Nguyễn Hoàng Vân
Trưởng Tiển ban Văn nghệ
Giáo viên phụ trách Thiền 2
Có đến vài ngày rồi mà dư âm của buổi biểu diễn văn nghệ vẫn còn nóng hôi hổi, cứ như là vừa diễn ra vậy. Vẫn ngắm ảnh mãi không chán, vẫn thấy hiển hiện trước mắt từng động tác, vẫn thấy ngần ấy gương mặt yêu thương, hân hoan xen chút hồi hộp, lo lắng.
Mặc dù biết trước buổi biểu diễn này 2 tháng có lẻ, có thời gian không phải là ít để tập trung lực lượng để tập tành… nhưng khi diễn vẫn thấy bồn chồn, hồi hộp lắm.
Những tiết mục đơn ca, song ca đều là của các diễn viên chuyên nghiệp rồi, khỏi lo. Anh Cường Hưng, chị Kim Dung, anh Tiến, anh Mạnh Tài đều là những diễn viên đơn ca nổi tiếng, giọng hay miễn chê, kinh nghiệm sân khấu đầy mình rồi cho nên cứ vô tư mà yên tâm. Chỉ còn lại những tiết mục phải huy động đông người thì lo, thực sự là lo. Hàng tuần phải tập trung để tập, phân ra từng buổi dành cho mỗi tiết mục. Màn hát múa “Việt Nam - quê hương tôi” (đạo diễn Quang Thế) thì chia tập múa riêng và tập hát riêng, sau đó mới lắp ráp. Mà địa điểm 332 Nguyễn Trãi thì buổi nào cũng có lớp học, có mỗi chiều thứ ba là còn trống, để dành cho múa nón, còn các tiết mục khác là tập vào sau buổi học và tối.
Chưa cần đến dự các buổi tập múa, nhưng chỉ cần nhìn đội hình múa nón của tiết mục “Việt Nam - quê hương tôi” thôi, ngần ấy diễn viên với các chiều cao, cân nặng khác nhau, rồi bệnh nặng/nhẹ khác nhau thì đủ thấy khó khăn tới mức nào. Cô giáo múa chỉnh từng đội hình cho hợp với dàn diễn viên đa hình thể, chỉnh từng động tác cho hợp với khả năng của bệnh nhân, phải nói là cả một sự cố gắng từ nhiều phía. Có ai để ý thấy có diễn viên ngồi xuống rồi lúc đứng lên bị ngã quay ra không? Có ai để ý thấy có diễn viên phải chống tay vào đùi rồi mới đứng dậy được không? Thế mà khi diễn, diễn viên của ta vẫn duyên dáng, tươi cười, đúng với câu “hai hào chè tươi” mà Hoàng Vân vẫn nhắc, không ai có thể tưởng được họ đều là bệnh nhân và họ đã vượt qua được chính mình. Nhìn ai cũng đẹp, cũng long lanh. Viết đến đây, thực sự Hoàng Vân thổn thức, nước mắt dâng lên mi vì cảm động trước sự cố gắng của các diễn viên nhà mình. Một sự cố gắng không hề nhỏ. Đạo diễn Quang Thế đã dốc công dốc sức cùng bạn là cô giáo Hoa dạy múa làm nên thành công của tiết mục này. Câu nói: “Không thầy đố mày làm nên” quá đúng với trường hợp này đây.
Tiết mục nữa Hoàng Vân muốn kể cả nhà nghe một chút đó là tiết mục Xẩm “Giăng sáng vườn chè”. Cũng vậy, diễn viên cũng là những bệnh nhân đứng lên ngồi xuống không dễ dàng gì. Hoàng Vân dựng lại vở đó vì thấy tiếc bài xẩm hay quá mà đã từng diễn với câu chuyện khác hẳn. Qua thời gian xem đi xem lại các clip mà khắp nơi đã diễn, Hoàng Vân quyết định dựng lại theo như hoạt cảnh mà cả nhà vừa thưởng thức, trên tinh thần “dễ làm, khó bỏ”. Một tiết mục khó đối với các diễn viên chưa diễn lần nào, hát thì quên diễn, mà diễn thì quên hát. Lần diễn vừa rồi cũng là một lần tập dượt cho các diễn viên nhà mình để biết cần rút kinh nghiệm chỗ nào.
Ý tưởng là của Hoàng Vân, nhưng diễn sao cho ra đúng chất thì đó là công của tập thể. Mặc trang phục gì cho hợp? Họp chợ sao cho ai nhìn thấy đều hiểu rằng đó là góc chợ quê? Cô giáo Lưu Mai Phương bỗng dưng hoá mẹ chồng, đó cũng là ý tưởng của chị. Chị ra sân khấu đong đưa với cái thúng rõ to trên đầu, ăn trầu, vuốt miệng chùi mép… cũng là ý tưởng của chị. Hoàng Vân bảo: "Chị ơi, em muốn có cảnh vợ chồng cùng nhau ngồi học thi, có cảnh chợ quê, có ông già mù kéo nhị…với mắt hoạ sỹ chị giúp em nhé." Cứ góp công, góp sức vào mỗi lúc, mỗi lúc…, tiết mục cứ dần dần hình thành. Mà các diễn viên của tiết mục này chăm tập lắm, họ cũng lo lắm, góp sức vào thành công của tiết mục còn là của mấy ông xã nữa, tối chở vợ đi tập, ngồi chờ rồi chở vợ về. Vợ đi tập quên trang phục ở nhà lại “A lô! chồng ơi!”, thế là chồng tức tốc mang tới cho vợ.
