Nguyễn Trọng Bình
Giáo viên phụ trách lớp Thiền 5
Khi nói chuyện và chia sẻ với giáo viên và học viên, đã nhiều lần Thầy Chủ nhiệm CLB Phạm Mạnh Thường khẳng định: "Pháp môn thiền Lửa Tam Muội mà CLB DSNL Esperanto HN đang luyện tập là pháp song tu, tức là tu thân và tu tâm cùng một lúc. Nói cách khác là sửa đổi thân thể và tâm trí theo hướng có lợi cho sức khỏe và tâm tính của người luyện tập. Cơ chế của pháp môn này là: Khai thông kinh mạch, tái tạo và điều chỉnh khiếm khuyết, thanh lọc và đào thải, giữ cho cơ thể luôn ở trong trạng thái quân bình âm dương theo quy luật vận động của vũ trụ. Như vậy là mục đích và cơ chế luyện tập đã rõ. Vấn đề còn lại là thực hành sao cho có hiệu quả.
1/ Nhận rõ mối quan hệ giữa thân và tâm, trong đó tâm là gốc. Muốn thân lành thì tâm phải an. Muốn tâm an phải buông bỏ tham - sân - si, sống đơn giản và nhân ái. Ngược lại, một thân thể khỏe mạnh thì tâm trí sảng khoái và trong sáng, cuộc sống sẽ thanh thản, an nhiên. Do vậy, khi luyện tập không được xem nhẹ thân hoặc tâm, mà phải song tu cùng một lúc như Thầy Chủ nhiệm căn dặn.
2/ Luôn nhớ, thiền là tu. Thiền không chỉ là ngồi bất động để thu năng lượng mà thiền là tu, là nhìn lại tâm mình để sửa đổi. Muốn vậy, tâm phải lặng yên, phải biết gạt bỏ những suy nghĩ lăng xăng khi ngồi thiền. Đây là việc khó nhất. Vừa ngồi nhắm mắt lại là vọng tưởng khởi lên, lôi kéo tâm chạy theo hết chuyện này đến chuyện nọ. Vậy, phải làm sao?
- Thứ nhất, phải tỉnh giác, vọng tưởng nổi lên tâm phải biết để buông bỏ, đây gọi là chánh niệm.
- Thứ hai, không cung cấp năng lượng cho nó, vọng tưởng sẽ hết. Tức là không nghĩ đến nó, thay vào đó nghĩ đến việc khác có lợi cho việc thiền. Ví dụ: niệm danh hiệu Phật hay quán theo hơi thở. Thở vào - biết rõ hơi thở vào, thở ra - biết rõ hơi thở ra. Cứ quán hơi thở như vậy, vọng tưởng sẽ hết. Rồi quán tiếp: thở vào - tâm từ từ an định, thở ra - tâm từ từ an định. Lúc sau sẽ ở vào trạng thái thiền định. Năng lượng sẽ tuôn chảy vào cơ thể rất tự nhiên.
- Thứ ba, khi thiền định, trạng thái tâm linh sẽ xuất hiện, là cơ hội để nhìn lại bản thân mình, không nên bỏ qua cơ hội quý giá này để sửa đổi tâm tính. Trong trạng thái tâm linh vô thức, tâm ta hiện lên rõ nhất.
3/ Tâm là gốc của thân, vì vậy, khi luyện tập phải đề cao tâm tính. Thân khỏe từ tâm, thân bệnh cũng từ tâm. Luôn suy nghĩ tích cực, sống và làm việc lương thiện, không nói và làm việc xấu, việc ác, tức là không tạo nghiệp xấu, mà chỉ tạo nghiệp tốt thôi, phước báu đến liền, cuộc đời gặp nhiều may mắn.
4/ Tích lũy và chia sẻ năng lượng tình thương. Người xưa đã dạy: "Yêu thương trao đi - yêu thương còn mãi". Năng lượng tình thương không bao giờ mất đi, càng san sẻ tình thương, càng tích lũy được nhiều. Đó là phước đức của người tu. Ở đời không ai sống được một mình, mà sống trong cộng đồng. Chia sẻ với cộng đồng là lẽ sống tích cực, làm lan tỏa những điều tốt đẹp, làm cho cuộc sống dễ chịu, an lành hơn. Chia sẻ là hạnh bố thí, là tâm yếu, là ngõ cửa ban đầu của người tu. Đừng nghĩ rằng phải giàu có về vật chất mới bố thí được. Không ai nghèo đến mức không bố thí được mấy hạt cơm cho đàn kiến. Cho, tặng tài vật là chuyện nhỏ, sẻ chia tâm thí mới là to. Năng lượng tình thương rất đặc biệt, càng cho đi, càng lớn lên, thân tâm càng khỏe mạnh, an vui, và hạnh phúc, nụ cười, ánh mắt, lời nói, tình thương, sự nhường nhịn, bao dung,... là những thứ có thể trao tặng, sẻ chia bất cứ lúc nào, chứ đâu cần đến lúc có nhiều tiền bạc mới làm từ thiện, mới thực hành hạnh bố thí. Tâm tự tin hay tự ty cũng xuất phát từ đây. Đó là lý do vì sao nhiều người nghèo mà vẫn có năng lượng sống tràn trề, vì họ biết tu thiền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.