Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

CÁCH VƯỢT QUA ĐAU ĐỚN KHI NGỒI THIỀN

Trần Văn Nghĩa
Giáo viên phụ trách lớp Thiền 4
Ai cũng vậy, khi ngồi thiền sẽ xuất hiện mệt mỏi, đau đớn. người tập luyện lâu năm thì sự mệt mỏi đau đớn sẽ lâu xuất hiện, thậm chí cả buổi thiền cũng không còn cảm giác mệt mỏi, đau đớn, tê dại chân tay, ngứa ngáy khó chịu như kiến bò, muỗi đốt.

Khi thấy đau mỏi, khó chịu, lập tức ta thay đổi tư thế ngồi thiền, cái đau lập tức biến mất. Nhưng cảm giác dễ chịu không kéo dài được lâu, cảm giác đau đớn khó chịu lại xuất hiện… và cứ như vậy ta cứ phải chạy theo cái đòi hỏi bản năng của thân mà đau đớn khó chịu không hề chấm dứt. Cả buổi thiền luôn bị cái đau hành hạ liên tục làm ta không ngồi yên để thiền được. Ngoài các cảm giác đau đớn ở chỗ này, chỗ kia, còn cảm giác ngứa ngáy, khó chịu như kiến bò, muỗi đốt, buộc ta phải xoa, gãi. Dễ chịu được một lúc lại xuất hiện. Liên tục như vậy, ta cũng không thể ngồi thiền được.

Tâm lý lúc này chỉ mong ca thiền chóng kết thúc, không thể tập trung ngồi thiền được.

Khi ngồi thiền, gặp các sự cố trên, có người có thái độ chống đối quyết liệt với sự đau đớn, khó chịu. kiên quyết không thay đổi tư thế hay gãi vào chỗ ngứa mà khởi ý nghĩ: bao nhiêu người yếu hơn mình, già hơn mình, họ ngồi được, thì ta cũng ngồi được. Làm như vậy cũng có lúc ta đã có thể vượt qua được nhưng đa phần là đau đớn, khó chịu ngày càng trầm trọng hơn, tới mức không chịu đựng được. Thiên nhiên có quy luật tác dụng tương hỗ, anh tác động lên đối tác một lực bao nhiêu, thì ngược lại, anh sẽ phải nhận một lực tác động trở lại tương xứng. Anh chống lại cái đau thì anh càng bị đau. Cách này cũng không ổn đâu. Vậy có cách nào vượt qua nỗi đau, khó chịu một cách nhẹ nhàng không? Có đấy! tôi đã xử trí thế này. 

Cách thứ nhất: Khi một cơ quan nào đó trong cơ thể có cảm giác khó chịu, ta không vội vã thay đổi tư thế hay gãi vào chỗ ngứa mà cần khởi suy nghĩ: Đau đớn, khó chịu, ngứa ngáy, báo cho ta biết ta đã chạm đến cửa ngõ tinh hoa của thiền. Đến cửa ngõ thì hãy mạnh dạn bước vào cửa thiền để thực sự thấy những điều thâm sâu vi diệu của thiền. Khởi tâm hoan hỉ, không quá một phút cái đau sẽ tan biến

Cách thứ hai: Nếu khởi tâm hoan hỉ không được ta có cách thứ hai là: Thả lỏng toàn thân, nhất là nơi bị khó chịu (đau mỏi); không được gồng lên căng cứng cơ bắp, đồng thời khởi nghĩ “ta đang đạt đến tinh hoa của thiền”. Cùng lúc này, hãy nhận biết chỗ đau đớn khó chịu, nhận biết cái đau, cái tê dại là bản năng sinh lý của con người; nó là tín hiệu nhắc nhở tâm ta cần nhanh chóng xử trí. Nếu ngay lập tức ta chuyển tư thế để được dễ chịu, thế là thân đang điều tâm. Tâm cứ chạy theo đòi hỏi của thân, như thế sẽ không thể nhất tâm cho thiền được. Phải tỉnh táo nhận biết đau mỏi chỉ là cảnh báo, không nguy hại đến tính mạng (sinh tử) của bản thân. Như thế đau mỏi sẽ dần qua đi.

