Trang

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

THÔNG BÁO CỦA BAN CHỦ NHIỆM CLB DSNL

1. Làm thẻ hội viên CLB DSNL năm 2017
Hiện Ban Chủ nhiệm đã gửi thông báo tới các lớp v/v phát hành thẻ hội viên CLB DSNL năm 2017 (Xem chi tiết thông báo TẠI ĐÂY.)
Hiện đã có mẫu đơn xin trở thành hội viên in sẵn và 2 danh sách cấp thẻ mới và đổi thẻ cũ. 
Sau khi nhận lại đơn, Ban Cán sự các lớp tổng hợp số liệu vào danh sách và gửi kèm đơn về Ban Chủ nhiệm. Lưu ý mục số đt khi cần liên lạc số điện thoại của người nhà khi cần liên hệ chứ không phải số đt của học viên/hội viên. 
Lệ phí làm thẻ gồm cả bao đựng thẻ và dây đeo là 10k/thẻ. 
Ban Cán sự các lớp thu ảnh chân dung khổ 2x3 có ghi tên đằng sau và giữ lại để lớp tự dán. Lớp nào có nhu cầu chụp ảnh tại lớp, liên hệ với anh Nguyễn Minh Quang (Thiền 2) số đt 0917393989. Anh Quang đã nhận lời chụp và rửa ảnh giúp các bác. Chi phí rửa ảnh là 10k/ phên ảnh gồm các ảnh 4x6, 3x4 và 2x3. 


2. Thời gian khai giảng lớp mới 
CLB DSNL mở lớp mới tại 332 Nguyễn Trãi học vào chiều thứ 5 hàng tuần, từ 14h đến 16h30.
Khai giảng vào 14h chiều thứ 5 ngày 13/4/2017. Học viên các lớp có nhu cầu giúp bạn hoặc người thân, khẩn trương đăng ký với Ban Cán sự lớp. Lớp trưởng báo số lượng với thầy Trần Văn Lộc (sđt: 0904141950). Các bạn đăng ký lẻ liên hệ với thầy Lộc theo số đt trên.

3. Lớp chuyên đề Quẻ dịch 
Như đã thông báo, lớp chuyên đề Quẻ dịch sẽ khai giảng vào 14h chiều Chủ nhật ngày 2/4/2017.  
Hiện mới có lớp Cơ Bản 2 và Thiền 4 đăng ký số lượng. Đề nghị các lớp khác nếu có nhu cầu, báo số lượng đăng ký. 
Mời các giáo viên có nhu cầu đến tham dự. 

4. Kế hoạch dã ngoại
Ban Chủ nhiệm nhận được kế hoạch dã ngoại của các lớp sau:
- Thiền 1, Cơ Bản 2 & Cơ Bản 3 đi mộ cụ Trưởng Cần ngày 17/3/2017 (đã thực hiện, đạt kết quả tốt).
- Thiền 3 đi Tây Thiên ngày 8/4/2017.
- Thiền 2 đi chùa Kho - Linh Bảo Tự ngày 9/4/2017.
- Thiền 4 &  Thiền 6 đi chùa Bách Môn ngày 12/4/2017. 
Chúc học viên các lớp dã ngoại thiền đạt kết quả tốt.

Ngày 20 - 21/5/2017 toàn CLB sẽ có đợt dã ngoại quý 2 tại Suối Hai. Kế hoạch cụ thể đã thông báo tới giáo viên phụ trách các lớp. Ban Cán sự các lớp lưu ý triển khai và báo số lượng đăng ký cho cô Trần Thị Hồng, phụ trách dã ngoại, để chốt danh sách trước ngày 13/5/2017.   
Ban Chủ nhiệm CLB DSNL

NĂM ĐINH DẬU VỚI NGƯỜI TUỔI GÀ

 (Kính tặng các bạn tuổi Dậu) 
 Ảnh: Internet
Dựa theo cuốn sách đã in, 
Mười hai con Giáp, có tên con Gà, 
Vịnh người tuổi Dậu chan hòa, 
Trai thì mạnh mẽ, gái là thanh thanh. 

Tuổi Dậu năng nổ, tinh nhanh, 
Chăm chỉ thẳng thắn, khó khăn không lùi. 
Không hề biết sợ trên đời, 
Khôi ngô, tuấn tú, khác người đoan trang. 

Kiên cường, mạnh mẽ, đàng hoàng, 
Phê bình người khác, khoe khoang về mình. 
Đoán ý người khác tài tình, 
Thông qua lời nói, sắc hình đối phương. 

Vẻ đẹp lấp lánh lạ thường, 
Thu hút người khác, yêu thương dịu dàng. 
Họ rất quí trọng thời gian, 
Tay hòm chìa khóa, đảm đang gia đình. 

Quản lý tài chính tài tình, 
Tính toán tỉ mỉ, quân bình thu chi. 
Ăn mặc lựa chọn từng li, 
Trang hoàng nhà cửa cực kỳ khang trang.

 Sinh năm Đinh Dậu vẻ vang, 
Đa tình vui vẻ, có quan cậy nhờ. 
Lúc nhỏ gian khó vật vờ, 
Hậu vận khấm khá như cờ phất lên. 

Sinh năm Kỷ Dậu càng son, 
Lộc tài đầy đủ, sớm con đầu lòng. 
Thực hành mọi việc đều thông, 
Có nhiều kế sách mà không phiền hà.

Sinh năm Quí Dậu là gà: 
Nhốt trong chuồng để người ta mua về, 
Công bằng, ngay thẳng, thật thà, 
Giản đơn, cuộc sồng hài hòa bình an. 

Sinh năm Ất Dậu hiên ngang, 
Lộc thọ song toàn, ngay thẳng công minh. 
Sinh Năm Tân Dậu rất xinh, 
Tinh thần sảng khoái, tiền tình đều hên.