Chợ quê bán gì mua gì, các chị cũng nghĩ chán ra đấy. Sau vài hồi bàn đi tán lại, ngoài buổi tập cũng có, trên trang “chát nhóm” cũng có và các chị quyết định mang quả thật lên sân khấu, diễn xong chia quà cho mọi người. Viết đến đây Hoàng Vân lại ngồi thổn thức một mình. Vừa thương, vừa yêu, vừa nể phục, vừa biết ơn…
Tiết mục chốt chương trình buổi Liên hoan là màn diễn xướng vở hầu đồng “Cô Bé Thượng Ngàn”. Đây là màn múa hoằng dương đạo Mẫu. Các diễn viên cũng tập không mệt mỏi, bền bỉ, chăm chỉ. Tiết mục này đã được công diễn, lần diễn này có bổ sung thêm diễn viên để cho hợp với sân khấu lớn hơn sân khấu đã diễn. Điều đáng nói là dù có mệt mỏi, dù đi đêm về hôm nhưng ai cũng vui cũng khoẻ. Phải chăng đã được “Mẫu thương, Tổ đãi”. Trông thế thôi, nhưng để ráp lại thành một tiết mục hoàn chỉnh, đồng đều về động tác… cũng phải chia ra tập sao cho hợp lý với thời gian thực có của mỗi người. Diễn viên trẻ thì đang đi làm cả, nên chỉ có thể tập vào tối, và sau buổi học chiều thứ bảy. Thanh Hà vai cô Bé chỉ có thể rỗi từ sau 9h30 tối vì còn bận dậy học không thể đùn được cho ai, cho nên các phân cảnh không có vai cô Bé là phải hoàn thành thật tốt, khi ráp vào thì chỉ “chạy” vài lần là xong.
Kể thêm một chút để cả nhà thấy được sự cố gắng đáng nể của các diễn viên nhà mình. Ráp nhạc, tập với micro phải chia làm 2 buổi. Buổi sáng thật đông đủ và hân hoan hào hứng cho tiết mục mở màn “Việt Nam - quê hương tôi”, song ca “Gặp nhau giữa rừng mơ” và đơn ca "Đỉnh núi Lê Nin" của anh Hưng. Buổi tối dành cho Xẩm, diễn múa Cô Bé, và hát văn "Tình mẹ" của anh Tài, thì chao ôi, mưa, mưa sầm sập, mưa không ngừng, ngập tắc hết các ngả đường. Hà Nội biến thành sông. Hoàng Vân lòng như lửa đốt. Làm sao bây giờ? Và thật sự không biết nói gì hơn ngoài sự chỉ biết lặng im và im lặng. Diễn viên vẫn đến ướt rượt, mang theo quần áo để thay. Khi Hoàng Vân đến muộn một chút do đi làm về tắc nghẹt đường thì đã thấy chị Yến và chị Bích (diễn viên của Xẩm) đã ngồi chờ sẵn, ướt lướt thướt, chân đi đất, trời thì tối đen, chưa bật điện, mắt mờ còn chưa nhận ra là ai, còn thoáng chút giật mình. Trời đất ơi. Còn nói gì được hơn nữa. Đêm đó cả đội làm việc tới hơn 1h sáng nhưng ai cũng hoan hỷ, cười đấy mà thấy được sự thấm mệt. Không ai kêu ca một lời. Không viết tiếp nữa đâu, sẽ khóc mất thôi vì tinh thần của những người bệnh/diễn viên hết lòng vì tập thể, vì CLB DSNL.
Đêm trước hôm diễn mọi người vẫn còn tập, còn thu dọn đồ, sắp xếp đạo cụ để hôm sau diễn không bị thiếu chi tiết nhỏ nào. Ôi những con người đáng yêu, đáng quý, đáng khâm phục. Cô đội trưởng đội múa nón Đặng Chúc còn bị tai nạn ngã xe cơ, mà cũng chỉ thì thầm thông báo thôi, còn vẫn múa dẻo, tươi như hoa, tay thoăn thoắt rót chè thảo mộc tự tay cô làm để mời mọi người. Anh chàng Minh Quang - phó nháy kiêm diễn viên chính và diễn viên đóng thế các vai thật là nhiệt tình (nhiệt tình chẳng cho ai vượt), chân thì tập tễnh mà có mặt hầu hết các buổi tập, rồi còn đưa tin ảnh, viết bài ngay tắp lự, nóng hổi…
Thế thôi, để bạn đọc khỏi kêu dài. Nếu để kể thì còn nhiều nhiều các mẩu chuyện cảm động nữa. Hãy cùng nhau cám ơn các anh/chị/em/cháu đã góp phần làm nên những tiết mục hay cho buổi diễn vừa qua, và trong cả tương lại gần/xa nữa nhé. Cám ơn lắm sự quan tâm của BCN CLB DSNL. Cám ơn đạo diễn/diễn viên/nhạc công Bùi Quang Thế. Quang Thế có biết rằng trong buổi biểu diễn có người hát bài “Tổ quốc gọi tên mình”, ai ai trong CLB DSNL cũng bảo nhau: "Chẳng hay bằng Thế". Nhưng cái người tên là Thế ấy cứ phải ôm khư khư cái bàn hoà âm, chẳng đứng lên được mà diễn, cũng còn may an ủi ghé được vài kiểu ảnh.
Chúng ta cùng nói to để cám ơn nhau: “CÁM ƠN!”.
Cám ơn cả nhà đã đọc bài dài mà chưa kể hết của Hoàng Vân.
16/8/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.