Trang

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Côn Sơn - đi một ngày đàng

1. Tấm lòng thiện nguyện 
         Trước khi về nhà điều dưỡng Côn Sơn, đoàn chúng tôi dừng chân tại đền Sinh - Hoá, một quần thể di tích thờ Thánh Phi Bồng. Tôi đã được nghe về quần thể di tích này nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đến tận nơi. Thầy Chủ nhiệm đã tổ chức cho chúng tôi thực hiện một cữ thiền tại đây. Sau những ngày mưa liên tục, khoảng sân chúng tôi tập trung ngồi thiền khá ẩm và nhiều thành viên, trong đó có tôi, với nỗi ám ảnh về dịch sốt xuất huyết lại Hà Nôi, lo ngại sẽ có nhiều muỗi. Tuy thế, với niềm tin vào năng lực và kinh nghiệm của Thầy Chủ nhiệm, các thành viên của đoàn vẫn thu xếp cho mình một chỗ ngồi thiền thuận tiện nhất. Với mong muốn thu được nguồn năng lượng sạch, tôi đã cố gắng tập trung thiền và cữ thiền trôi qua nhanh hơn tôi nghĩ. Điều ngạc nhiên là tôi đã không bị nốt muỗi đốt nào.
         Sau ca thiền, Thầy Chủ nhiệm và đại diện Ban Quản lý di tích có vài lời ngắn về nguyện vọng của Ban Quản lý di tích mong muốn kêu gọi công đức để hoàn thành giá để chuông. Thật khác với những lần vận động quyên góp tại khối phố mà tôi đã từng chứng kiến, không một lời phàn nàn, không có gợi ý nào về mức đóng góp, người nhiều, người ít, với tấm lòng thơm thảo, đoàn chúng tôi đã đóng góp cung tiến gần 11 triệu đồng. Hy vọng, với tấm lòng thiện nguyện, sự đóng góp không nhiều của đoàn chúng tôi nhưng sẽ là hữu ích, giúp tiếng chuông của ngôi đền với những sự tích linh thiêng thêm rền, thềm vang, mang lại thịnh vượng, thanh bình cho người dân Việt.

2. Ca thiền sớm 
         Đây là lần đầu tiên tôi tham gia hoạt động thiền dã ngoại trong hai ngày. Vì vậy, tôi có phần e ngại khi nghe phổ biến ca thiền đầu tiên của ngày hôm sau sẽ bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng trong tiết trời thu ở vùng non nước Côn Sơn.
         Đêm đó tôi ngủ chập chờn, phần vì lạ, phần vì háo hức có chút tò mò về một ca thiền sớm như vậy ở ngoài trời. Sớm hôm sau, tôi thức giấc từ 4.30, hé cửa nhìn ra ngoài, thấy màn sương mờ khói vẫn giăng trên mặt hồ. Tôi ra khỏi phòng, xách theo đồ ngồi thiền. Tới sân, đã thấy nhiều bác và anh chị em đã ổn định chỗ ngồi thiền. Thấy tôi có vẻ ngơ ngác, chị Cúc gọi và chỉ cho tôi chỗ có thể ngồi thiền gần chị. (Hồi còn học ở Hoa Bằng, chị Cúc đã từng là lớp phó lớp tôi. Tính chị nhanh nhẹn, tháo vát và luôn ân cần như một người chị gái với tôi). Ổn định chỗ ngồi thiền, tôi không nén được tò mò, nhìn xung quanh: khoảng sân được chiếu sáng bởi ánh sáng từ cột đèn cao vẫn còn thấy hơi sương bảng lảng, các thành viên tham gia thiền ngồi rải rác từng nhóm nhỏ, nhiều bóng áo đồng phục màu ghi nhạt, vài bóng áo nâu khiến tôi có cảm giác như đang xem cảnh quay của một bộ phim cổ trang. Rồi tiếng nhạc thiền vang lên. Chúng tôi đã bắt đầu một ca thiền sớm như thế.