Cách thứ ba: Cách thứ hai vẫn không được, đau mỏi càng tăng, ta cần trải tâm từ, yêu thương, vuốt ve, chăm sóc, hiền dịu, từ ái với nơi bị đau mỏi. Cảm ơn vì nơi đó đã phát ra tín hiệu, nhắc ta biết ta đã cham đến cửa ngõ tinh hoa của thiền. Cơn đau mỏi sẽ dịu dần lúc nào không biết.

Cách thứ tư: Ba cách trên vẫn chưa hết đau mỏi khó chịu; ta khởi tâm nghĩ rằng: may quá ta vẫn còn bộ phận đó để đau, ta còn sung sướng hơn người không có nó để đau, vậy đau mỏi đáng để ta chấp nhân, hoan hỉ.
Những suy nghĩ như vậy sẽ giúp ta quên đi mọi đau mỏi.

Cách thứ năm: Nếu vẫn không làm ta dịu cơn đau mỏi, ta phải nghĩ rằng: Đau mỏi là cơ hội duy nhất trong cuộc đời để ta có thể trả nghiệp; chấp nhận và vượt qua đau mỏi giúp ta trả được nghiệp theo ta từ kiếp trước hay chính ta đã tạo ra nó trong kiếp này. Khởi được ý nghĩ như vậy, giúp ta đủ nghị lực vượt qua đau mỏi và trong tâm ta sẽ tràn ngập niềm hứng khởi, hỉ lạc.

Cách thứ sáu: Cả năm cách vẫn không dịu cơn đau mỏi hãy đối phó với cơn đau bằng quan sát. Cảm nhận nó mà không nghĩ đến nó như là cái đau của mình. Nó tự đến, ta không mời nó, không giữ nó, không đuổi nó đi. Không quan tâm đến nó mà chỉ tập trung vào thiền. Không lâu sau nó sẽ tự đi đấy bạn ạ.

Thường những người tập thiền lâu thì áp dụng một trong sáu cách trên là có hiệu quả ngay. Chỉ có những người mới tập thiền mới xẩy ra tình huống áp dụng cách gì thì đau mỏi vẫn không thuyên giảm mà càng đau hơn. Vậy ta chỉ còn cách cuối cùng là.

Cách thứ bẩy Thay đổi tư thế thiền một cách chánh niệm. Tức là tâm chủ động điều hành thân từ từ di chuyển đến vị trí dễ chịu nhất. Làm cách này tất yếu đau mỏi sẽ hết. Nhưng lưu ý rằng cơn đau mỏi tiếp theo lại sẽ đến, nhanh hơn với cường độ mạnh hơn và buộc ta lại phải di chuyển. Điều đó làm cho hiệu quả ca thiền giảm đi rất nhiều. Người mới thiền không lấy đó mà buồn chán, tự ti cho rằng mình không thiền được mà bỏ cuộc. Ta cứ kiên trì tập luyện sẽ đạt được kết quả thật tuyệt vời với cảm giác sung sướng lan tỏa.

Trên đời này không có thành công nào mà không trải qua thất bại, đau đớn và gian khổ. Thiền cũng vậy, không thể chỉ ngày một ngày hai mà đã đạt được thành tựu, phải kiên trì, phải chịu đựng, phải chấp nhận mọi trở ngại mới có thành công. Hãy rèn luyện chấp nhận thân khổ ta sẽ có tâm không khổ. Trong tâm, hỉ lạc sẽ phát sinh, một cảm giác sung sướng tràn ngập trong tâm. Tâm thực sự là ông chủ, đủ quyền uy sai khiến thân làm theo ý mình. Thành công sẽ đến với bạn.
Tháng 5 năm 2020 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.