Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019

DU THIỀN ĐẦU XUÂN

Đặng Thanh Chúc
Lớp Thiền 6

     Ngày 27/2/2019 tôi lại có duyên trở lại Chùa Địch Lộng - Cổ Am Tự cùng lớp Thiền 6, Thiền 12 và Thiền 8. Tôi háo hức lắm, mong ngóng lắm!
Tôi đã đến đây trong chuyến du xuân cùng CLB cách đây ba năm, đi du xuân lễ Phật, vãn cảnh nên thời gian đoàn lưu lại chùa rất ít, chỉ vừa đủ thiền một cữ ngắn và nghỉ trưa. Do vậy tôi vẫn ước ao lại được hòa mình vào không gian và cảnh vật ở đây.




     Chuyến đi lần này cũng thật thuận lợi lắm. Buổi sớm khi khởi hành trời bay bay mưa xuân, nhưng khi đến nơi đã ráo trời có vẻ hửng nắng nhẹ. Bây giờ đi Ninh Bình có đường cao tốc nên thời gian đi đường cũng được rút ngắn lại so với chuyến đi lần trước. Chưa đầy hai giờ sau đoàn đã tới sân chùa. Khung cảnh Chùa bây giờ cũng được tôn tạo khang trang hơn, lối vào Chùa bây giờ đã được đổ bê tông rộng rãi, không còn là con đường rải đá mấp mô như trước.



     Vườn chùa, sân chùa cũng được mở rộng hơn có những hàng cây mới được trồng, phía trước ngôi đình đá cổ với những cột đá xanh nguyên khối chạm rồng cuốn thờ Lý Quốc Sư, được xây dựng lầu chuông hai tẩng tám mái cong với kiến trúc phần lớn bằng gỗ và những cột lớn bằng đá được chạm khắc tinh xảo.


     Cổng Tam quan cũng mới được xây dựng lại cao rộng như luôn sẵn sàng rộng cửa đón Phật tử thập phương về lễ Phật. Ngôi Chùa Hạ thì vẫn vậy, ung dung tự tại tựa lưng vào vách núi vững chắc như nhiều năm nay.


     Sau khi vào lễ Phật, đoàn chúng tôi may mắn được nhà chùa tạo điều kiện cho ngồi thiền trong điện Tam Bảo. Thật rất ít khi đến chùa thiền mà đoàn lại được thiền trong chính điện như vậy, hôm nay là thứ tư giữa tuần vắng khách thập phương nên không gian chùa rất yên tĩnh, thuận lợi cho chúng tôi tọa thiền. Cả đoàn ổn định trang nghiêm vào ca thiền đầu tiên trong ngày dưới sự hướng dẫn của thầy Chuyền về văn hóa khi đi chùa lễ Phật, khi thiền và khi kết thúc bài thiền trong chính điện.


     Sau đó cả đoàn trật tự và trang nghiêm nhập thiền nương theo lời giảng pháp từ đài của cô Hồng. Tôi cũng nhanh chóng nương theo lời pháp và nhạc Chú Đại Bi mà định tâm, cảm thấy nhẹ nhõm và thư thái vô cùng trong không gian yên tĩnh khoáng đạt thoảng hương trầm trong đại điện, khiến thời gian 90' của cữ thiền trôi qua thật nhanh, khi thầy Chuyền nhắc nhẹ cả lớp xả thiền tôi vẫn muốn nấn ná thêm vài phút nữa. Sau đó cả đoàn trật tự ra ngoài sân chùa nhẹ nhàng xả thiền.


     Theo lịch trình thì sau ca thiền toàn đoàn sẽ đi vãn cảnh chùa, lên thăm quan và lễ Chùa Thượng trong động lớn trên núi.


     Lối lên Chùa Thượng đi qua vườn Lâm Tỳ Ni với những tượng bằng đá trắng, mẫu hậu Ma Gia đản sinh Đức Phật dưới cội bồ đề và những đóa sen nở sau mỗi bước chân của ngài đi qua. Cảnh đẹp của khu vườn chùa khiến các cô bác trong đoàn dừng bước để chụp những kiểu ảnh kỉ niệm.


     Tôi đi tiếp qua vườn tượng Phật có những tượng Đức Phật Thích Ca và mười đệ tử xuất chúng đứng đầu tăng đoàn của ngài, tất cả đều được tạc bằng đá xanh nguyên khối và được đặt an vị quanh khu vườn tưởng chừng như đang trong một buổi thuyết pháp của Đức Thích Ca. Dưới ánh nắng nhẹ xuyên qua tán lá khu vườn dường như lung linh hơn, kì diệu hơn.
     Chắp tay lễ Phật, tôi cùng các bác qua khu vườn, men theo lối bậc đá cao và hẹp để lên Chùa Thượng trên động lớn. Các bậc đá hẹp và gần như dựng đứng như một thử thách các phật tử lòng nhất tâm hướng Phật.


     Vượt 150 bậc đá chúng tôi cũng lên tới cửa chùa, hướng ngước nhìn vòm động cao rộng lớn, trên có các nhũ đá hình thù muôn hình vạn trạng mang các ý nghĩa về Phật pháp, trên vòm hang vẫn còn đó chuông cổ nặng gần 1 tấn được đúc từ thời nhà Nguyễn, đi vào trong sẽ thấy hai phiến đá lớn hình hai con voi trấn trước cửa chùa, rồi mãnh hổ chầu về Tây Phương, những pho tượng cổ được tạc bằng đá xanh nguyên khối trong Ban Tam Bảo, rồi giếng ngọc phía trước cửa Tam Bảo, nghe truyền rằng dùng nước giếng ngọc này chữa được bách bệch.