3. Đẹp 
         Các cô giáo của CLB đều mặc đồng phục màu ghi nhạt khi thiền, nhưng khi sinh hoạt văn nghệ buổi tối thì trang phục của các cô rất nhiều màu sắc. Thường quen nhìn cô giáo Mai trên lớp trong bộ đồng phục thiền, tôi ngỡ ngàng thấy cô rực rỡ trong bộ váy hoa thật nữ tính, vừa cầm míc hát và mềm mại bước lăm tơi.
         Trong CLB có nhiều bác thành viên cao tuổi, nhưng tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống thì không khác gì lứa thanh niên. Lớp tôi đợt này có bác Mai và bác Trúc tham gia dã ngoại. Lúc các cô giáo say sưa biểu diễn thì bác Trúc, mà tôi thường đùa bác là ca sỹ 57 tuổi tóc bạc sớm (Bác đã 75 tuổi, tóc bạc trắng. Hôm sinh nhật lớp tôi, bác xung phong biểu diễn bài "Nha trang mùa thu lại về" rất tự tin), cũng say sưa hát cùng. Bác còn ghé tai thì thầm với tôi: những bài hát này lâu rồi mà sao vẫn thấy hay thế. Buổi sáng, khi anh Quang cầm máy ảnh đi qua và được chúng tôi nhờ chụp ảnh, bác Mai cũng đang có mặt ở đó. Bác Mai rất tự tin tạo dáng để chụp ảnh. Khi có ai đó nói bác tạo một tư thế mới để chụp ảnh, bác cười rất tự nhiên: không, chụp nghiêng thôi, chụp thẳng thấy mũi to, xấu lắm. Và bác tự tin đứng ở tư thế "ăn ảnh" để chụp thêm vài kiểu ảnh. Bác Trúc, khi được hướng dẫn pose, bác rất cố gắng đứng chéo chân, vắt tay, hay đưa ánh mắt nhìn xa xăm như một mẫu ảnh chuyên nghiệp.Tôi ngưỡng mộ tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống của các bác.

4. Bác và chị 
         Lần đầu tiên tham gia hoạt động dã ngoại của CLB tôi đã ấn tượng về anh "nhiếp ảnh gia" Quang vì cái máy ảnh to đùng anh luôn mang bên mình. Có lần ngồi cạnh anh trên xe ô tô tôi nghe anh hào hứng khoe với cả xe là anh đã có cháu và tôi ngạc nhiên thấy anh có vẻ quá trẻ nếu đã được làm ông. Một lần vào trang của CLB, tôi đọc được đoạn chat giữa anh và cô giáo Đoàn Thu: hai người nói chuyện có liên quan đến tôi và anh gọi tôi là "bác" (haiza), được cô Đoàn Thu nhắc khéo: bác ấy bằng tuổi cậu đấy, anh ấy để cái icon mặt cười. Tôi đã hy vọng NAG sẽ không quá tự tin vào sự trẻ hơn tuổi của mình để tiếp tục gọi tôi là "bác". Thế mà hôm đứng cạnh em Chúc, gặp tôi trong một sự kiện khác, anh cười rất hồ hởi, nói thẳng trước mặt tôi: bác này trông quen quá. Ôi giời ạ, sao mà lại đầu óc nghệ sỹ thế cơ chứ, chả nhớ cái gì cả. Tôi cố nén để không cất câu "Chào bác" với anh. Em Chúc nhẹ nhàng: "Đây là chị Hiền, cũng tham gia thiền." Anh: "À, à", nhưng nhìn vẻ mặt anh thì tôi tin anh chẳng à nhớ ra ai đâu. Không biết là em Chúc nhắc thì anh ấy nhớ hơn hay sao ấy, gặp lại anh ở Côn Sơn, anh hướng dẫn tôi cách pose chụp ảnh rất tự nhiên: "Chị Hiền phải nhìn ghé ra rất hào hứng thế này này." Ui giời ơi, may quá, mình không bị gọi là "bác" nữa rồi. May nữa là nhờ có tay máy của anh mà tôi lại có được kiểu ảnh đẹp đến ngỡ ngàng. Cảm ơn NAG Nguyễn Minh Quang về những tấm ảnh thật đẹp.

5. Cảm ơn 
         Buổi tối liên hoan văn nghệ, cô Vân có nói: xin cảm ơn, cảm ơn Thầy Chủ nhiệm, cảm ơn tất cả, chúng ta cảm ơn chúng ta để có được hoạt động của ngày hôm nay.
          Tôi chia sẻ ý kiến của cô Vân.
       Xin cảm ơn tất cả đã cho tôi có được "một ngày đàng" tới Côn Sơn để ngộ ra nhiều điều vui, tin yêu cuộc sống.


P.s: ảnh bác Mai rất tự tin tạo dáng và ảnh quá đẹp của NAG Nguyễn Minh Quang.
Phạm Thanh Hiền
Lớp Thiền 8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.