Nguyễn Thị Nga
Học viên lớp Thiền 6
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của công chức nhà nước, tôi đã có duyên đến với thiền ở CLB DSNL thuộc chi hội quốc tế Ngữ Esperanto Hà Nội.
1, Vì sao tôi lại chọn CLB thiền DSNL
Khi nghỉ hưu tôi đã tìm một số CLB để nâng cao sức khỏe như:
- CLB cầu lông của Bộ Tư lệnh Lăng Bác, Cống Vị, Ba Đình
- CLB pháp luân công tập ở hồ Thủ Lệ
- Tập thể dục buổi sáng với Hội người cao tuổi ở địa phương tại trường Thực nghiệm, Ba Đình
Tuy nhiên, để nâng cao sức khỏe cho bản thân, tôi thấy có nhiều điểm chưa phù hợp. Bởi vậy, khi được người bạn giới thiệu, tôi đã đến dự khai giảng lớp mới của CLB DSNL ở cơ sở 2, số 4 ngõ 100 Trần Duy Hưng, Hà Nội.
Trước khi dự khai giảng, tôi nghĩ có lẽ mình không học được, vì thiền ngồi một chỗ quá khó, trong khi tôi là chân chạy đây đó, chưa bao giờ ngồi một chỗ được lâu. Và tôi cũng chưa tin thiền dùng hơi thở mà chữa được bệnh, nhưng vì tò mò tôi vẫn đến để biết mọi người học thiền thế nào.
Đó là một ngày đẹp trời tháng 7 năm 2012, đông đủ các thầy cô trong Ban Chủ nhiệm CLB tới dự. Các thầy cô nói rõ mục đích, nội dung phương pháp thiền và mở luân xa cho cả lớp. Quên sao được các anh, chị tập luyện ở các lớp trước đã qua khỏi bệnh nan y như bà Thoa, thầy Nghĩa, bà Ngà, v.v... Đó là những con người thật luyện tập Thiền tại CLB, vượt qua bệnh tật có cuộc sống khỏe mạnh. Những bằng chứng sống này làm cho mọi người ngạc nhiên.
Tôi nhớ mãi lời Thầy Chủ nhiệm CLB giảng vì sao ta nên luyện tập thiền. Do sự biến đổi khí hậu ngày một khắc nghiệt, môi trường sống ngày càng độc hại, thực phẩm, thức ăn bị nhiễm nhiều loại hóa chất, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, không khí ô nhiễm ngày một tăng, các loại vi khuẩn, virus ngày càng thâm nhập vào môi trường sống, đó là những tác nhân gây bệnh cho con người. Những tác nhân này chỉ chiếm 10%, còn 90% là những nguyên nhân từ bên trong con người, do lao động, ăn uống các loại thực phẩm bẩn, v.v... Trong một thời gian dài, nguồn năng lượng sạch trong cơ thể bị thiếu hụt, các tế bào không đủ dưỡng chất làm mất cân bằng dẫn đến bệnh tật. Muốn cho cơ thể khỏe mạnh cần phải có đủ năng lượng sạch. Thiền DSNL chính là thu năng lượng sạch của vũ trụ vào cơ thể và đào thải các chất độc hại cặn bã ra ngoài, giúp cơ thể cân bằng âm dương, làm cho các tế bào yếu trở thành tế bào khỏe - khi đó bệnh tật sẽ được đẩy lùi, con người khỏe mạnh lên. Bởi vậy, bài Thiền Quân bình âm dương được tập ngay trong buổi hôm đó.
Qua buổi khai giảng tôi đã ngộ ra được vì sao thiền DSNL lại chữa được bệnh. Trong cơ thể con người có tới 365 huyệt vị nằm rải rác trên 12 đường kinh và 2 mạch Nhâm - Đốc. Khi các kinh mạch lưu thông cơ thể sẽ khỏe mạnh, sống vui vẻ, cân bằng. Nếu các bộ phận trong cơ thể không đủ năng lượng, mạch tắc nghẽn, khí huyết sẽ ứ trệ, không lưu thông, dẫn đến ốm đau bệnh tật, mệt mỏi là điều không tránh khỏi.
2, Cách thực hành luyện tập thiền
Khi mới học thiền tôi thấy ngồi thiền rất khó, đau chân, mỏi gối, tâm trạng rong ruổi, bồn chồn, lo lắng không yên. Vì bệnh tật của tôi nhiều nhất ở hai đầu gối do đau khớp nên tôi ngồi kiết già chưa đúng cách, đã xảy ra hai sự cố ở lớp học, may các thầy, cô kịp thời phát hiện và trợ giúp.