Chúc người tuổi Dậu trí bền, 
Lộc tài thịnh vượng, chức quyền giỏi giang, 
Gia đình hạnh phúc an khang, 
Làm nhiều việc thiện vẻ vang tuổi Gà. 
Nguyễn Văn Ngọ
Lớp Thiền 6

TỰ SỰ VỀ THIỀN

Tôi bén duyên với thiền đến nay đã được hơn 1 năm, tình cờ trong 1 lần đi du lịch ở Đà Nẵng trong đoàn có một chị học ở lớp thầy Kim kể về Câu lạc bộ. Nghe thấy thế thích quá tôi liền nhờ chị giới thiệu, bởi đã từ lâu tôi ao ước có được một tập thể hay một nhóm để mọi người cùng nhau ngồi thiền. Năm 2014 tôi đã theo học một lớp sơ cấp 7 ngày của thầy Nguyễn Xuân Điều ở Tô Hiệu, sau đó về nhà tự ngồi tập. Ngày đó thầy bảo nếu ai tập được từ 12 giờ đêm thì sẽ thu được rất nhiều, tôi cũng cố gắng làm theo, xong vì chỉ tập có một mình nên tôi không chiến thắng được bản thân. Tôi đã bỏ dần. Nay nghe thấy có Câu lạc bộ, tôi mừng quá nhờ chị dẫn đến lớp. Buổi đầu tôi vào lớp thầy Kim đúng giai đoạn Câu lạc bộ đang khó khăn về địa điểm, lịch học cũng thay đổi. Để phù hợp với điều kiện sinh hoạt của gia đình nên tôi xin chuyển sang lớp của thầy Nghĩa chủ nhiệm.
Lúc đến với Câu lạc bộ, tôi là một người mang rất nhiều bệnh. Tôi đã trải qua 5 lần đại phẫu thì 2 lần bệnh viện đã gọi chồng tôi đưa về để dành tiền nuôi con. Ruột của tôi qua 5 lần phẫu thuật đã cắt đi gần hết, ruột non còn có 70cm, ruột già còn 1m, thể lực tôi rất yếu, da xanh tái, đi lại co rúm như mèo hen. Tôi thường xuyên phải vào viện, sau đấy tôi lại bị chuyển sang bệnh máu. Bác sĩ chuyển đoán tôi bị “Rối loạn sinh tủy”, giảm hồng cầu, thường xuyên phải vào để truyền máu. Trước truyền còn được, sau càng ngày tiếp nhận càng khó, mỗi lần truyền là tôi đều bị sốc. Đã còn lần tôi bị sốc đến hôn mê tưởng không qua khỏi. Sau cấp cứu tôi sống lại. Vậy nên mỗi lần vào viện để truyền máu tôi rất hoang mang lo sợ không biết lần này vào viện có còn được về nhà nữa không.
Nhưng kể từ ngày tôi đến với Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng học Thiền Lửa Tam Muội, tôi đã thấy được sự sống ở phía trước. Người ta nói đi thiền cũng như đi tu nghĩa là phải có niềm tin, sự kiên trì nhẫn nại và phải chiến thắng chính mình thì mới hiệu quả. Ngày đầu ngồi tôi thấy mỏi lắm, đầu óc cứ quay quả liên miên nhiều lúc cũng nản chí. Xong được sự động viên của thầy giáo cùng các bạn đồng môn, rồi lại nghĩ tới những lần vào viện chọc ven mãi chẳng được, vừa đau vừa sốc co rúm người, tôi hạ quyết tâm vì thấy xung quanh mình bao nhiêu các bác 80 tuổi, hơn 80 tuổi và các bạn trẻ tuổi họ đều bảo ngày đầu họ cũng vậy nay họ đã ngồi rất tốt. Thế là tôi lên kế hoạch mỗi ngày ngồi thêm 10 phút, rồi 20 phút, đến nay tôi đã có thể ngồi được tiếng rưỡi, 2 tiếng. Và mừng nhất là sức khỏe của tôi đã bật lên trông thấy. Tôi đã nhanh nhẹn trở lại, da dẻ hồng hào hơn. Bạn bè và người thân ai gặp cũng phải ngạc nhiên hỏi tôi dùng thuốc gì mà khỏe thế. Tôi bảo họ đấy là nhờ tôi đi tập thiền Lửa Tam Muội. Chồng con tôi rất mừng. Thỉnh thoảng tôi vào viện kiểm tra bác sĩ cũng phải ngạc nhiên, họ bảo hồng cầu của tôi hiện tại rất tốt. Kể từ ngày đi thiền tôi chưa phải truyền máu lần nào. Thiền kỳ diệu là vậy đấy. Những ai chưa biết đến Thiền Lửa Tam Muội mong mọi người hãy tìm hiểu và tu tập theo Thiền thì sẽ được sức khỏe, mà có sức khỏe thì sẽ có tất cả.
Trên đây là vài dòng chia sẻ của tôi.
Con xin tạ ơn Đức Thầy Tổ Dasira Narada, người đã sáng lập ra môn phái này cho chúng sinh.
Em xin cám ơn Thầy Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ (Thầy Thường).
Em xin cám ơn các thầy giáo, cô giáo cùng Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã tận tâm không quản ngại vất vả, khó khăn dẫn dắt Câu lạc bộ mỗi ngày một phát triển để những học viên như chúng em có được một ngôi nhà chung cùng nhau tu tập, sẻ chia và nâng cao sức khỏe, mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình và cho xã hội.
Em xin cám ơn. 
Hà Nội, ngày 19/ 3/ 2017 
Phạm Thị Kim
Lớp Thiền 4

