Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Câu lạc bộ du xuân Đinh Dậu

         Ngày 5/2/2017 (mùng 9 tết) CLB tổ chức du xuân đầu năm mới Đinh Dậu. Tôi có duyên được tham gia cùng Thầy, Cô và các bác trong CLB. Điểm đến là Chùa Hang - Kim Sơn Tự, chùa Phù Liễn, khu Bảo tồn nhà sàn dân tộc du lịch sinh thái Thái Hải, thuộc tỉnh Thái Nguyên.
 Ảnh: Nguyễn Minh Quang
         Sau 1 tháng nghỉ Tết Nguyên Đán, dường như ai cũng nhớ, cũng mong được gặp lại các Thầy Cô và các bạn đồng môn. Tôi đến điểm tập trung lúc 5h40', trời vẫn còn tối chưa tỏ mặt người, không khí còn lạnh sương đêm mà các bác đã tề tựu khá đông đủ. Thầy trò tay bắt mặt mừng cùng những lời chúc đầu năm mới nhiều sức khỏe, bình an và may mắn.
         Đoàn gồm 5 xe 45 chỗ khởi hành lúc 6h05' nhằm hướng Bắc - Hà Nội thẳng tiến. Lớp Thiền 6 tôi ngồi xe số 4, chặng đường Hà Nội - Thái Nguyên dường như ngắn lại khi những tiết mục văn nghệ trên xe thật sôi nổi nhờ sự dẫn dắt chương trình khéo léo của thầy Tiến. Loáng cái đã thấy biển chỉ dẫn huyện Đồng Hỷ hiện ra bên đường. Điểm đến đầu tiên của hành trình du xuân là Chùa Hang - Linh Sơn Tự.
 Ảnh: Nguyễn Minh Quang
         Tôi háo hức được đặt chân tới vùng đất linh thiêng mà tôi nghe tương truyền rằng: "Vào một buổi sáng mùa xuân năm Nhâm Tuất, vua Lý Thánh Tông thức dậy đã kể lại giấc mơ của mình cho Nguyên Phi Ỷ Lan, rằng được Phật dắt lên vùng địa linh ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Bà Nguyên Phi lập tức thực hiện chuyến kinh lí tham quan, thấy phong cảnh hữu tình, núi non kỳ vĩ, hang động rộng lớn, bèn cho lấy hang dựng chùa thờ Phật". 
 Ảnh: Nguyễn Minh Quang
         Từ xa tôi đã nhìn thấy ba ngọn núi Thanh Long, Huyền Vũ, Bạch Hổ vươn cao sừng sững uy nghi mà trong lòng núi là Chùa Hang linh thiêng. Trên vùng đất bằng phẳng, Chùa Hang hiện nay đã được trùng tu xây dựng thêm: Tam quan nội, tam quan ngoại, chính điện Tam Bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, lầu chuông, lầu trống. Qua sân chùa rộng lớn, tôi theo các bác vào lễ Phật và chiêm bái Đức Phật cùng chư vị Bồ Tát sơn son thếp vàng tuyệt đẹp trên chính điện Tam Bảo nguy nga, rồi lễ Tổ, lễ Mẫu. Sau đó tôi cùng mọi người sang ngôi chùa cổ trong hang. 

 Ảnh: Nguyễn Minh Quang
         Qua tam quan Chùa Hang bên trái, phải có hai tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện - Trừng Ác cưỡi voi cưỡi hổ uy nghi. Dưới nền có nhiều cột đá vươn cao như trụ chống trời, trên vòm có nhiều nhũ đá buông rũ, vách hang có những nhũ đá nhô ra tạo thành các bệ thờ tự nhiên. Trong hang có nhiều ngóc ngách càng thêm vẻ u tịch, thâm nghiêm. Ban Tam Bảo ngự trên một nhũ đá lớn nhô lên giữa hang, bên phải hang đi qua ban thờ Chúa Động là ban thờ Mẫu Nguyên Phi Ỷ Lan, tôi lễ và chiêm bái dung mạo hiền từ của Mẫu, cảm nhận như bà đang hiện diện đâu đây để bao quát và coi sóc con dân. Đặc biệt, vào sâu trong hang, tôi được chiêm bái trên vách hang còn lưu bút tích bài phú có từ thời Hậu Nguyễn - Lê Sơ.
         Trở ra sân chùa rộng lớn, cả đoàn cùng chụp ảnh kỉ niệm trước khi rời chùa tiếp tục tới điểm đến tiếp theo là chùa Phù Liễn.