Trong hơn 6 năm tập thiền, dù ở lớp hay ở nhà tôi đều ngồi kiết già (dáng hoa sen). Tôi nghĩ cách ngồi này sẽ làm cho bản thân tốt hơn vì tác dụng vào huyệt Tam âm giao. Huyện này bố mẹ đã ban tặng cho tôi từ bé, giờ đây đi thiền mới sử dụng. Mỗi khi tập tôi ngồi từ 70 đến 120 phút hoặc lâu hơn. Thời gian đầu đi học tôi tập ngày 2 ca, lúc đau ốm cũng không bỏ thiền, lúc bận quá ban ngày thì ban đêm phải tập bù. Tôi không cho phép bản thân lười nhác, sợ khổ, sợ đau chân, mỏi cổ. Tôi nghĩ mình tập thiền đều đặn, có sức khỏe tốt là con cháu đỡ khổ vì mình, khỏi phải trợ giúp mình khi ốm đau.
Trong những năm gần đây, trong khi ngồi thiền, tôi đã dần định được tâm, không còn tâm trạng rong ruổi, bồn chồn, lo lắng. Tôi thở đúng cách, ngồi thiền với tâm trạng thoải mái, ít suy nghĩ, không tính toán, không cầu mong điều gì sẽ đến, hay mong sao cho có nhiều năng lượng thu được vào cơ thể, không căng thẳng, thả lỏng toàn thân, điều hòa hơi thở nhẹ nhàng, sâu, lâu và bền. Cuối các bài thiền tôi cảm nhận được cơ thể mình tĩnh lặng, nhẹ nhàng, thoải mái, dễ chịu hơn.
3, Các kết quả thu được qua luyện tập thiền
Do các lợi ích của Thiền đối với sức khỏe như hỗ trợ, tái tạo các tế bào, trẻ hóa não bộ, tăng cường thải độc, giảm stress, kiểm soát cảm xúc và công việc hàng ngày, tôi đã thu được những kết quả sau:
- Giấc ngủ ngon và sâu hơn. Trước đây tôi ngủ chập chờn, mỗi tối phải thức dậy 2-3 lần. Giờ đây hầu như không dậy ban đêm nữa - ngủ một mạch tới sáng, được từ 5 tiếng rưỡi đến 6 tiếng.
- Kiểm soát được tính nóng giận. Do tôi tính nóng, hay tức giận với chồng, con. Nhờ thiền thường xuyên nên tôi đã kiềm chế được tính này.
- Ổn định huyết áp. Trước đây huyết áp của tôi thất thường, khi lên, khi xuống. Nay ổn định hoàn toàn.
- Khỏi bệnh rối loạn hô hấp. Hiện nay rất ít khi tôi bị cảm cúm hay viêm họng.
- Khả năng miễn dịch tốt hơn. Bản thân tôi bị u tuyến giáp từ trước, nhờ thiền mà u tuyến giáp hiện nay không phát triển nữa, nhỏ dần.
- Sống vui vẻ, lạc quan, biết buông bỏ, biết khắc phục những mặt yếu kém của bản thân.
- Tăng lòng từ bi, yêu thương, quan hệ thân thiện với các thầy, cô giáo và các bạn đồng môn.
Thông qua thiền tôi đã rút ra những bài học bổ ích trong quá trình luyện cả thân lẫn tâm, giúp vượt qua những cám dỗ, những khổ đau, mất mát mà trước đây chưa đi thiền không thể nào bỏ được. Nhờ luyện tập thiền tôi đã có được sức khỏe dồi dào để sống vui, sống khỏe, sống có ích đối với gia đình, cộng đồng và xã hội.
Có được những kết quả trong việc luyện thiền trên đây là do có sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo trong CLB DSNL, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm lớp Thiền 6, cùng với sự động viên của các bạn đồng môn. Điều quan trọng hơn là do bản thân đã cố gắng rất nhiều, có lòng tin cao độ, tự giác, chăm chỉ luyện tập hàng ngày. Hiện nay với tôi, thiền là lẽ sống, là niềm vui, nhất là lúc về già. Tôi sẽ cố gắng tập luyện chăm chỉ hơn nữa để không phụ lòng các thầy cô và bạn bè.
Trên đây là những suy nghĩ tâm huyết trong quá trình tập thiền mà tôi không bao giờ quên.
Hà Nội, 15 tháng 9 năm 2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.