Phạm Duy Khiêm
Học viên lớp Thiền 1
Tôi trước đây còn ở tuổi trung niên đã mang trong mình rất nhiều bệnh, như đau dạ dày, trĩ, tim mạch và rối loạn tiền đình.
Với bệnh đau dạ dày, nó đau liên miên, có những đêm mùa đông quấn chăn ngồi tựa tường suốt đêm không ngủ, không ăn được, người rất mệt mỏi. Khi đó tôi đã dùng các loại thuốc để chữa, tuy có đỡ nhưng mỗi năm vẫn bị ba, bốn lần đau lại, mỗi lần cũng phải vài tuần.
Với bệnh trĩ, thường xuyên đi ngoài ra máu và đã có hiện tượng lòi dom. Bệnh này bị mất nhiều máu, mệt mỏi và rất khó chịu. Tôi có dùng thuốc điều trị nhưng vẫn không khỏi hẳn.
Với bệnh tiền đình, đã bắt đầu chóng mặt, đi đứng loạng choạng, bệnh này cũng rất nguy hiểm, nhất là lúc đi xe máy. Với bệnh này, tôi dùng các bài tập thể dục để điều trị, nó cũng đỡ, nhưng không dứt điểm.
Đặc biệt nguy hiểm là bệnh tim mạch, nó gây ra hậu quả nghiêm trọng không biết lúc nào. Trước đây tim của tôi yếu, mỗi khi đứng lên, ngồi xuống là mắt cứ tối sầm lại, tim thường xuyên đập nhanh, từ 80 đến 90 nhịp/phút, có lúc lên trên 90 nhịp/phút. Đột xuất có đêm lên trên 100 nhịp/phút, lúc đó phải ngồi dậy, lo lắng không biết hậu quả sẽ ra sao. Vì vậy mỗi năm phải uống thuốc dưỡng tim một đợt khoảng 20 đến 25 ngày, nếu không sẽ rất lôi thôi cho cả năm đó. Huyết áp tăng cao và phải dùng thuốc hạ huyết áp hàng ngày và kéo dài năm nọ sang năm kia.
Với một cơ thể mang nhiều bệnh như vậy thì thật là khổ sở và ít niềm vui.
Cơ may đã đến với tôi để tôi có cơ hội xua đuổi các bệnh tật ra khỏi cơ thể, đó là tôi đã gặp được CLB DSNL do Thầy Phạm Mạnh Thường sáng lập.
Ngày ấy, tôi có người anh họ tên là Phạm Kim Sơn (hiện đang là học viên của lớp Thiền 1), rủ tôi đến với thiền. Một ngày cuối tháng 2/2009, tôi theo anh đến lớp thiền ở 84 Bùi Xương Trạch để tham quan lớp và quan sát hoạt động thiền của lớp. Sau đó anh dẫn tôi đến gặp Thầy Thường để nghe Thầy giảng giải về kỹ thuật thiền và tác dụng của nó đối với cơ thể con người. Tôi nghe hấp dẫn quá và xin Thầy được nhập lớp. Thầy vui vẻ tiếp nhận. Ngày 1/3/2009, tôi bất đầu thiền.
Lúc đầu còn lúng túng lắm, ngồi thiền nhưng cảm thấy năng lượng không vào. Vài tháng sau, với sự cố gắng của bản thân và sự hỗ trợ của Thầy, tôi đã có thành công bước đầu: Các luân xa đã mở, hoạt động đều và đã thu năng lượng, cơ thể đã bắt đầu tích lũy năng lượng. Ngày ấy học viên còn ít nên Thầy thường xuyên kiểm tra sự tích lũy năng lượng của mỗi người. Qua kiểm tra thấy rằng sự tích lũy của tôi hơi chậm. Vì vậy lại phải cố gắng. Tôi có vài ưu thế nhỏ giúp cho việc cố gắng có kết quả, đó là tôi theo Đạo Phật nên thỉnh thoảng vẫn ngồi tĩnh tâm niệm Phật. Thứ hai là trước đây tôi giảng dậy môn sinh lý động vật, tức là nghiên cứu về cấu tạo và hoạt động của 8 bộ máy trong cơ thể. Những kiến thức ấy nó bổ trợ cho kỹ thuật thiền rất tốt. Nhờ đó mà kỹ thuật thiền của tôi ngày một hoàn chỉnh, năng lượng tích lũy ngày càng cao. Khi đã tích lũy được kha khá, tôi bắt đầu dùng năng lượng đó để chữa bệnh. Tôi chữa bệnh bằng cách quán tưởng điều động năng lượng đến nơi đang bệnh để giải tỏa căn bệnh, đào thải chúng ra khỏi cơ thể và dùng năng lượng để tái tạo, bù đắp những khiếm khuyết làm cho bộ phận đó trở lại bình thường. Tôi dùng phương pháp chữa bệnh này ở cuối thời gian ngồi thiền, trước lúc xả thiền 10 phút. Muốn chữa được bệnh phải thật kiên trì. Không thể tính ngày, tính tháng mà phải tính năm và nhiều năm, phải tự mình là chính, ít nhờ sự hỗ trợ từ bên ngoài (trừ trường hợp đặc biệt mới nhờ đến thầy, cô và bạn thiền hỗ trợ). Ngoài bài thiền Lửa Tam Muội ra, muốn chữa những căn bệnh trọng điểm, tôi dùng bài thiền Vượt Khó và Rũ Sạch Bụi Trần để tập trung cao độ vào căn bệnh đó để chữa nhanh hơn.
