.

 Ảnh: Trần Văn Nghĩa
         Chùa Phù Liễn thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Trước đây chùa được xây dựng tại khu đồi Xứ Cả, là nơi nuôi giấu, che chở cho nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Sau khi Pháp xâm lược và bình định tỉnh Thái Nguyên, chùa được di dời tới khu vực hiện nay trên một quả đồi có nhiều cây xanh cổ thụ. 
         Năm 1946 tại ngôi chùa này đã được đặt hòm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 1 nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Qua kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa bị phá hủy gần hết chỉ còn lại ngôi Pháp sư Tổ và một phần nhỏ nhà thờ Mẫu. Trải qua nhiều lần trùng tu chùa đã được phục dựng lại theo kiến trúc chùa cổ và hiện giờ chùa là Trụ sở Phật giáo của tỉnh Thái Nguyên. Hàng năm hội chùa được tổ chức vào ngày 12 tháng giêng nên khi đoàn chúng tôi vào lễ chùa ngày trước hội cũng đã khá đông phật tử thập phương về lễ Phật.

 Ảnh: Hồng Thu
          Tôi cùng các bác vào bái yết Tam Bảo rồi chiêm bái bức đại tự gắn bốn chữ vàng: "linh sơn phúc địa" (nghĩa là: "núi thiêng đất lành"). Tôi qua lễ Tổ, lễ Mẫu rồi chiêm bái những ngôi tháp cổ uy nghiêm ẩn trong vườn cây xanh phía sau chùa.

 Ảnh: Hồng Thu

 Ảnh: Phạm Hạnh
         Rời chùa Phù Liễn, đoàn tiếp tục hành trình tới khu Bảo tồn nhà sàn dân tộc du lịch sinh thái Thái Hải, một không gian văn hóa với hơn ba mươi ngôi nhà sàn có tuổi thọ trên 50 năm của người Tày - Nùng trong ngút ngàn rừng cọ, keo, xanh mát. Tại đây chúng tôi được thưởng thức bữa cơm chay gồm các món rau, nem, trứng, đậu phụ, lạc, xôi nương nấu lá cẩm tím,..., uống trà do người dân Tày - Nùng nuôi trồng ngay tại vùng đất trung du này.

 Ảnh: Trần Văn Nghĩa
         Chúng tôi được ngắm những bông súng nở rực ven hồ, ngắm bầy cá quẫy tranh nhau đớp mồi, dạo quanh những lối đi thơm ngát và hai bên trắng những hàng hoa Ngọc Trâm. Lại được ngắm bầy gà lôi đỏ, những con chim công xòe múa rực rỡ, tiếng bồ câu gù trong tiếng gió rừng. Ẩn thấp thoáng trong rừng hoa chuối đỏ tươi, là những ngôi nhà sàn mang những nét văn hóa đặc trưng của người dân Tày - Nùng cùng tiếng đàn tính và điệu hát then. Điều tuyệt vời nhất là sau giờ nghỉ trưa tôi được thiền trong không gian ấm áp, trong lành của miền đất trung du, sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người nơi đây khiến tôi muốn ca thiền kéo dài thêm mãi.

 Ảnh: Hồng Thu
         Kết thúc ca thiền trời cũng trở về chiều, cả đoàn hoan hỷ lên xe về Hà Nội mang theo tình cảm ấm áp và mộc mạc của đồng bào dân tộc nơi đây. Chúc gia đình lớn Thái Hải một năm nuôi trồng bội thu và nhiều thuận lợi!

 Ảnh: Hồng Thu
         Kính chúc Thầy Chủ Nhiệm và các Thầy Cô cùng các bác trong CLB một năm nhiều sức khỏe, an vui và tu thiền tinh tấn! Chúc CLB ngày một phát triển và vững mạnh!
Đặng Thanh Chúc
Lớp Thiền 6