TÔI HỌC THIỀN

Tôi đi học thiền đã được hơn 4 năm (từ ngày 1/7/2012). Tôi tự nhủ “sẽ chăm chỉ đi học thiền đến khi nào vì sức khỏe, không đi được nữa mới thôi”. Bởi lẽ từ ngày đi học thiền, sức khỏe của tôi ngày càng được nâng lên, giảm ốm vặt rõ rệt mỗi khi thay đổi thời tiết. Nếu có ho, nhức đầu thì cũng nhanh khỏi hơn trước.
Cứ mỗi tuần một buổi đến lớp thiền, chúng tôi lại được thầy Nghĩa chia sẻ những kinh nghiệm về cách ăn, uống, ngủ nghỉ, tập thể dục, rồi cách thiền… như thế nào là đúng, là khoa học, là tốt cho sức khỏe. Cả lớp ai cũng lắng nghe và ghi chép đầy đủ. Tôi cũng như thế, luôn ghi chép cẩn thận và học tập theo sự hướng dẫn của thầy. Về nhà, tôi còn chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho các con cháu nghe và áp dụng.
Sức khỏe của tôi được cải thiện như ngày nay, tôi vô cùng biết ơn Ban chủ nhiệm CLB Dưỡng sinh Năng lượng, các thầy, các cô giáo, đã tận tình giúp đỡ tôi và giúp đỡ tất cả các hội viên đang theo học các lớp thiền của CLB. Đặc biệt, tôi rất cảm ơn thầy Nghĩa đã tận tình giúp đỡ lớp Thiền 4, trong đó có tôi đang theo học.
Tôi luôn luôn cầu mong các thầy cô giáo trong CLB ngày càng nhiều sức khỏe để dìu dắt các học viên đẩy lùi bệnh tật, sức khỏe ngày càng tăng lên.
Đỗ Thị Cúc
Lớp Thiền 4 

Thiền, một món ăn bổ dưỡng, không mất tiền mua

Nhìn lại quá trình học tập, tu luyện thiền của tôi đến nay đã được 5 năm. Lớp học của tôi được thầy Nghĩa khai mở Luân xa và giảng dạy, truyền dẫn pháp môn của Đức Thầy Tổ Dasira Narada để lại cho chúng tôi luyện tập cho đến ngày hôm nay.
Trước khi đến với thiền, sức khỏe tôi không được tốt. Tôi hay bị chứng đau nhức xương khớp, đau nửa đầu vai gáy (do bị thoái hóa đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm đa tầng), huyết áp không ổn định, đi xe ô tô hay bị say. Đặc biệt cơ địa tôi hay dị ứng với thuốc. Năm 2009, tôi uống thuốc theo bác sĩ kê đơn 10 ngày, tôi uống đến ngày thứ 9 thì thấy hiện tượng trên đầu, cổ, mắt xuất hiện những nốt mẩn đỏ, cơ thể mệt mỏi, sốt cao 39-40 độ. Tôi phải đi cấp cứu nằm viện điều trị tại khoa dị ứng Bệnh viên Bạch Mai 2-3 ngày, mồm miệng lở loét, mặt mũi sưng to như bánh đa nướng, 2 - 3 ngày chỉ ăn cháo. Tưởng chừng không qua khỏi, nghĩ lại thật kinh khủng, vừa hại sức khỏe vừa tốn kém tiền của.
Trải qua quá trình tu luyện, học tập pháp môn tu luyện cùng một lúc “chân - thiện - nhẫn” tôi đã ngộ ra nhiều:
- Giải tỏa được tâm lý về sức khỏe của người cao tuổi, sức khỏe của tôi nay đã khá hơn.
- Chứng đau nửa đầu vai gáy bớt dần.
- Hệ thần kinh được điều chỉnh, đi xe ô tô không bị say như trước.
-Tinh thần sảng khoái, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát hơn. Đến với thiền giúp cho người ta dễ hòa đồng với nhau, gắn bó yêu thương, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.
Tôi nhớ mãi buổi ban đầu đến với lớp học thiền, hay những buổi đi dã ngoại ở Côn Sơn. Các thầy, cô đã truyền năng lượng, như tiếp thêm sức mạnh, củng cố thêm niềm tin cho tôi kiên trì luyện tập để nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật.
Nhân đây tôi xin được gửi lời cảm ơn đến các bạn đồng môn đã có lần chữa bệnh cho tôi như: chị Thịnh, chị Nữ. Đặc biệt em Lục đã không quản đường xa đến nhà chữa bệnh, truyền năng lượng, đả thông kinh mạch cho tôi. Tôi thấy khỏe hơn.
Năm 2016, do hoàn cảnh gia đình có việc nên tôi phải nghỉ thiền, không đến lớp được. Thời gian gián đoạn từ cuối tháng 10/2016 đến đầu tháng 2/2017 để chăm sóc người thân của tôi chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo: ung thư phổi giai đoạn cuối, đã di căn. Gia đình tôi đã cố gắng chạy chữa nhưng không cứu được. Căn bệnh quái ác đã cướp đi sinh mạng người thân của tôi ngày 21/12/2016.
Nhân đây cho tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành và lời cảm ơn trân trọng nhất tới các bạn đồng môn đã đến thăm hỏi động viên và chia buồn với gia đình. Nhiều lúc tôi tưởng chừng gục ngã, như không thể vượt qua được nỗi mệt nhọc đau buồn đó.
Nhưng thiền đã có sức mạnh thật kì diệu. Nguồn năng lượng “lửa tam muội, tiên thiên, hậu thiên” thu được trong tôi qua những năm tu luyện thiền đã giúp tôi vượt qua tất cả. Nay tôi đã trở lại với lớp học thiền, được thầy kiểm tra, mở lại luân xa cho tôi. Tôi cần cố gắng, chăm chỉ luyện tập để chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn.
Một lần nữa con xin cảm ơn Đức Thầy Tổ Dasira Narada.
Xin kính chúc Thầy Chủ nhiệm cùng toàn thể các thầy cô mạnh khỏe, cuộc sống an lành hạnh phúc.
Hà Nội, ngày 10/3/2017 
Nguyễn Thị Năm
Lớp Thiền 4

