Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẾT VỌNG TƯỞNG TRONG KHI THIỀN?

Nguyễn Trọng Bình
Lớp Thiền 5
 Lớp Thiền 5 dã ngoại thiền tại mộ cụ Trưởng Cần tháng 4 năm 2018
     Ai tu tập thiền định cũng đều biết rằng kỹ thuật thiền có ba bước quan trọng là Điều thân, Điều tâm và Điều hơi thở. Mục đích của Điều thân là giữ thân bất động nhưng cơ thể vẫn mềm mại. Thân và Tâm có mối liên hệ với nhau rất chặt chẽ. Mọi cử chỉ, hành động của Thân đều do tâm thức điều khiển. Vì vậy, muốn Tâm an tĩnh trước hết phải giữ Thân bất động một cách tự nhiên, không gồng cứng, không gò ép. Khi đó thân bất động nhưng vẫn mềm mại. Quá trình ngồi Thiền phải luôn luôn biết rõ toàn thân, tức là phải kiểm soát được sự bất động của mọi bộ phận của cơ thể một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Điều thân như thế một cách thuần thục, rồi tiếp đến là Điều tâm.
     Mục đích của Điều tâm là giữ cho tâm tỉnh giác thanh tịnh, không sao lãng, không để vọng tưởng chi phối làm cho tâm phiền loạn.
     Điều khó nhất trong dụng công điều tâm là kiểm soát được vọng tưởng, tức là kiểm soát các suy nghĩ miên man trong khi Thiền. Muốn kiểm soát được vọng tưởng tâm ta phải thường xuyên tỉnh giác. Mà muốn tâm tỉnh giác thì phải biết rõ toàn thân trong trạng thái bất động và mềm mại. Tiếp đến ta phải tách cái biết ra khỏi cái suy nghĩ, tức là tách tâm ra làm hai hợp phần: Cái biết và cái suy nghĩ. Chính cái suy nghĩ tạo ra vọng tưởng trong khi Thiền. Do đó phải dùng cái Biết của tâm để kiểm soát vọng tưởng (tức kiểm soát suy nghĩ). Khi tâm tỉnh giác, mỗi khi vọng tưởng nổi lên là tâm ta biết ngay. Ta dừng nó lại bằng cách không cung cấp năng lượng cho nó hoạt động, tự khắc vọng tưởng tắt liền.
     Hãy hình dung như sau: Khi tâm ta thường xuyên tỉnh giác thì vọng tưởng vừa khởi lên, lập tức cái tỉnh giác của nội tâm nhìn thấy rõ cái vọng tưởng (cái suy nghĩ miên man) chỉ là đối tượng ta không mong muốn, nên tâm ta không chú ý theo vọng tưởng, không chạy theo vọng tưởng, không chìm trong vọng tưởng, không trôi miên man, lang thang theo vọng tưởng và như thế vọng tưởng mất đi sức mạnh vì không được cung cấp năng lượng, không thể tương tác kéo dài, đành phải tắt sớm. Rồi một vọng tưởng lại nổi lên, lại bị sức tỉnh giác biết rõ và lại phải tắt dừng.
     Trong chánh niệm tỉnh giác, các Biết của tâm luôn luôn biết rõ các suy nghĩ để kiểm soát vọng tưởng.
     Cuối cùng, là Điều hơi thở. Hơi thở là phương tiện trụ tâm trong giai đoạn cuối cùng của kỹ thuật Thiền định (Chánh định).
     Sau thời gian an trụ chánh niệm tỉnh giác, sức mạnh của công phu Điều thân tiếp tục tăng trưởng, làm cho cái tỉnh giác, cái bất sáng rõ hơn trước rất nhiều. Đến lúc này vọng tưởng dường như không còn khởi và hơi thở hiện ra. Tự nhiên, ta biết rõ hơi thở từng chút một. Biết rõ hơi thở vào, biết rõ hơi thở ra.
     Trong khi thở vẫn cảm giác biết rõ toàn thân, đồng thời biết rõ từng hơi thở, làm tăng sức mạnh tinh thần để nhiếp tâm vào định “Càng biết rõ hơi thở chừng nào thì tâm càng đi sâu vào định chừng ấy”. Cứ kiên nhẫn, sau một thời gian biết rõ hơi thở một cách rõ ràng, tự nhiên sức tỉnh giác tăng dần, cảm thấy sảng khoái, dễ chịu, tâm yên lắng rõ ràng theo từng hơi thở. Cứ giữ hơi thở như thế mà tiến tu và luôn nhớ không để mất hơi thở.
     Chỉ là biết rõ toàn thân và biết rõ hơi thở thì tự động vọng tưởng không khởi. Đây là bí quyết tu thiền. Tức là cùng lúc vừa Điều thân, vừa Điều tâm, vừa Điều hơi thở. Khoa học tâm thần đã xác nhận khi thần kinh thở trong trạng thái tập trung hưng phấn thì các vùng thần kinh khác đi vào trạng thái yên nghỉ. Tức là lúc đó tâm an định, tỉnh giác rỗng rang, sáng suốt, lòng thanh thản, nhẹ nhàng và không còn vọng tưởng.
Hà Nội, tháng 10 năm 2015

1 nhận xét:

  1. Bài Thu xếp lịch đăng đã lâu không hiểu vì lý do gì chưa đăng. Thành thật xin lỗi tác giả.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.