Trang

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

VẬN DỤNG HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG CỦA KINH DỊCH ĐỂ GIẢI THÍCH CƠ CHẾ KHÍ LỰC CỦA THIỀN

Trong kho tàng văn hóa phương Đông, Kinh dịch là bộ điển lâu đời nhất, là tổng kết trí tuệ của người xưa. Kinh dịch bàn về lý, tượng, số, chiêm; nhưng thực chất là vận dụng nguyên lý “một chia làm hai”, với cặp phạm trù đối lập và thống nhất của phép duy vật biện chứng để nói về quy luật biến hóa, phát triển của vạn vật trong vũ trụ. Các nhà khoa học đã tổng kết: Kinh dịch là nguồn gốc chân lý của vũ trụ; là học vấn về sinh mệnh, là giá trị của mọi giá trị. 
Quan điểm cơ bản của kinh dịch là: Dịch có thái cực; thái cực sinh lưỡng nghi; lưỡng nghi sinh tứ tượng; tứ tượng sinh bát quái; bát quái định cát hung, cát hung sinh đại nghiệp. 
Âm dương là tư tưởng triết học cơ bản của Kinh dịch; mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ không ngừng vận động, biến hóa dưới sự tác động tương sinh, tương khắc của âm dương ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). 
Về nguyên lý phân biệt âm dương: Theo quan hệ thời gian thì dương trước, âm sau, theo quan hệ không gian thì dương thượng, âm hạ. Bên ngoài là dương, bên trong là âm, bên trên là dương, bên dưới là âm. 
Bây giờ ta thử vận dụng học thuyết âm dương vào giải thích cơ chế khí lực của thiền. 
Chúng ta quan niệm, âm là phần khuất kín trong cơ thể; dương là phần phô bầy ra bên ngoài, phần dương là phần chúng ta trực tiếp sử dụng, phần âm là gốc rễ sâu kín bên trong. Để cho một thực thể tồn tại và phát triển bình thường thì phải cân bằng âm dương, tức là phần dương phải tương xứng với phần âm. Nếu dương lớn hơn âm thì cơ cấu đó có nguy cơ suy thoái, không tồn tại được. Do đó chúng ta phải luôn củng cố phần âm (phần gốc) của cuộc sống, của cơ thể, của công việc. 
Theo hệ thống khí lực của cơ thể thì hoạt động của tâm thức ở trên đầu, là phần cực dương; Đối lập với phần đầu là 2 bàn tay, 2 bên chân, là phần cực âm. Nếu trong đời sống sử dụng đầu óc quá nhiều hoặc khi tu thiền mà để ý trên đầu nhiều quá thì trong cơ thể phần dương sẽ lấn át phần âm, và có nguy cơ suy thoái, tức bệnh tật. 
Trong thực tế, nếu ai có 2 tay, 2 chân mạnh khỏe, vững chắc thì người đó có tinh thần mạnh mẽ và ngược lại. Nên việc luyện tập cho đôi tay, đôi chân mạnh khỏe là vô cùng quan trọng.Vì tay chân là phần cực âm của cơ thể (nên đi bộ, leo núi, tập các môn điền kinh). 
Cũng vì khi tập thiền ta hay để ý đến trên đầu nhiều (thiên về dương) nên các thầy trong chùa khuyên nên đi kinh hành sau khi thiền để cân bằng âm dương cho cơ thể. 
Phần bụng dưới cơ thể, từ Đan Điền đến huyệt Hội Âm (1) và huyệt Trường Cường (2) là phần chân âm cực kỳ quan trọng của tinh thần và sức khỏe. Nếu có chân âm khỏe mạnh, vững chắc thì con người luôn kiên định, khoan khoái; Nếu để chân âm suy yếu thì sức khỏe èo uột, dễ dao động. Với người tu thiền, việc luyện tập bộ phận bụng dưới là ưu tiên hàng đầu. Vì nếu không có chân âm mạnh thì không nhiếp tâm vào định được. Cách tốt nhất là hàng ngày tập khí công để củng cố chân âm cơ thể. Ngoài ra, khi thiền nên thường xuyên để tâm nơi bụng dưới (đan điền) và 2 tay, 2 chân cũng giúp củng cố chân âm cơ thể. 
Tu thiền là phải kiểm soát tâm. Nhưng nếu chỉ để ý trên đầu với mục đích kiểm soát tâm thì âm lực sẽ mất dần, đến lúc nào đó âm lực không còn nữa thì bệnh thần kinh xuất hiện, vì khí lực bốc hết lên đầu làm mất cân bằng âm dương trong cơ thể. 
Trong khi thiền ta phải chia tâm xuống dưới, biết nhẹ nhàng phía dưới. Khi tâm vào định, vẫn phải tiếp tục thấy rõ toàn thân, không được bỏ thân. Nếu chỉ biết trên đầu, lực sẽ bốc cuồn cuộn lên trên, gây bệnh thần kinh, rất nguy hiểm. Chân âm là khí lực tiềm tàng của phần âm bên dưới cơ thể, chân âm sung mãn thì não bộ bền vững và tu thiền tăng tiến. Vì vậy, ta phải chú ý bảo vệ chân âm cơ thể bằng cách; 
1. Không hoạt động đầu óc thái quá, thường xuyên giải tỏa stress; 
2. Không dục lạc, khoái lạc quá mức; 
3. Không dùng thực phẩm có nhiều chất kích thích, các hóa chất trong thực phẩm công nghiệp; 
4. Không lạm dụng các hóa dược như thuốc giảm đau, an thần, là những thứ có hại cho âm cơ thể; 
5. Hàng ngày luyện tập khí công trước khi thiền. 
Nguyễn Trọng Bình
Lớp Thiền 5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.