Đến với thiền, cơ hội có một không hai

Năm 2009 lớp tôi tổ chức đi Thanh Thủy có tất cả 25 bạn, trong đó khi đang nghỉ trưa tự nhiên bạn tôi bảo mấy chị em ngồi trước mặt, mắt nhắm lại để bạn tôi mở luân xa cho. Thế là 6 chị em chúng tôi ngồi vào, một lúc sau tôi thấy trên trán bạn tôi tỏa ra những ánh hào quang, mọi người cùng ngồi nhưng mỗi một mình tôi nhìn thấy, rồi bạn tôi bảo nhìn thấy thế là tốt lắm đấy, bạn tôi bảo đi học lớp thiền đi. Thế là từ đó tôi không biết thiền ở đâu cả mà chỗ bạn tôi lại ở mãi nhà máy sơn Văn Điển, và có một hôm tôi nghe nói ở Trần Duy Hưng có lớp thiền thế là tôi có một cơ hội rồi. Tháng 7/2013, hai mẹ con xin vào lớp cô Hồng, mới vào rất là bỡ ngỡ rồi cô mở luân xa cho và ngồi thiền bài LTM ngồi chưa quen nên rất mỏi, đau lưng, dần dần đã quen bây giờ đã ngồi được 2 tiếng hoặc hơn thế nữa, lúc xả thiền xong thấy trong người thoải mái dễ chịu. Đến lớp lại được hai cháu Hương, Hằng rất nhiệt tình và cởi mở tôi lại càng thấy yêu lớp hơn.
Năm 2016 là một năm có quá nhiều thay đổi và biến động di chuyển địa điểm, di chuyển lớp cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập của chúng tôi. 
Sau sự nỗ lực nhiệt tình của Thầy Chủ nhiệm và các thầy, các cô trong CLB đã tìm được địa điểm mới ở 322 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, tất cả các lớp đều chuyển về đây. Lớp tôi lại một lần nữa bị xáo trộn do điều kiện sinh hoạt của gia đình, lớp tôi nhiều người phải chuyển sang lớp khác. Bây giờ lớp tôi do thầy Nghĩa phụ trách học vào sáng thứ 2 hàng tuần. Thầy rất nhiệt tình, tận tụy với học trò, giảng dễ hiểu, dễ tiếp thu, vì vậy mà tôi cứ mong đến ngày thứ 2 để đến lớp gặp mọi người, vui vẻ để bước vào 1 buổi thiền đạt được kết quả tốt. Tôi thường xuyên tham gia các buổi dã ngoại của CLB như Suối Hai, Côn Sơn, các địa điểm này có nhiều năng lượng được các thầy cô, đồng nghiệp giảng giải, chia sẻ những điều bổ ích lý thú.
Từ khi tham gia CLB thiền tôi thấy trong người khoan khoái, khỏe ra, nhanh nhẹn hơn, các khớp gối dần dần được ổn định, nhất là bệnh thoát vị đĩa đệm không còn đau như trước nữa.
Con cảm ơn Đức Thầy Tổ Dasira Narada, cảm ơn Thầy Chủ nhiệm Phạm Mạnh Thường, cảm ơn các thầy, các cô đã tận tụy, nhiệt tình, hăng say giảng giải, giúp chúng em luyện tập để có một sức khỏe tốt.
Cuối cùng em chúc các thầy, các cô, các bác, các anh, các chị đồng môn có một sức khỏe dồi dào để cùng đưa CLB tiến tới hơn nữa.
Ngày 16/3/2017
Lê Thị Lan
Lớp Thiền 4

SỐNG THIỀN


Thiền 5 sinh nhật rất vui 
Sáu, bảy mươi tuổi mà cười rất tươi. 
Phong độ như tuổi mấy mươi 
Có duyên, Phật độ, nên thiền hăng say. 
Hai, ba cữ tập mỗi ngày 
Thời gian mỗi cữ ngày càng tăng thêm. 
Sáu, bảy mươi phút đầu tiên 
Lòng vui như thấy thần tiên thiền cùng. 
Ngồi thêm vài chục phút thiền 
Tâm linh bừng tỉnh, long thanh thản nhiều. 
Tập thiền cả sáng, cả chiều 
Sống thiền nên tuổi tuy nhiều vẫn vui.

