Phạm Kim Sơn
Lớp Thiền 1
Tôi vốn là người ngu lâu khó bảo. Tôi tập cái gì cũng rất lâu. Khí công Bùi Long Thành 2 liệu trình mới đắc khí. Tâm năng dưỡng sinh Nguyễn Văn Chiều hàng năm vẫn chưa nhập. Rung động thư giãn với năng lượng cảm xạ và Thập chỉ liên tâm của Dư Quang Châu cũng vậy.
Khi tôi nhận thấy môn phái thiền Dưỡng sinh Năng lượng của Thầy Tổ Dasira Narada là phương pháp thiền tích cực, tôi hy vọng sẽ nhanh chóng nhập môn. Song không như tôi nghĩ. Từ tháng 4 năm 2008 đến tháng 6 năm 2010, hơn 2 năm theo Thầy, theo bạn đến lớp thiền, về nhà thiền. Mặc dù một số bệnh thông thường đã hết hoặc giảm bớt, những vết sạo chằng chịt trong họng do amidan mưng mủ vỡ ra hơn 2 chục năm trước nay mềm mại trơn tru trở lại. Hết đau răng, hết chảy máu chân răng, các bệnh đường tiêu hóa, đường tiết niệu thuyên giảm 1 phần. Nhưng mọi người đều nói thiền xong thì đầu óc tươi tỉnh, thân thể khỏe khoắn dễ chịu. Riêng tôi không thấy được điều đó, mặc dù nhiều lần được Thày Hùng, Thầy Thường hỗ trợ mở luân xa, thông kinh mạch, uốn nắn tư thế ngồi cũng không mấy kết quả.
Nhân việc gia đình phải chuyển chỗ ở và bận các cháu nhỏ nên tôi nghỉ đến lớp 4 năm. Mãi đến tháng 12 năm 2014 tôi lại xin Thầy Chủ nhiệm tiếp tục đến lớp Thiền và quyết tâm làm lại từ đầu. Ba tháng đầu thiền vẫn không cải thiện. Cuối tháng 3 năm 2015, sau 1 lần cô giáo Lệ phát hiện tôi bị bế tắc ở chân và đả thông cho tôi. Sau buổi đó tôi thiền tốt hơn và chất lượng thiền được cải thiện từ đó.
Chưa hết kiếp nạn. Suốt 5 năm thiền tôi có tật gù lưng. Mặc dù rất cố gắng sửa, các thày cô giáo lần nào cũng nhắc, nhưng phải sửa thế nào thì tôi không biết. May thay lần dã ngoại tháng 8 vừa qua, tôi được ông Dương (lớp Thiền 1) bầy cách và chỉnh sửa thế ngồi, bụng, ngực, vai, cổ và đầu để luân xa 1, lưng, cổ, Bách Hội thẳng hàng. Tôi áp dụng trong 3 buổi thiền sau đó thấy có kết quả. Vui mừng giải tỏa được vướng mắc, hàng ngày, mọi lúc, mọi nơi, tôi đều tập ưỡn ngực, căng vai, thu cằm, kể cả lúc đứng suy nghĩ, lúc ngồi viết, ngồi đọc. Đặc biệt tôi phát hiện động tác gập cánh tay đưa lên ngang vai căng về phái sau và giật xuống rất tốt cho lưu thông máu phổi, cắt cơn ho do gập người, cúi lâu 1 tư thế.
Tóm lại, tất cả những điều tôi kể ra đây đã khẳng định một chân lý: Làm việc gì muốn thành công phải có niềm tin, có nghị lực, kiên trì và khổ luyện. Thực ra nói thì dễ nhưng làm thì không dễ.
Đi học thiền thì thiền là trên hết, là trung tâm, nhưng thiền chưa phải là tất cả. Chúng ta nên tận hưởng kho báu kiến thức của nhân loại, vận dụng làm cho hiệu quả thiền tăng lên. Thí dụ: ăn uống theo thực dưỡng, thể dục, thể thao, khí công yoga, khiêu vũ, xoa bóp, bấm huyệt, niệm tượng số,... Biết chắt lọc những nội dung phù hợp với hoàn cảnh và đặc điểm của từng người chắc chắn sẽ có lợi ích không nhỏ.
Hiện nay hàng ngày tôi dành 3 giờ cho sức khỏe. Thiền 60 đến 90 phút. Xoa bóp và tập Suối nguồn tươi trẻ (năm thức Tây Tạng) 40 đến 45 phút. Đi bộ và bây giờ là chạy chậm 30 đến 40 phút. Nếu đã đi bộ lâu năm rồi thì nên chạy chậm. Tôi cảm nhận chạy chậm 1 vòng bằng đi bộ 3 vòng.
Tôi đã ăn cơm gạo lứt thêm kê, hạt sen, 5 ngày trong tuần. Còn 2 ngày nghỉ con cháu về thì ăn cùng cơm trắng cho vui. Không phải là kiêng mà tự nhiên bây giờ không ham thịt cá mà thích ăn rau và muối vừng hơn.
Tôi không có lúc nào rảnh rỗi. Việc nhà, đọc sách, đọc báo mạng (trước kia đọc báo in). Tìm hiểu về sức khỏe, bệnh tật và thuốc nam. Ai cần gì tôi sẵn sàng giúp. Cố gắng để thân thể, đầu óc không trì trệ, nhưng không được quá khích, cố gắng tự tại.
Mấy điều bộc bạch thực tế cuộc sống của tôi, chia sẻ cùng mọi người. Nếu có điều gì chưa phải xin các thầy cô và đồng môn già trẻ lượng thứ bỏ qua.
Hà Nội, ngày 10/10/2017
Phạm Kim Sơn
Học viên lớp Thiền 1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.