Kết quả chữa bệnh
Sau 5-6 năm kiên trì thiền và chữa bệnh, đến nay đã thu được kết quả khả quan:
+ Về bệnh đau dạ dày: Khỏi trên 90%, rất dễ chịu và sung sướng.
+ Bệnh trĩ: Khỏi hẳn.
+ Bệnh tiền đình: Khỏi hẳn.
+ Bệnh tim mạch: Chuyển biến thật là kỳ diệu, nhịp tim thường xuyên ở 60 đến 65 nhịp/phút và rất êm đềm, không đập nhanh và loạn nhịp như trước. Huyết áp ổn định ở mức 130/80. Đã 6 đến 7 năm nay không phải uống thuốc dưỡng tim, đã 4 năm nay không phải dùng thuốc hạ huyết áp. Cuộc sống trở nên bình yên, khỏe mạnh, vui vẻ và yêu đời.
Vài điều chia sẻ về kỹ thuật thiền
Theo kinh nghiệm của bản thân, muốn thiền có hiệu quả thì nên chú ý một số vấn đề sau đây:
- Khi thiền phải thật thoải mái, thấy mình như đang bay bổng, không tê mỏi, không đau nhức, không bức bối. Nếu để những hiện tượng này xẩy ra thì lúc đó thiền sẽ không có kết quả mà còn làm giảm kết quả của quá trình thiền trước đó.
- Vì vậy những người không ngồi được lâu do tuổi cao hoặc bệnh tật như đau xương khớp, đau thần kinh tọa… thì không nên cố ngồi dài mà nên ngồi ngắn, vừa với sức của mình và ngồi nhiều lần trong ngày. Nhưng cũng không nên ngắn qua, tối thiểu cũng phải 90 phút/lần.
- Nên chọn thời điểm ngồi thiền thích hợp, để khi ngồi thiền không bị bất cứ điều kiện ngoại cảnh nào chi phối. Theo kinh nghiệm của bản thân thì ngồi tốt nhất vào thời điểm từ 4 giờ đến 5 giờ 30 phút sáng. Khoảng thời gian đó, không bị quấy rầy bởi bất cứ tác động ngoại cảnh nào. Vì vậy mà khi đi du lịch trong nước hay ngoài nước, tôi vẫn thiền đều. Hơn nữa lúc đó đã ngủ đủ giấc, thiền rất sảng khoái, không bị ngủ gật.
- Giai đoạn đầu của buổi thiền, phải tập trung cao độ vào lời hướng dẫn trong máy để đạt hiệu quả cao của việc vần luân xa và thu năng lượng.
- Khó khăn nhất là thời điểm tâm không vô thức, thời gian này khá dài, khoảng trên 40 phút, lúc này trong máy chỉ có nhạc chứ không có lời, bởi vậy chỉ cần lơ đãng một giây là bao ý nghĩ chợt đến, chợt đi, không còn tâm không vô thức nữa. Để khắc phục điểm này, tôi thường quán tưởng đang ngồi trên đỉnh Fansipan, nóc nhà Đông Dương, dưới chân tượng đài Đức Phật A Di Đà, hoặc trên đỉnh núi Yên Tử, bên cạnh chùa Đồng, có tượng thờ Đức Phật Thích Ca và tượng thờ Trúc Lâm Tam Tổ, hoặc trên đỉnh núi Rồng ngoài đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận, dưới chân tượng đài Đức Phật Bà Quan Âm, trông ra đại dương mênh mông sóng vỗ và cố gắng khai thác luồng ánh sáng vàng từ xa chiếu thẳng vào luân xa 6. Làm được điều này là rất tốt. Trong hơn 40 phút tâm không vô thức, cố gắng được khoảng 20 phút là tốt rồi. Tóm lại càng tập trung được nhiều khi thiền thì kết quả thiền càng cao.
Thật không thể nghĩ rằng khi còn ở tuổi trung niên thì cơ thể mang nhiều bệnh, đến tuổi về già cơ thể lại hết bệnh. Điều kỳ diệu ấy chẳng phải do thiền mà có sao?
Nhân đây tôi xin kính cẩn tri ân Đức Thầy tổ Dasira Narada đã thường xuyên trợ duyên cho tôi để tôi ngồi thiền thành công. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Thầy Chủ nhiệm CLB Phạm Mạnh Thường và cô giáo Thanh Lệ, chủ nhiệm lớp Thiền 1, đã giúp đỡ tôi để tôi có kết quả như ngày nay.
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập CLB, tôi xin chúc CLB ngày càng phát triển. Kính chúc Thầy Chủ nhiệm CLB mạnh khỏe, sống lâu.
Trên đây là vài điều tâm sự chia sẻ cùng bạn thiền. Có điều gì thất thố làm bạn thiền không hài lòng, mong quý vị thông cảm và đại xá cho, tôi xin trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, tháng 4/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.