Nguyễn Trọng Bình 
Lớp Thiền 5

VẬN DỤNG HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG CỦA KINH DỊCH ĐỂ GIẢI THÍCH CƠ CHẾ KHÍ LỰC CỦA THIỀN

Trong kho tàng văn hóa phương Đông, Kinh dịch là bộ điển lâu đời nhất, là tổng kết trí tuệ của người xưa. Kinh dịch bàn về lý, tượng, số, chiêm; nhưng thực chất là vận dụng nguyên lý “một chia làm hai”, với cặp phạm trù đối lập và thống nhất của phép duy vật biện chứng để nói về quy luật biến hóa, phát triển của vạn vật trong vũ trụ. Các nhà khoa học đã tổng kết: Kinh dịch là nguồn gốc chân lý của vũ trụ; là học vấn về sinh mệnh, là giá trị của mọi giá trị. 
Quan điểm cơ bản của kinh dịch là: Dịch có thái cực; thái cực sinh lưỡng nghi; lưỡng nghi sinh tứ tượng; tứ tượng sinh bát quái; bát quái định cát hung, cát hung sinh đại nghiệp. 
Âm dương là tư tưởng triết học cơ bản của Kinh dịch; mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ không ngừng vận động, biến hóa dưới sự tác động tương sinh, tương khắc của âm dương ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). 
Về nguyên lý phân biệt âm dương: Theo quan hệ thời gian thì dương trước, âm sau, theo quan hệ không gian thì dương thượng, âm hạ. Bên ngoài là dương, bên trong là âm, bên trên là dương, bên dưới là âm. 
Bây giờ ta thử vận dụng học thuyết âm dương vào giải thích cơ chế khí lực của thiền. 
Chúng ta quan niệm, âm là phần khuất kín trong cơ thể; dương là phần phô bầy ra bên ngoài, phần dương là phần chúng ta trực tiếp sử dụng, phần âm là gốc rễ sâu kín bên trong. Để cho một thực thể tồn tại và phát triển bình thường thì phải cân bằng âm dương, tức là phần dương phải tương xứng với phần âm. Nếu dương lớn hơn âm thì cơ cấu đó có nguy cơ suy thoái, không tồn tại được. Do đó chúng ta phải luôn củng cố phần âm (phần gốc) của cuộc sống, của cơ thể, của công việc. 
Theo hệ thống khí lực của cơ thể thì hoạt động của tâm thức ở trên đầu, là phần cực dương; Đối lập với phần đầu là 2 bàn tay, 2 bên chân, là phần cực âm. Nếu trong đời sống sử dụng đầu óc quá nhiều hoặc khi tu thiền mà để ý trên đầu nhiều quá thì trong cơ thể phần dương sẽ lấn át phần âm, và có nguy cơ suy thoái, tức bệnh tật. 
Trong thực tế, nếu ai có 2 tay, 2 chân mạnh khỏe, vững chắc thì người đó có tinh thần mạnh mẽ và ngược lại. Nên việc luyện tập cho đôi tay, đôi chân mạnh khỏe là vô cùng quan trọng.Vì tay chân là phần cực âm của cơ thể (nên đi bộ, leo núi, tập các môn điền kinh). 
Cũng vì khi tập thiền ta hay để ý đến trên đầu nhiều (thiên về dương) nên các thầy trong chùa khuyên nên đi kinh hành sau khi thiền để cân bằng âm dương cho cơ thể. 
Phần bụng dưới cơ thể, từ Đan Điền đến huyệt Hội Âm (1) và huyệt Trường Cường (2) là phần chân âm cực kỳ quan trọng của tinh thần và sức khỏe. Nếu có chân âm khỏe mạnh, vững chắc thì con người luôn kiên định, khoan khoái; Nếu để chân âm suy yếu thì sức khỏe èo uột, dễ dao động. Với người tu thiền, việc luyện tập bộ phận bụng dưới là ưu tiên hàng đầu. Vì nếu không có chân âm mạnh thì không nhiếp tâm vào định được. Cách tốt nhất là hàng ngày tập khí công để củng cố chân âm cơ thể. Ngoài ra, khi thiền nên thường xuyên để tâm nơi bụng dưới (đan điền) và 2 tay, 2 chân cũng giúp củng cố chân âm cơ thể. 
Tu thiền là phải kiểm soát tâm. Nhưng nếu chỉ để ý trên đầu với mục đích kiểm soát tâm thì âm lực sẽ mất dần, đến lúc nào đó âm lực không còn nữa thì bệnh thần kinh xuất hiện, vì khí lực bốc hết lên đầu làm mất cân bằng âm dương trong cơ thể. 
Trong khi thiền ta phải chia tâm xuống dưới, biết nhẹ nhàng phía dưới. Khi tâm vào định, vẫn phải tiếp tục thấy rõ toàn thân, không được bỏ thân. Nếu chỉ biết trên đầu, lực sẽ bốc cuồn cuộn lên trên, gây bệnh thần kinh, rất nguy hiểm. Chân âm là khí lực tiềm tàng của phần âm bên dưới cơ thể, chân âm sung mãn thì não bộ bền vững và tu thiền tăng tiến. Vì vậy, ta phải chú ý bảo vệ chân âm cơ thể bằng cách; 
1. Không hoạt động đầu óc thái quá, thường xuyên giải tỏa stress; 
2. Không dục lạc, khoái lạc quá mức; 
3. Không dùng thực phẩm có nhiều chất kích thích, các hóa chất trong thực phẩm công nghiệp; 
4. Không lạm dụng các hóa dược như thuốc giảm đau, an thần, là những thứ có hại cho âm cơ thể; 
5. Hàng ngày luyện tập khí công trước khi thiền. 
Nguyễn Trọng Bình
Lớp Thiền 5

THÔNG BÁO DÃ NGOẠI CỦA THIỀN 3

Thứ 7 ngày 8 tháng 4 năm 2017 tức ngày 12 tháng 3 âm lịch, lớp Thiền 3 tổ chức thiền dã ngoại 01 ngày tại Tây Thiên. Đoàn tập trung tại bể bơi Thái Hà, xe khởi hành vào lúc 05:45 phút sáng, ăn trưa tại chùa, bữa sáng tự túc. 
Xin mời học viên các lớp cùng tham gia và đăng ký theo số của Thày Tiến chủ nhiệm lớp: 0888.100.956 hoặc gọi cho bác Mai theo số: 0904.062.628. 
Lớp thiền 3 xin thông báo!

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

THIỀN 2 THÔNG BÁO!

LOA, LOA, LOA!
LOA, LOA, LOA!
LOA, LOA, LOA!
Chủ nhật, 9/4/2017, lớp Thiền 2 (Hoàng Vân phụ trách) sẽ tổ chức thiền dã ngoại 01 ngày tại chùa Kho - Thiên Bảo Tự, Ba Vì.
Các học viên chú ý: có mặt lúc 5h45', xe ô tô xuất phát lúc 6h00 tại Bể Bơi Thái Hà, số 5, phố Thái Hà, Hà Nội.
Có ăn trưa cơm chay tại chùa.
Trên chùa đã có ghế ngồi sẵn.
Học viên cần trang phục nghiêm chỉnh khi thiền dã ngoại tại đền chùa. Lưu ý khăn, mũ, áo phòng gió lạnh. Mang giầy đế thấp để leo núi. Thuốc chống muỗi.
Học viên lớp Thiền 2 đăng ký theo tổ trên lớp.
Các bác học viên CLB ở các lớp bạn, nếu tham gia xin vui lòng gọi điện báo cho:
Tuấn Nam (lớp trưởng) theo số 0963888836 hoặc Hoàng Vân 0912055072.

Chùa Kho-Thiên Bảo Tự đang xây dựng tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, mời phật tử thập phương phát tâm.
LOA, LOA, LOA.
LOA, LOA, LOA.

Ghi chú
Như đã thống nhất với học viên lớp thiền 2, đối với học viên nào bệnh không thể leo núi được (bệnh tim, chân đau...) thì cần đăng ký cụ thể, ban tổ chức sẽ thuê xe nhỏ có thể lên tới sân Đền Bảo Linh Sơn. Từ Đền lên đến Chùa Thiên Bảo Tự còn một đoạn leo núi nữa thì các học viên này cần cố gắng. 
Các học viên khác quán triệt: leo núi hành thiền.