     Lần này đến đây tôi được ngắm kĩ hơn cảnh đẹp trong động chùa, những hình nhũ đá nhỏ xuống tạo thành các hình thù kì thú, những cột nhũ đá rồng cuốn như được thiên nhiên chạm trổ tinh vi, rồi lại có nhũ đá trồi lên như bầu sữa mẹ, lại có nhũ đá như kim quy đang chầu, nền hang bằng phẳng nên rất dễ đi vào trong qua vùng hang tối, dần lên tới vùng hang sáng có hai hướng đi tới hai cổng trời, ánh nắng từ cổng trời rọi xuống nền hang lung linh trên từng các nhũ đá, đi lên cổng trời đứng trên đón luồng gió mát thổi vào hang thật khoan khoái vô cùng, nghe tiếng gió trong vòm hang như tiếng sáo vi vu.


     Một nhóm cô trò nảy ý đề xuất lên đây thiền ca chiều sau bữa cơm trưa. Bữa trưa của cả đoàn là cơm nắm muối vừng và một số món thanh đạm được chuẩn bị trước từ nhà mang đi.


     Cả đoàn được ngồi ăn trên tràng kỷ ở nhà Tổ, một sự ưu ái thứ hai của nhà chùa dành cho đoàn thiền.


     Một số bác Thiền 12 thì trải chiếu quây quần ngoài vườn chùa.


     Một số bác thì lại tìm cho mình chỗ ngồi yên tĩnh ở bàn đá dưới tán cây trong sân chùa. Bữa ăn đơn giản nhưng ngon miệng, hoan hỷ và đầm ấm tình đồng môn. Buổi chiều đoàn chia thành hai nhóm. Một nhóm lên thiền trên Chùa Thượng trong động và một nhóm thiền tại Chùa Hạ trong điện Tam Bảo như buổi sáng. Tôi theo nhóm nhỏ lên thiền trên Chùa Thượng. Thiền trong động cảm giác lạ lắm, tôi thấy người nóng lên rất nhanh, tâm trí bay bổng khoáng đạt, không gian tĩnh mịch, đâu đó chỉ có tiếng gió len lỏi vào trong động vi vu, mùi của đất của đá ngái nồng, cứ thế thời gian của cữ thiền trôi qua thật nhanh khiến bước chân trở xuống núi cứ nấn ná nuối tiếc. Khi trở xuống sân chùa ánh nắng chiều cùng ngả dần, các bác dưới chùa cũng đang thong thả ra sân xả thiền.


     Một số bác xả thiền xong đang cùng các vãi chấp tác tại chùa quét lá, chùa nhiều cây nên lá rụng nhiều lắm.


     Ấn tượng trong chuyến đi nữa là bài tập vận động toàn thân của thầy Chuyền sau khi xả thiền tại sân sau của chùa. Bài tập tác động toàn bộ các khớp và các đường kinh lạc của cơ thể. Bài tập dài đến 30' mà thầy Chuyền nhớ bài thế, hướng dẫn tỉ mỉ từng chuyển động nhỏ và kết hợp hơi thở. Các bác chăm chú quan sát và hăng say tập theo, cũng nóng người và vã mồ hôi đấy ạ. Hôm nay là một ngày thật dài với thật nhiều lợi lạc. Đi lễ Phật, được thiền, được vãn cảnh đẹp, được tập luyện thể chất, được rèn luyện cả thân lẫn tâm. Một ngày thật vui và bổ ích! Trời đã xế chiều, cả đoàn chào từ biệt và cám ơn nhà chùa. Hòa thượng mong đoàn có điều kiện lại trở lại đây tu tập. Chúng con cũng mong muốn được như thế! A Di Đà Phật! Cám ơn nhà chùa rất nhiều!


     Đường về dường như càng ngắn hơn khi thầy Chuyền khởi động phong trào văn nghệ trên xe bằng cách chơi trò chuyền chai trà cho từng người để chọn ca sĩ. Ban đầu các ca sĩ còn thẹn thùng, cứ thế, cứ chuyền chai và không khí văn nghệ trên xe lên cao trào lúc nào không hay, rồi thì không cần chuyền chai chọn người nữa mà các cây văn nghệ cứ thế xung phong lên góp vui.


     Nào thơ, nào chuyện vui, nào quan họ, nào nhạc trữ tình rồi cả nhạc chế, rồi các bài hát đi từ Nam ra Bắc, rồi lên núi cao lại xuống đồng bằng đi ra biển cứ thế tiếp nối không ngừng. Những tràng cười vui sảng khoái, những tràng vỗ tay tán thưởng rồi xe cập bến 332 Nguyễn Trãi lúc nào không biết. Xuống xe còn quyến luyến và lại hẹn nhau những chuyến dã ngoại lần sau! Cám ơn các thầy cô trong CLB đã cùng đồng hành dẫn dắt đoàn một ngày tu thiền tinh tấn! Cám ơn Ban cán sự các lớp Thiền 6, Thiền 12, Thiền 8 đã cùng lo chu đáo mọi việc cho ngày thiền dã ngoại được trọn vẹn. Cám ơn các bác đã cùng nhau một ngày hành thiền thành tựu viên mãn. Cám ơn bác nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Quang đã ghi lại những khoảnh khắc đẹp của cả đoàn thiền ngày đầu xuân!
Ảnh minh họa; Nguyễn Minh Quang và tổng hợp từ một số học viên trong đoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.