 Ảnh: Trần Văn Nghĩa
         Chùa Phù Liễn thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Trước đây chùa được xây dựng tại khu đồi Xứ Cả, là nơi nuôi giấu, che chở cho nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Sau khi Pháp xâm lược và bình định tỉnh Thái Nguyên, chùa được di dời tới khu vực hiện nay trên một quả đồi có nhiều cây xanh cổ thụ. 
         Năm 1946 tại ngôi chùa này đã được đặt hòm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 1 nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Qua kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa bị phá hủy gần hết chỉ còn lại ngôi Pháp sư Tổ và một phần nhỏ nhà thờ Mẫu. Trải qua nhiều lần trùng tu chùa đã được phục dựng lại theo kiến trúc chùa cổ và hiện giờ chùa là Trụ sở Phật giáo của tỉnh Thái Nguyên. Hàng năm hội chùa được tổ chức vào ngày 12 tháng giêng nên khi đoàn chúng tôi vào lễ chùa ngày trước hội cũng đã khá đông phật tử thập phương về lễ Phật.

 Ảnh: Hồng Thu
          Tôi cùng các bác vào bái yết Tam Bảo rồi chiêm bái bức đại tự gắn bốn chữ vàng: "linh sơn phúc địa" (nghĩa là: "núi thiêng đất lành"). Tôi qua lễ Tổ, lễ Mẫu rồi chiêm bái những ngôi tháp cổ uy nghiêm ẩn trong vườn cây xanh phía sau chùa.

 Ảnh: Hồng Thu

 Ảnh: Phạm Hạnh
         Rời chùa Phù Liễn, đoàn tiếp tục hành trình tới khu Bảo tồn nhà sàn dân tộc du lịch sinh thái Thái Hải, một không gian văn hóa với hơn ba mươi ngôi nhà sàn có tuổi thọ trên 50 năm của người Tày - Nùng trong ngút ngàn rừng cọ, keo, xanh mát. Tại đây chúng tôi được thưởng thức bữa cơm chay gồm các món rau, nem, trứng, đậu phụ, lạc, xôi nương nấu lá cẩm tím,..., uống trà do người dân Tày - Nùng nuôi trồng ngay tại vùng đất trung du này.

 Ảnh: Trần Văn Nghĩa
         Chúng tôi được ngắm những bông súng nở rực ven hồ, ngắm bầy cá quẫy tranh nhau đớp mồi, dạo quanh những lối đi thơm ngát và hai bên trắng những hàng hoa Ngọc Trâm. Lại được ngắm bầy gà lôi đỏ, những con chim công xòe múa rực rỡ, tiếng bồ câu gù trong tiếng gió rừng. Ẩn thấp thoáng trong rừng hoa chuối đỏ tươi, là những ngôi nhà sàn mang những nét văn hóa đặc trưng của người dân Tày - Nùng cùng tiếng đàn tính và điệu hát then. Điều tuyệt vời nhất là sau giờ nghỉ trưa tôi được thiền trong không gian ấm áp, trong lành của miền đất trung du, sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người nơi đây khiến tôi muốn ca thiền kéo dài thêm mãi.

 Ảnh: Hồng Thu
         Kết thúc ca thiền trời cũng trở về chiều, cả đoàn hoan hỷ lên xe về Hà Nội mang theo tình cảm ấm áp và mộc mạc của đồng bào dân tộc nơi đây. Chúc gia đình lớn Thái Hải một năm nuôi trồng bội thu và nhiều thuận lợi!

 Ảnh: Hồng Thu
         Kính chúc Thầy Chủ Nhiệm và các Thầy Cô cùng các bác trong CLB một năm nhiều sức khỏe, an vui và tu thiền tinh tấn! Chúc CLB ngày một phát triển và vững mạnh!
Đặng Thanh Chúc
Lớp Thiền 6

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.