MỖI NGÀY ĐẾN LỚP MỘT NGÀY VUI!

         Vâng! Lớp Thiền 5 của chúng tôi đã luôn đến lớp với tinh thần như thế. 
         Như thường lệ đầu giờ học, thầy Kim - GVCN lớp phổ biến một số công việc, hoạt động, thông tin của CLB tới các học viên. Sau đó cả lớp được nạp năng lượng với bài thiền do thầy hướng dẫn. 
        Hôm nay đặc biệt hơn thường ngày, sau ca thiền theo nhạc 65 phút. Lớp chúng tôi tổ chức liên hoan chúc mừng các học viên có sinh nhật trong quý 1. 
Mở đầu buổi liên hoan. Thầy Kim nói lời chúc mừng tới các bác có sinh nhật
 Chú Bình thay mặt cả lớp tặng hoa
 Cô Khánh lớp phó với giọng ca ngọt ngào đã hát tặng cả lớp bài: "Điều giản dị".
Bài thơ: "Chiếc chổi tre" được thể hiện qua giọng ngâm đầy cảm xúc của bác Nhài.
Anh Tiến gửi tặng cả lớp bài: "Tình yêu trên dòng sông quan họ" với giọng ca đầy nội lực.
Bác Bảo với bài hát: "Cây trúc xinh".
 Cô Khương cũng góp vui với bài hát: "Tình ca mùa xuân".
 Thầy Kim đã hát tặng cả lớp bài: "Bèo dạt mây trôi".
         Sau mỗi buổi sinh hoạt lớp như thế này chúng tôi vui lắm. Vui vì được nghe lời ca giọng hát của chính thành viên trong lớp, nghe những chia sẻ hữu ích và quan trọng hơn, chúng tôi cảm thấy yêu quý nhau hơn, cả lớp như được gắn kết hơn, vui vẻ hơn. 
        Thật đúng với câu nói của thầy Kim: "Mỗi ngày đến lớp một ngày vui."|
Tin và ảnh: Võ Thị Hương
Lớp Thiền 5

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

NIỀM TIN TRONG THIỀN

       Trong cuộc sống, làm bất cứ việc gì cũng cần có niềm tin, nếu thiếu niềm tin thì làm việc không hiệu quả. Vậy, dựa vào đâu để có niềm tin?
        Trước hết người ta dựa vào thực tiễn, như là kết quả thực nghiệm của bản thân hoặc của nhiều người. Sự lặp lại nhiều lần kết quả giống nhau của một loại hành vi làm cho con người tin vào hoạt động đó. Nhưng niềm tin đó cần được củng cố bằng nhận thức khoa học. Nếu không dễ dẫn đến niềm tin mù quáng (mê tín).
Ảnh: Internet
       Thứ hai, là dựa vào hiểu biết của trí tuệ, trí tuệ con người không có giới hạn. Sự học hỏi là vô cùng tận. Càng học con người càng cảm thấy mình dốt, vì tri thức không có điểm dừng. Đến đây đặt ra vấn đề: Đâu là con đường phát triển trí tuệ? Chúng ta đều hiểu rằng, hiển nhiền là con đường học tập (theo nghĩa rộng của từ này). Tuy nhiên, Đạo Phật chỉ ra còn một con đường lớn hơn để phát triển trí tuệ. Đó là thiền định. Vì sao thiền định lại làm cho trí tuệ phát triển? Chúng ta biết rằng bộ não con người có hàng tỷ nơ ron thần kinh, và có cấu tạo đặc biệt. Mọi hoạt động của con người được điều khiển từ trung tâm thần kinh là não bộ. Và hoạt động của tâm thức gắn liền với hoạt động của não bộ, vừa dựa vào não bộ, vừa có thể độc lập với não bộ. Ví dụ khi chết não, tâm thức con người vẫn còn hoạt động, dù là nhỏ nhiệm (?). Đây là tính chất hai mặt của tâm thức. Vì thế, chúng ta không được xem não bộ là tất cả của tâm thức hay của thiền.
       Khi Thiền, tâm an định, ý thức dừng lắng thì vô thức trỗi dậy, đánh thức tiềm năng tâm linh của con người với bao điều kỳ diệu.
 Ảnh: Internet
         Các nhà khoa học chỉ ra rằng, cho đến nay, con người mới biết sử dụng 5% tế bào não, còn 95% ở dạng tiềm năng đang nằm sâu dưới lớp vỏ não. Não bộ được cấu tạo thành nhiều lớp. Khi thiền, lớp vỏ não giảm bớt hoạt động; khi ý thức dừng lắng (vào định) lớp vỏ não dừng hoạt động, tức thì lớp não sâu hơn trỗi dậy, đánh thức tiềm năng trí tuệ của con người, làm xuất hiện trực giác, tức cái biết trực tiếp, không thông qua các giác quan của con người. Cứ như vậy, càng vào định sâu, các lớp não sâu hơn càng hoạt động mạnh lên, làm cho trí tuệ con người phát triển. Ở mức cao nhất (tứ thiền) con người có lục thông, tức khả năng siêu việt, cái gì cũng biết, kể cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì vậy có thể nói thiền là con đường lớn nhất (không phải là duy nhất) phát triển trí tuệ con người. Điều này lý giải một thực tế là các thiền sư tuy học ít nhưng rất uyên bác về tri thức. Họ có hiểu biết rất sâu sắc về vũ trụ, cả quá khứ, hiện tại và có khả năng dự báo tương lai.
       Vì những lẽ trên, nếu ai không có niềm tin hoặc có tâm nghi hoặc thì không còn nhân duyên với pháp môn tu thiền nữa.
       Tôi biết một vị thiền sư có câu nói rất hay: “Khi ta biết hơi nhiều thì ta trở thành người vô thần. Nhưng khi ta biết nhiều hơn nữa thì ta mất đi ý niệm vô thần” tức là có niềm tin trở lại.
       Mọi người hãy cố gắng tu tập để có hiểu biết về nhiều hơn nữa, để tu thiền hiệu quả, hướng tới tri kiến Phật.
Nguyễn Trọng Bình
Lớp Thiền 5

Thiền dã ngoại tại mộ cụ Trưởng Cần

Thứ sáu 17/3/2017, các lớp Thiền 1, Cơ bản 2 và 3 đi thiền tại mộ cụ Trưởng Cần. Mặc dù trời mưa, gió khá to nhưng vẫn không cản nổi đoàn người "say" thiền. Sau 2 ca thiền sáng đoàn nghỉ ăn trưa. Nồi cháo gà đã giúp cả đoàn thêm ấm lòng để rồi lại thiền tiếp ca 3 vào buổi chiều. Hai lớp Cơ bản 2, Cơ bản 3 cũng đã vượt được các ca thiền kéo dài 1h30, 1h40. Dưới đây là một vài hình ảnh của đoàn.

(Tin và ảnh: chị Trần Thị Hồng)

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Thông báo của Ban Chủ nhiệm

1. Mở lớp mới
CLB DSNL dự kiến mở lớp mới tại 332 Nguyễn Trãi học vào chiều thứ 5 hàng tuần, từ 14h đến 16h30, khai giảng vào trung tuần tháng 4. 
Học viên các lớp có nhu cầu giúp bạn hoặc người thân, đăng ký với Ban Cán sự lớp. Lớp trưởng báo số lượng với thầy Trần Văn Lộc (sđt: 0904141950). Thời hạn đăng ký cuối cùng là ngày 29/3/2017. Các bạn đăng ký lẻ liên hệ với thầy Lộc theo số đt trên.

2. Phát thẻ hội viên mới



Dựa trên danh sách học viên các lớp đóng lệ phí sinh hoạt CLB năm 2017, CLB DSNL sẽ triển khai việc cấp thẻ hội viên cho học viên các lớp Thiền và lớp Cơ Bản. Vậy đề nghị Ban Cán sự các lớp khẩn trương thu lệ phí sinh hoạt CLB năm 2017, chốt danh sách gửi Thu để chuẩn bị việc cấp thẻ. Học viên nộp 2 ảnh chân dung cỡ 2x3 để làm thẻ, lưu ý ghi họ tên và lớp ở sau ảnh. 
Với những học viên trước đây đã từng tham gia CLB, giờ do điều kiện không đến sinh hoạt được thường xuyên, nếu có nguyện vọng tham gia các hoạt động ngoại khóa của CLB, đăng ký làm thẻ và đóng lệ phí sinh hoạt CLB bằng 50% học viên tham gia thường xuyên.
Ban Chủ nhiệm CLB DSNL

Thông báo mở lớp chuyên đề

Ban Huấn luyện CLB DSNL thông báo từ tháng 4/2017, các lớp chuyên đề sẽ tiếp tục mở. 
 Ảnh: Hà An
Chuyên đề "Áp dụng quẻ dịch chữa bệnh" do cô Nguyễn Hoàng Vân phụ trách, khai giảng vào 14h chiều CN (2/4) tại 332 Nguyễn Trãi, sẽ triển khai trong 5 buổi chiều CN: 2/4 - 16/4 - 23/4 bù cho 30/4 (nghỉ lễ) - 7/5 - 28/5 bù cho 21/5 (dã ngoại quý 2) với nội dung cụ thể như sau:
Buổi 1: 
- Giới thiệu về quẻ dịch nói chung. Lịch sử phát triển. 
- Giới thiệu quẻ dịch dùng để chữa bệnh của CLB DSNL. Cấu tạo, thành phần. 
- Giới thiệu quẻ dịch tiện ích. 
- Điều kiện sử dụng quẻ dịch. 
- Giới thiệu, cách sử dụng quẻ MA PHƯƠNG, thực hành. 
Buổi 2: 
- Giới thiệu quẻ dịch đen/trắng. 
- Cách sử dụng các quẻ đen/trắng tiện ích (phần này quan trọng vì có thể áp dụng cho tất cả các quẻ đen/trắng khác nếu biết khám bệnh bằng lắc). 
- Bệnh và vị trí dán quẻ. 
- Thực hành vẽ quẻ MẶT THANG. 
Buổi 3: 
- Thực hành vẽ quẻ và kỉểm tra năng lượng quẻ được vẽ. 
- Thực hành sử dụng quẻ dịch trong chữa bệnh. 
Buổi 4: 
- Quẻ màu, cách sử dụng các quẻ.
- Thực hành. 
Buổi 5: 
- Các quẻ hỗ trợ (quẻ cân, tăng năng lượng, vô tuyến truyền hình, hình tượng tiến hoá, chiếu thiền). 
- Tổng kết. 

Học viên các lớp Thiền và Cơ Bản có nhu cầu đăng ký với Ban Cán sự lớp. Lớp trưởng đăng ký số lượng với Thu trước ngày 1/4/2017. Kinh phí tham gia lớp học 10k/học viên/buổi. 
Mời các thầy cô trong Ban Chủ nhiệm và giáo viên phụ trách các lớp đến dự. 
Ban Huấn luyện CLB DSNL 

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Phác thảo ngày mồng tám tháng ba

                               Ngày mồng tám tháng ba
                              Đường phố  ngập tràn hoa
                              Nắng xuân vương kẽ lá
                              Rộn ràng tiếng chim ca

                                                       Chàng trai lựa hồng đỏ

                                                       Tặng bạn gái thân thương
                                                       Nụ cười em rạng rỡ
                                                       Nhận hoa, lòng vấn vương

                             Kìa, cha con cậu bé 
                            Ôm một bó hoa ly
                           Tối nay về tặng mẹ
                           Hạnh phúc tràn bờ mi

                                                      Cô bé nhảy chân sáo
                                                      Cùng với mẹ đơn thân
                                                      Nâng niu cành thạch thảo
                                                      Sắc hoa níu đôi chân

                          Ông lão chọn lan tím
                          Biểu tượng của thủy chung
                          Cụ bà cười móm mém
                         Ấm áp nghĩa vợ chồng

                                                       Phác thảo sẽ còn tiếp
                                                      Mong các đấng mày râu
                                                      Vẽ thêm nhiều tranh đẹp
                                                      Cho cuộc sống nhiệm màu

                          Ước cho toàn thế giới
                          Luôn ngập tràn hoa tươi
                          Luôn rộn rã tiếng cười
                         Không chỉ - Tháng Ba, Mồng Tám.

                                                                              Hà Nội ngày 8/3/2017
                                                                                   Trịnh Thu Phong
                                                                                      Lớp Thiền 6

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Thông báo


Thứ tư ngày 12/4/2017. Lớp Thiền 6 và Thiền 4 tổ chức đi thiền dã ngoại tại Chùa Bách Môn.
5h45 tập trung tại số 3-5 Thái Hà. 6h xe chạy.
Bữa sáng tự túc, bữa trưa ăn cơm chay tại chùa. 4h30 lên xe về Hà Nội.
Thân mời học viên các lớp cùng tham gia!
Liên hệ đăng kí: 
Đặng Chúc: 0902 955 795 (Lớp trưởng Thiền 6)
Nguyễn Loan: 093 2255811 (Lớp trưởng Thiền 4)
Hạn đăng kí đến ngày 5/4/2017.
Trân trọng!

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

VỀ THIỀN Ở SÓC SƠN

Một ngày mùa xuân của tháng Giêng Đinh Dậu, lớp Thiền 2 do cô Hoàng Vân làm chủ nhiệm cùng các học viên của lớp bạn trong CLB thiền Lửa Tam Muội đi dã ngoại ở Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội – nơi thầy chủ nhiệm cùng các thầy cô giáo đã tìm hiểu và liên hệ.
Buổi sáng một ngày xuân nắng vàng rực rỡ, sương chưa tan, sương còn ướt đẫm lối mòn lên đồi thông xanh mướt. Cảnh sắc nơi đây còn đơn sơ vắng vẻ, rất thích hợp với pháp môn thiền của CLB. Nhạc thiền đã đưa tâm hồn ta vào cõi mênh mông. Ta định được tốt hơn, ta quên đi bao nỗi nhọc nhằn, mệt mỏi. Ta có thầy cô và các bạn đồng môn xung quanh trợ giúp về tinh thần, càng thêm tin tưởng và yêu cuộc sống này hơn.
Vui hơn nữa là chủ nhà đã nhiệt tình giúp đỡ từ bữa xôi sáng đến bữa cơm chay buổi trưa rất thịnh soạn, ngon lành.
Buổi chiều về có chút trục trặc về xe muộn giờ, song đã xác định được đó là lẽ vô thường nên không buồn lâu.
Sóc Sơn, một sáng xuân đầy nắng
Hải đường hoa đỏ thắm màu son
Thông rì rào gọi gió lên non
Lòng hồ hởi về thiền nơi xóm vắng
Cỏ cây lối mòn sương ướt đẫm
Khế ngọt dịu lòng ai cũng mến thương
Lá thông khô trải êm lối ven đường
Bữa cơm chay dồi dào nội lực
Ước hẹn ngày sau ta lại về xóm vắng
Lại được thiền như buổi sáng xuân qua.
Tháng Giêng Đinh Dậu.
Nguyễn Thị Cải
Học viên lớp Thiền 2 CLB DSNL

Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Thiền 6 sinh nhật quí 1 và mừng ngày 8/3

Hôm nay 8/3/2017, sau ca thiền Lửa Tam Muội 81'. Lớp Thiền 6 tổ chức liên hoan 2 trong 1. Mừng ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3 và sinh nhật cho học viên trong quí 1.
                         Cùng hát bài "Chúc mừng sinh nhật" và thổi nến.
Mỗi dịp như thế này, cả lớp lại được thưởng thức những tiết mục thơ ca đặc sắc cây nhà lá vườn, dịp "khai quật" những tài năng tiềm ẩn, là dịp các thành viên gắn bó và hiểu nhau hơn, đặc biệt là được vui cười như trẻ lại.
            Bác Phạm Việt Sơn thay mặt các bác nam chúc mừng ngày 8/3

Bác Đào Trọng Tuấn thay mặt các bác nam tặng quà cô giáo và các bác gái trong lớp.

                         Cô giáo chủ nhiệm chúc mừng sinh nhật và 8/3.
                     Thơ của bác Nguyễn Văn Ngọ lúc nào tràn đầy tình cảm.
                        Bác Phạm Văn Vang có giọng ngâm thơ rất truyền cảm.
Cô giáo dạy Toán - Trịnh Thu Phong, biên đạo múa tài ba của Thiền 6, sau 40 năm lại  làm thơ và bài thơ thật tuyệt vời.
     Bác Nguyễn Đình Tiến - Giọng ca lúc nào cũng tràn đầy năng lượng.
Bác Nga: "Tôi đi học thiền từ năm 2012, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được mừng sinh nhật. Cảm động lắm. Cho nên hôm nay kể cả mưa bão hay lụt tôi cũng đến lớp."
                              Song ca 'Tình ca Tây Bắc"
                               Cùng hát vang bài: "Nối vòng tay lớn".
                Bác Nguyến Thị Kim Tùng với lời tâm sự của ngày 8/3 bằng thơ.

                               Cùng đọc tập san CLB.
                                                       

Những nụ cười hoan hỷ.
Buổi liên hoan kết thúc trong sự lưu luyến, đoàn kết và gắn bó với bài hát; "Lớp chúng mình rất rất vui..."
Cám ơn các bác nam đã chu đáo tặng quà cho các chị em nhân ngày 8/3!                                      
Cám ơn bác Nguyễn Minh Quang đã làm duyên cho cả lớp Thiền 6 với chùm ảnh đẹp rất tươi vui cùng bài "Gặp mẹ trong mơ" thật sâu lắng và xúc động !
Xem toàn bộ ảnh Tại Đây